New York được mệnh danh là “thành phố không bao giờ ngủ” và là thủ đô văn hóa của Mỹ. Trong thế kỷ 21, New York đã nổi lên như một điểm nóng toàn cầu của sự sáng tạo, tinh thần kinh doanh và tính bền vững của môi trường. Đồng thời, nó cũng là biểu tượng của sự tự do và đa dạng văn hóa. Có thể nói New York là một nơi độc-nhất-vô-nhị mà bạn khó tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
“Học tập tại thành phố New York là một trải nghiệm tuyệt vời. Mọi người ở đây đến từ mọi nơi trên thế giới, do đó tôi chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng. Điều tuyệt vời là tôi luôn cảm thấy mình là một phần của cộng đồng này.” – Chia sẻ của Hedieh (Iran), sinh viên bậc Thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại Pace University.
New York: những điều cần biết
Bạn có thể đã nghe hoặc biết rất nhiều về Tượng Nữ thần Tự do, Phố Wall, Quảng trường Thời đại, Đại lộ Broadway… Vâng chúng được xem là “đặc sản” của New York khiến bất cứ ai cũng mong ước khám phá một lần.
Thực tế thành phố nổi tiếng của Mỹ, được mô tả là thủ đô văn hóa, tài chính và truyền thông của thế giới còn ẩn chứa nhiều điều để bạn nên tìm hiểu, khám phá, nhất là khi bạn có ý định học đại học tại đây.
Dưới đây INEC đã tổng hợp thông tin về nhiều phương diện để giúp bạn hiểu biết thêm về cuộc sống, trải nghiệm cũng như khía cạnh giáo dục đại học ở New York.
Dân cư và ngôn ngữ
New York là thành phố đông dân nhất, có mật độ dân số cao nhất của Mỹ với gần 9 triệu dân, phân bổ trên 778,2 km2. Thành phố New York được chia thành 5 quận là: The Bronx, Manhattan, Brooklyn, Queens và đảo Staten.
Ở New York có hơn 800 ngôn ngữ được sử dụng, khiến nó trở thành thành phố đa dạng ngôn ngữ nhất thế giới. New York là nơi có số lượng tỷ phú cao nhất so với bất kỳ thành phố nào trên toàn cầu.
Hệ thống giao thông
New York có hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất trên toàn thế giới. Điều này giúp việc di chuyển trong khu đô thị rộng lớn của New York rất thuận tiện. Bên cạnh đó, thuộc hệ thống giao thông công cộng của thành phố, xe buýt rất phổ biến. Ngoài ra, không thiếu những chiếc taxi màu vàng đặc trưng trên khắp ngả đường New York.
Các chuyến tàu từ ga Grand Central và ga Penn đưa hành khách đến và đi từ các thị trấn, thành phố và tiểu bang lân cận.
Các chuyến bay quốc tế thường xuyên khởi hành và hạ cánh tại cả hai sân bay vào hàng bận rộn nhất thế giới của New York:
- Sân bay Quốc tế John F. Kennedy (JFK): Trung bình 1.200 chuyến bay đến hàng ngày; phục vụ hơn 30 triệu lượt khách mỗi năm.
- Sân bay Quốc tế LaGuardia: Trung bình 700 chuyến bay đến mỗi ngày; phục vụ khoảng 29 triệu lượt khách mỗi năm.
Thời tiết
Nằm trên bờ biển phía Đông Bắc nước Mỹ, New York mang đặc trưng của khí hậu vùng ôn đới với 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông.
Trong suốt cả năm, nhiệt độ thường thay đổi từ -2°C đến 29°C. Hiếm khi nhiệt độ giảm xuống dưới -10°C hoặc trên 34°C. Tháng 7 là tháng nóng nhất trong năm, trong khi tháng 1 là lạnh nhất.
Văn hóa, giải trí ở New York
Sự đa dạng, phong phú của New York làm cho thành phố này thực sự độc đáo. Ở New York, không bao giờ thiếu những điều thú vị.
- Nhà hát, văn hóa, nghệ thuật
Từ các vở nhạc kịch Broadway đến Shakespeare in the Park, không gì có thể sánh được với nền nghệ thuật văn hóa thịnh vượng của New York. City’s Theater District có hơn 40 địa điểm, mỗi địa điểm có sức chứa hơn 500 người. Khán giả quen thuộc có thể thưởng thức các chương trình nổi tiếng như The Lion King, Wicked và The Phantom of the Opera quanh năm.
