Mình là cô gái U30, độ tuổi mà với nhiều người là nên thôi bay nhảy, cần ổn định trong bất cứ điều gì có thể ổn định được như công việc, gia đình. Và thực tế là mình có một công việc ổn định, nhiều triển vọng thăng tiến ở quê nhà.
Nhưng đùng một cái, mình gạt qua tất cả để đi học trở lại sau 6 năm làm việc. Bất ngờ hơn nữa là mình từ chối học bổng toàn phần từ trường đại học hàng đầu ở một đất nước mà mình phải lòng từ lâu để dấn thân vào một quyết định đầy rủi ro: bỏ lại sau lưng tất cả “thành tựu” của những năm tháng tuổi 20, một mình đến một đất nước xa xôi, lạnh lẽo để học tập. Giờ đây trên hành trình mới, mình vẫn đang tận hưởng những điều tuyệt vời mỗi ngày và nhận ra, tuổi trẻ mà, cứ can đảm thử thách bản thân, bạn sẽ tìm thấy một phiên bản mới tốt hơn nhiều của mình!
>> Xem thêm: Du học Thụy Điển: Nhiều ưu đãi khi chọn Đại học Jonkoping
Tại sao bạn du học Thụy Điển?
Nếu ai hỏi mình như thế, mình cũng thắc mắc lại ngay: tại sao lại không nhỉ!
Mình từng say đắm một quốc gia phát triển khác ở châu Á và may mắn được học bổng toàn phần từ trường đại học ở đó. Nhưng rồi mình đã chọn du học Thụy Điển, mặc cho điều này đồng nghĩa với việc mình không còn được tài trợ toàn bộ học phí, chưa biết xoay sở ra sao ở một nơi chưa từng đặt chân đến. Mà quyết định ấy lại xuất phát từ cảm xúc mới ngộ chứ! Chả là mình vô tình đến dự sự kiện do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức. Một sự kiện không quá đông nhưng để lại ấn tượng tốt với mình: thái độ khiêm nhường, nói chuyện ngắn gọn và không mang tính cạnh tranh. Nói vậy không phải là mình ngán cạnh tranh đâu nhé, nhưng một đứa làm marketer gần 7 năm ở hầu hết công ty nước ngoài như mình thấy ngộp với không khí cạnh tranh và nghe chữ ranking được nhắc đến quá nhiều.
Mình không phủ nhận tầm quan trọng của ranking vì trường tốt thì mới đạt thứ hạng cao, mình cũng nể các bạn giỏi giang theo học tại các trường top đầu của thế giới. Chỉ là với mình Thụy Điển có sức hút hơn. Mà thật ra ranking của các trường Thụy Điển cũng không kém đâu nha. Hệ thống giáo dục đại học Thụy Điển còn thường xuyên nằm trong top 5 toàn cầu.
>> Xem thêm: Thông tin chung về du học Thụy Điển năm 2020
Du học Thụy Điển: Học ít, biết nhiều!
Nói “học ít” là thời gian lên lớp ít, bạn nhé. Mình học thạc sĩ 2 năm, mỗi năm có 2 học kỳ. Ngoài học kỳ cuối là làm khóa luận, mỗi học kỳ còn lại mình chỉ có 4 môn để học. Mỗi kỳ được chia làm 2 giai đoạn nối liền nhau. Mỗi giai đoạn học cùng lúc 2 môn, học xong thi rồi tiếp tục học 2 môn mới. Mỗi tuần tối đa lên lớp 4 session, mỗi session tối đa 3 giờ. Sau giờ học mình cũng có bài tập về nhà, bài tập nhóm, gặp trợ giảng feedback… Nhìn chung lịch học được phân bổ đủ thời gian cho mình có thể nghiên cứu, thảo luận, không phải “cày” bài vở thâu đêm suốt sáng mà vẫn lĩnh hội được kiến thức. Việc học ở Thụy Điển nói dễ thì không quá dễ, nói khó cũng không phải khó nhưng đúng như lời giảng viên mình gặp ngày đầu tiên là, bạn đầu tư vào khóa học như thế nào thì kết quả đầu ra nhận được sẽ tương ứng thế nấy.
Ngành mình học khá mới (knowledge based entrepreneurship) nên lớp có gần 20 sinh viên thôi, các ngành “hot” khác cũng chỉ có khoảng 50-60 người. Rất thuận lợi để làm việc, thảo luận, thuyết trình theo nhóm. Điều đặc biệt nho nhỏ là kỳ thi ở đây có thể kéo dài 4-5 giờ với dạng digital exam. Đề thi vừa có câu hỏi trả lời ngắn, vừa có câu essay, bạn tha hồ mà viết nhé!
