Giáo dục giới tính
Có thể bạn đã biết, năm 2009, Việt Nam là nước có lượng tìm kiếm từ khóa “sex” trên Google nhiều nhất thế giới. Trong những năm gần đây, con số này đã giảm, tuy nhiên, nước ta lại thuộc nhóm nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới! Giáo dục giới tính ở Việt Nam còn gặp rất nhiều bất cập, vấn đề này còn bị thầy cô và cha mẹ né tránh, dẫn đến tình trạng các em phải tự tìm hiểu qua những con đường không chính thống và có thể dẫn đến những cái nhìn lệch lạc.
Giáo dục từ gia đình và nhà trường chính là nguồn kiến thức quan trọng nhất giúp các em bảo vệ bản thân. Không những thế, đây còn là vấn đề thuộc về con người, là điều mà các em cần biết để hiểu và thông cảm cho người khác giới, có những cách cư xử đúng đắn. Tại Việt Nam, với văn hóa và tôn giáo phương Đông, tư tưởng trọng nam khinh nữ ít nhiều vẫn còn hiện hữu và vấn đề giới tính cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Do đó, nhiều trường hợp vấn đề sinh lý của phái nữ bị xem nhẹ, coi thường. Giáo dục giới tính không dừng lại ở việc giúp các em hiểu đúng bản chất của vấn đề về mặt sinh lý, tâm lý mà cao hơn là bồi dưỡng cho các em tâm hồn nhân ái, yêu thương con người.
Tôn trọng giới tính
Có một thực tế không còn mới từ rất lâu rồi. Đó là con người sinh ra không chỉ có 2 giới là nam và nữ, tình yêu (ngoài tình thân) là tình cảm giữa 2 giới. Chúng ta còn có những con người sinh ra với hình dạng của nam nhưng lại có tâm hồn của nữ. Chúng ta còn có những con người sinh ra là nam nhưng chỉ có tình yêu với nam. Chúng ta còn có những con người có tính hướng với cả 2 giới… Tất cả họ đều là con người và đều có quyền con người, được yêu thương và tôn trọng. Bản thân việc sinh ra và có tính hướng phát triển “không theo đường thẳng” như thế đầu tiên là gây khó khăn cho chính bản thân họ, vậy thì họ đáng được xã hội đồng cảm hơn là lên án và kỳ thị.
Đơn cử như một trường hợp sinh ra với hình dạng là nam nhưng có tâm hồn của một cô gái. “Cô ấy” cũng thích mặc những bộ váy dịu dàng, trang điểm một chút, để tóc dài, cử chỉ nhẹ nhàng, nữ tính… Nhưng điều đó thật “dị” khi “cô” vẫn mang vẻ ngoài của một người con trai. Để “tìm lại chính mình” cô phải trải qua quá tringh chuyển đổi giới tính đau đớn về thể xác và có những tác động không nhỏ đến sức khỏe. Cuối cùng, khi đã “trở về đúng hình dạng”, khi mà “bên trong” và “bên ngoài” họ đồng nhất “như một người bình thường” thì họ vẫn phải gặp những khó khăn không nhỏ trong cuộc sống. Liệu “cô gái” ấy sẽ tìm được một người con trai yêu thương cô thật sự? Họ sẽ kết hôn và sinh con bình thường? Đây là một “lỗi” của tạo hóa và bản thân con người ấy phải nỗ lực để “sửa chữa” vậy thì những người khác có quyền gì mà kỳ thị họ?!
Tự do giới tính
Như đã nói, chúng ta không chỉ có 2 giới là nam và nữ. Chúng ta còn có những người đồng tính, song tính và chuyển giới. Tính đến năm 2015, đã có 22 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân đồng giới. Ở 22 nước này, 2 người đàn ông hoặc 2 người phụ nữ có thể được pháp luật bảo vệ cho cuộc hôn nhân của họ, và (đa số) xã hội chúc phúc cho họ. Có thể nói, đây là những nước văn minh và hạnh phúc nhất thế giới đối với những người đồng tính. Cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) chiếm số lượng không nhỏ trên thế giới nhưng quyền lợi của họ không được bảo vệ một cách đầy đủ và chính đáng. Một giáo viên từng chia sẻ với tôi rằng, ở đất nước của thầy, hôn nhân đồng giới bị cấm, bạn là người đồng tính, bạn hãy sống bình thường, trong im lặng, sẽ không ai làm gì bạn! Tại sao lại “không ai làm gì bạn”?! Đồng tính không phải là bệnh, đến khi nào thì tất cả mọi người mới chấp nhận rằng ngoài nam và nữ thì chúng ta vẫn còn những giới tính khác và những tính hướng khác còn phong phú hơn thế. Tại Việt Nam, cùng với sự cải thiện của hệ thống giáo dục và sự quan tâm hơn của xã hội đến giáo dục giới tính mà chúng ta đã có cái nhìn cởi mở hơn về cộng đồng LGBT. Năm 2013, bộ ảnh “The Pink Choice – Yêu là Yêu” của nhiếp ảnh gia Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) về tình yêu của các cặp đôi đồng giới đoạt giải nhất Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo) của Việt Nam ở hạng mục “Những vấn đề đương đại” (Contemporary Issues). Bộ ảnh này được đón nhận ở cả Việt Nam và thế giới, được mang đi triển lãm ở một số nước khác.
Du học, ngoài việc giúp các em HSSV tiếp cận với một nền học thuật tiên tiến còn trang bị cho các em cái nhìn toàn diện và có tính quốc tế. Một nền giáo dục tốt không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại mà còn đào tạo nên những con người phát triển toàn diện và về trí tuệ, thể chất và tâm hồn. Trần Anh – một du học sinh Phần Lan đã được cha mẹ chấp nhận em là một “transguy” (người chuyển giới nam). Em viết: “Ngày hôm nay Nột đã come out thành công…. Nói chuyện với mẹ, mẹ nói mẹ đã đọc hết các bài báo, mẹ rất hiểu và mẹ đã định một hôm nào đó nói chuyện trực tiếp về vấn đề này…. Và ngày hôm nay! Mẹ nói: Con cứ làm theo những gì con mong muốn, miễn sao con hạnh phúc! Cả nhà hiểu và rất yêu thương con…”
Giới tính là vấn đề không hề mới, chỉ là việc nhìn nhận nó một cách đúng đắn còn mới với nhiều người mà thôi!