- Các công viên
Quảng trường Thống nhất, Quảng trường Washington, Công viên Stuyvesant, Quảng trường Madison, danh sách còn dài và chúng là những nơi tuyệt vời để bạn dừng chân nghỉ ngơi, giải trí. Và tất nhiên, không thể không kể đến Công viên Trung tâm! Bạn có thể dành cả buổi chiều Chủ nhật ở đó để đi dạo, ăn uống, tham quan sở thú và được giải trí miễn phí.
- Hoạt động thể thao
Có thể mô tả New York là một thành phố cuồng thể thao. Vào tháng 8 hàng năm, New York tổ chức Giải quần vợt Mỹ mở rộng, sự kiện quốc tế lớn nhất của Mỹ dành cho quần vợt nam và nữ. Madison Square Garden là nơi tổ chức các trận đấu bóng rổ và khúc côn cầu chuyên nghiệp, cũng như các sự kiện thể thao khác như đấu vật WWE. Người dân New York có niềm tự hào to lớn đối với các đội bóng địa phương của họ như New York Yankees, Knicks, Mets và Rangers.
Ẩm thực
Không có thành phố nào khác ở Bắc Mỹ có nhiều món ăn mang tính biểu tượng, nhất định phải thử ít nhất một lần trong đời như ở New York. Điều này xuất phát từ việc New York là một thành phố của những người nhập cư. Và các món ăn gắn liền với nó phần lớn liên quan đến các làn sóng nhập cư.
Không có gì ngạc nhiên khi bánh mì tròn, thịt hun khói (pastrami) và xúc xích là phiên bản đầu tiên của món ăn mang tính biểu tượng của Big Apple. Vì làn sóng người nhập cư vào đây khoảng 120 năm trước đến từ Trung và Đông Âu.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà món General Tso’s chicken (gà chiên giòn ngọt và cay), có trong hầu hết thực đơn của mọi nhà hàng Trung Quốc ở Mỹ. Nó phản ánh làn sóng những người sau này từ châu Á di cư đến đây.
Tiếp theo lại có một làn sóng mới về các món ăn mang tính biểu tượng ở New York, phản ánh mô hình nhập cư đầu thế kỷ 21. Một số món phải kể đến như ramen và bánh gạo xào, bánh bao nhân thịt heo.
Để giờ đây, mặc dù nổi tiếng có các cửa hàng bánh pizza với những chiếc bánh Neapolitan cỡ lớn, nhưng pizza chỉ là phần nổi của tảng băng trôi ở thiên đường ẩm thực quốc tế New York. Khu Phố Tàu, Khu Phố Hàn Quốc, Khu Tiểu Ấn và Tiểu Ý cũng mang đến một loạt trải nghiệm ăn uống đích thực và đáng kinh ngạc.
Mức độ an toàn
Nói về mức độ an toàn, New York là thành phố lớn an toàn nhất ở Mỹ và là một trong những thành phố lớn an toàn nhất trên thế giới. Bạn có thể đi dạo quanh Manhattan, từ Harlem đến Khu Tài chính, bất kể ngày hay đêm với một cảm giác an toàn.
Những hoạt động vui chơi giải trí phổ biến
- Đại hội Comic Con
Nếu bạn là fan truyện tranh, đừng quên đến với thiên đường cho những người đam mê truyện tranh từ khắp nơi trên thế giới. Comic Con là một hội nghị thường niên dành riêng cho các fan của truyện tranh, anime, manga, trò chơi điện tử, chương trình truyền hình, phim và tất nhiên là cả cosplay.
- Tuần lễ thời trang New York
Được tổ chức hai lần mỗi năm, Tuần lễ thời trang New York giới thiệu các xu hướng thời trang mới nhất, bao gồm cả quần áo, phụ kiện đến từ các thương hiệu và nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới.
- Liên hoan phim Tribeca
Đây là một trong những sự kiện mùa xuân nổi tiếng nhất của New York. Trong khuôn khổ liên hoan sẽ trình chiếu các bộ phim và đón tiếp các nhà làm phim từ khắp nơi trên thế giới.
- Lễ thắp sáng cây thông Noel ở Rockefeller Center
Kỳ nghỉ đông ở New York là một trong những thời điểm kỳ diệu nhất trong năm. Bắt đầu từ tháng 12, cây thông Noel khổng lồ và sân trượt băng tại Trung tâm Rockefeller là nơi tốt nhất để hòa mình vào không khí ngày lễ.
- Tour xe buýt mui trần
Ngồi trên tầng trên của một trong những chiếc xe buýt mui trần của NYC sẽ giúp bạn có một lời giới thiệu tuyệt vời về thành phố và tất cả những gì nó mang lại.