Lớp mình đầy đủ Tây, Mỹ, Á. Mỗi người một tính nhưng ai nấy đều có tinh thần học tập rất nghiêm túc. Một phần là bởi ngành học và các môn học đều hay, luôn có cái mới để vỡ lẽ. Mình lại may mắn được học với program coordinator (có thể hiểu là thầy chủ nhiệm, người phụ trách chung về chất lượng giảng dạy và sắp xếp các môn của ngành học) rất có tâm, chịu đổi mới và truyền nhiều cảm hứng. Thầy luôn tạo không khí cởi mở cho sinh viên thoải mái nói hết những suy nghĩ của mình để thầy có thể góp ý cho mỗi người hướng cải thiện bản thân phù hợp, hay làm sao để ngành học đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sinh viên. Những ngày du học Thụy Điển, không ít lần mình nghĩ, ừ, giáo dục phải như vậy chứ nhỉ!
Tuy nhiên không phải 100% lớp học đều hào hứng, vui vẻ. Cũng có những giờ học khó hiểu và khô khan. Kinh nghiệm của mình là nếu gặp trường hợp như vậy nên đi hỏi các bạn khác, hoặc hẹn nhau cùng học và thảo luận. Nếu vẫn chưa ổn thì phản ánh với trường vì ở đây luôn nhắc bạn phải “active listening” feedback.
Du học Thụy Điển: Sống vui, khỏe, lành mạnh!
Thụy Điển là quốc gia có mức sống cao nên nhiều bạn có thể e dè chi phí nếu chọn du học nơi này. Mình ở Gothenburg, thuê phòng 4.000 SEK/tháng (10 SEK ~ 1 EUR). Những bạn theo kiểu vợ đi học, chồng qua chung thì thuê căn hộ nhỏ tầm 7.000-8.000 SEK/tháng.
Sinh hoạt phí còn lại của mình khoảng 4.000-5.000 SEK/tháng theo kiểu không mua sắm thừa thãi, phần lớn tự nấu ăn. Mình có đứa bạn siêu giỏi về khoản săn lùng discount nên tiêu chưa tới 3.000 SEK/tháng. Bạn có thể tìm việc làm bán thời gian để cắt giảm chi phí. Sinh viên tốt nghiệp có thể xin giấy phép ở lại làm việc, nhưng chú ý là nếu không có việc làm sau 6 tháng thì phải xách ba lô lên đường về nước nhé.
>> Xem thêm: Cơ hội xin giấy phép cư trú Thụy Điển đến 2 năm khi học tập tại Đại học Jonkoping
Điều mình thích nữa ở Thụy Điển là lối sống Lagom – hiểu nôm na là “vừa đủ”. Người Thụy Điển hình như ít ai “cuồng” việc. Họ làm việc chăm chỉ nhưng cũng biết cách tận hưởng cuộc sống, nuông chiều bản thân. Đi làm công ty tầm 4 giờ chiều là về, các trung tâm thương mại lớn cũng chỉ mở cửa tới 8 giờ tối kể cả Black Friday. Thụy Điển lịch thiệp, sạch sẽ, không xô bồ. Nơi này đề cao sự bình đẳng nên không lạ khi thấy những ông bố một mình đẩy xe em bé lên xe buýt, tay xách nách mang bỉm sữa, chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái với vợ một cách tự nhiên.
Người dân ở quốc gia Bắc Âu này cũng vô cùng yêu thiên nhiên và chú trọng phát triển bền vững. Du học Thụy Điển, mình không chỉ được tiếp nhận nền giáo dục chất lượng cao mà còn được thụ hưởng các điều kiện sống lý tưởng.
Giờ mùa apply cận kề rồi. Nhớ lại thời apply mình có nhiều “ngây dại” nên tóm tắt nhẹ vài tip để các bạn tham khảo (trong các bài viết tiếp theo). Mình mong là sẽ khuyến khích những bạn có ý định du học Thụy Điển mà đang bị kéo lại bởi nhiều suy tư, lo lắng hay sợ hãi. Thay vì chần chừ, hãy tập trung vào các việc cần chuẩn bị để apply bạn nhé.
(Chia sẻ của Sophie Lam)
Liên hệ nhà tư vấn du học Thụy Điển uy tín được hỗ trợ tốt nhất nhé.
Công ty Tư vấn Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline miền Bắc và miền Nam: 093 938 1081
- Hotline miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 9983
- Email: inec@inec.vn