- The High Line
Trải dài 2,5 km ở Lower West Side của Manhattan, High Line là một lối đi bộ dài xuyên qua một công viên hẹp, xinh đẹp nằm trên nơi từng là tuyến đường sắt trên cao.
Cơ hội học tập ở thành phố New York và tiểu bang New York
New York gồm nhiều trường đại học nghiên cứu lớn, trường cao đẳng hạng trung, trường cao đẳng nghệ thuật tự do nhỏ, một vài học viện quân sự liên bang và một số tổ chức chuyên ngành trong môi trường đô thị, ngoại ô và nông thôn. Hơn 130 tổ chức giáo dục đặt trụ sở khắp New York, chưa kể cả ở các thành phố như Buffalo, Rochester, Syracuse, Ithaca và thủ phủ của bang, Albany. Tại New York hiện có 2/8 trường đại học Ivy League, đó là Cornell University và Columbia University.
Bạn sẽ thấy hàng chục trường được gắn chữ CUNNY hoặc SUNNY. Đây là các chữ viết tắt của State University of New York (Đại học Bang New York – SUNNY) và City University of New York (Đại học Thành phố New York – CUNNY), hai hệ thống đại học công lập lớn nhất New York.
Nếu bạn quan tâm đến cơ hội giáo dục tại New York khi du học Mỹ, dưới đây là một số trường tiêu biểu mà sinh viên Việt Nam có thể tìm hiểu và tiếp cận sớm.
- Cornell University
- Columbia University
- New York University
- University at Buffalo – SUNNY
- Hofstra University (HOF)
- Drew University in New York
- Adelphi University
- Binghamton University – SUNNY
- Pace University
- Long Island University
- City College – CUNNY
- Hunter College – CUNNY
- New York City College of Technology – CUNNY
- Queen College
- Rochester Institute of Technology
- Manhattan College
- …
Chi phí học tập ở New York
Học tập ở New York có thể là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, việc trải nghiệm cuộc sống, giáo dục ở một thành phố đô thị không chỉ nổi tiếng của Mỹ mà còn của thế giới có thể tiêu tốn ngân sách nhiều hơn so với ở các thành phố nhỏ hơn. Tuy nhiên, đừng vội chùn bước bởi New York cũng được coi là vùng đất của cơ hội với nhiều cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên. Có những giải pháp giúp bạn tài trợ một phần chi phí du học Mỹ.
Trước tiên thì chi phí cần thiết để trang trải việc học, cuộc sống ở New York là bao nhiêu? Đi tìm câu trả lời ngay sau đây!
Học phí của các trường ở New York
Chi phí học tập khác nhau đối với các trường đại học khác nhau ở New York, phụ thuộc vào loại trường công lập/tư thục, ở nội đô hay khu vực ngoại ô, xếp hạng của các trường, sự tài trợ của các tổ chức/cá nhân dành cho các trường…
Nhìn chung mức học phí ở New York cho bậc cao đẳng, đại học dao động từ 20.000 – 65.000 USD/năm. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về chi phí học tập, dưới đây đề cập đến học phí, học bổng (tham khảo) của một số trường ở New York:
Cao đẳng, đại học | Học phí trung bình hàng năm | Học bổng hàng năm (có thể gia hạn 4 năm) |
New York University | 32.695 – 62.062 USD | 8.000 USD/năm |
Cornell University | USD 65.204 USD | Up to 50% |
Colgate University | USD 62.000 USD | Up to 34.000 USD/năm |
University of Rochester | 40.000 – 64.000 USD | Up to 20.000 USD/năm |
University at Albany | 30.000 USD | Up to 17.500 USD/năm |
Adelphi University | 40.000 – 46.000 USD | Up to 15.000 USD/năm |
Hofstra University | 56.660 USD | 20.000 USD/năm |
Queen College | 20.000 USD | 2.000 USD/năm đầu tiên |
Manhattan College | 47.200 USD | 25.000 – 34.000 USD/năm |
Chi phí sinh hoạt
Ngoài học phí, bạn cũng cần biết mức chi tiêu sinh hoạt trước khi đăng ký vào một trường đại học trong thành phố. Sau đây là tổng quan toàn diện về chi phí sinh hoạt trung bình (ước tính) của sinh viên tại thành phố New York.
Chi tiết | Giá (tháng) |
Ở bên ngoài trường | 1.050 USD |
Ở ký túc xá của trường | 1.252 USD |
Di chuyển | 128 USD |
Giá thực phẩm | 638 USD |
Tiện ích cần thiết | 116 USD |
Giải trí | 65 USD |
Tạp hóa | 116 USD |
Tổng chi phí sinh hoạt khi ở ngoài trường | 2.113 USD/tháng (~21.130 USD/năm học 10 tháng) |
Tổng chi phí sinh hoạt khi ở trong trường | 2.315 USD /tháng (~23.150 USD/năm học 10 tháng) |
Chi phí khác
Ngoài học phí và chi tiêu sinh hoat, sinh viên cần chi tiêu cho một số khoản khác:
- Bảo hiểm sức khỏe (bắt buộc): 500 – 2.500 USD/năm
- Phí tham gia hoạt động ngoại khóa (tùy trường): ~ 300 USD
- Sách và đồ dùng (tùy trường): 1.000 – 1.300 USD/năm
- Phí ghi danh (tùy trường): 45-100 USD
- Lệ phí xin visa du học Mỹ: 200 USD
Như vậy, tổng chi phí tự túc cho một năm học ở New York, đã bao gồm học phí và sinh hoạt phí có thể dao động từ khoảng 40.000 – 45.000 USD (đối với cao đẳng 2 năm), 55.000 – 80.000 USD (đối với đại học 4 năm). Tuy nhiên trong thực tế, rất ít sinh viên phải trả toàn bộ chi phí du học Mỹ nhờ các cơ hội học bổng, hỗ trợ tài chính. Sinh viên có năng lực học tập tốt có thể tìm kiếm các suất học bổng tương đương 25-70% học phí.
Chẳng hạn với Đại học Adelphi, nếu sinh viên tìm được suất học bổng 15.000 USD/năm, học phí sau khi trừ học bổng còn 25.000 – 31.000 USD/năm. Cộng với chi phí sinh hoạt, tổng chi phí cho một năm học còn khoảng 46.000 USD/năm. Mức chi phí này có thể được tài trợ thêm từ việc làm thêm trong khi học và sau khi tốt nghiệp.
Cơ hội nghề nghiệp, việc làm ở New York
Trong khi học
Làm việc trong khi đi học 20 giờ/tuần vào lúc rãnh rỗi có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho các khoản chi trả ở thành phố New York. Lưu ý là du học sinh tại Mỹ chỉ được phép làm thêm trong trường. Làm thêm ngoài trường chỉ dành cho những sinh viên đủ điều kiện tham gia vào các chương trình vừa học vừa làm do trường đại học cung cấp.
Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm việc làm bằng cách kiểm tra xem trường đại học có bảng việc làm trực tiếp hay trực tuyến hay không. Hoặc bạn có thể trò chuyện với các giáo sư, bạn học hoặc cố vấn nghề nghiệp để được trợ giúp tìm một công việc liên quan đến chuyên ngành và sở thích của bạn.
Công việc part-time sinh viên có thể làm thêm trong khi học: đại sứ trường học, nhân viên pha chế, trợ giảng, trợ lý thư viện, nhân viên lễ tân, trợ lý nghiên cứu, phục vụ quầy ăn uống, trợ lý bán hàng, gia sư…
Sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp các chương trình bằng cấp có thể ở lại Mỹ một năm để tìm việc, hoặc lên đến 3 năm đối với bằng STEM (theo chương trình Đào tạo thực hành tùy chọn OPT và OPT mở rộng). Sinh viên có thể tìm việc tại New York hoặc bất cứ đâu tại Mỹ. >> Xem thêm về chương trình OPT của Mỹ
Ở một siêu đô thị như New York, cơ hội được tuyển dụng ở những vị trí tuyệt vời thường không thiếu. Quan trọng là bạn phải luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để được chọn. Khi bạn đang dự tính xin việc trong một ngành công nghiệp cạnh tranh, bạn sẽ cần hoạch định chiến lược tìm kiếm việc làm khi còn đang học. Một cách hiệu quả được các cựu sinh viên đánh giá cao là cố gắng kết nối, xây dựng mối quan hệ với những người làm việc trong ngành. Đó có thể là những giáo sư, cựu sinh viên hay chính những anh chị khóa trên tại trường mà bạn học.
Để biết thêm thông tin về du học Mỹ và được tư vấn cụ thể cho hồ sơ của bạn dựa trên lịch sử học tập, nguyện vọng nghề nghiệp, học lực, khả năng tài chính… vui lòng liên hệ:
Công ty Du học INEC
Gần 17 năm đồng hành với học sinh, sinh viên Việt Nam du học Mỹ
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline miền Bắc và miền Nam: 093 409 3223 – 093 409 2080
- Hotline miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
- Email: inec@inec.vn
- Chat ngay với tư vấn viên tại: /thongtinduhocmy