Du học Pháp
Chính sách Du học Pháp mới nhất
Có hơn 430.000 sinh viên quốc tế học tập tại Pháp trong năm 2023-2024. Là một điểm đến du học nổi tiếng, Pháp vẫn duy trì nhiều chính sách như:
- Cho phép sinh viên quốc tế làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng giao tiếp, nâng cao trình độ ngoại ngữ.
- Quốc gia duy nhất ở Châu Âu cung cấp trợ cấp về nhà ở cho sinh viên quốc tế. Sinh viên sẽ được chính phủ hỗ trợ từ 30-50% chi phí thuê nhà.
- Sinh viên muốn du học Pháp ngoài chứng minh ý định học tập nghiêm túc, có kế hoạch học tập rõ ràng, còn phải chứng minh tài chính nhằm đảm bảo đủ chi trả cho khóa học của mình ở Pháp.
Dự toán chi phí Du học Pháp
Du học Pháp nên chọn trường nào
Học bổng & Hỗ trợ tài chính
*Áp dụng có điều kiện tùy chương trình theo từng thời điểm cụ thể.
Hỗ trợ 30-50% phí nhà ở cho sinh viên quốc tế
Tặng phí ghi danh
Tặng phí dịch thuật hồ sơ
Tặng phí dịch vụ
Tặng phí khám sức khỏe
Yêu cầu đầu vào
Cao đẳng
- yêu cầu khác như kinh nghiệm làm việc (nếu có)
– Tốt nghiệp THPT
– IELTS 5.5 hoặc tiếng Pháp DELF B2
Cử nhân
- yêu cầu khác như kinh nghiệm làm việc (nếu có)
– Tốt nghiệp THPT
– IELTS 5.5-6.0 hoặc tiếng Pháp DELF B2
Thạc sĩ
- yêu cầu khác như kinh nghiệm làm việc (nếu có)
– Tốt nghiệp đại học
– IELTS 6.0-6.5 hoặc tiếng Pháp DELF B2
– Có thể yêu cầu kinh nghiệm làm việc tuỳ ngành, tuỳ trường
Các ngành đào tạo thế mạnh
Visa Du học Pháp
Sinh viên cần xin visa để đến Pháp học tập. Có hai loại visa du học Pháp tùy theo thời lượng chương trình học, mỗi loại visa sẽ có quy trình xử lý riêng biệt.
Visa dài hạn (VLS-TS) cho phép bạn học tập tại Pháp trong khoảng thời gian trên 3 tháng. Khi có visa VLS-TS, bạn cũng sẽ được:
- Tự do đi lại trong 26 quốc gia thuộc khối Schengen
- Làm việc bán thời gian
- Miễn giảm chi phí thuê nhà
Visa ngắn hạn dành cho các chương trình học dưới 3 tháng và không thể đổi thành giấy phép cư trú.
Theo luật visa Pháp, bất kỳ sinh viên nước ngoài nào muốn học tập tại quốc gia này đều phải chứng minh tài chính đảm bảo chi trả cho quá trình học tập tại Pháp. Điều này còn cho thấy mục đích chính của bạn khi đến Pháp là học tập, không phải vì bất kỳ lý do khác.
Do quy trình visa khá phức tạp, sinh viên nên chuẩn bị hồ sơ trước thời điểm dự định du học từ 6 tháng đến 1 năm.
Khách hàng nói gì về Du học Pháp
Tin tức Du học Pháp
Tại sao bạn nên chọn Pháp làm điểm đến du học
Giáo dục đại học chất lượng cao, mở cửa cho tất cả sinh viên
Hệ thống giáo dục nước Pháp đứng thứ 17 thế giới về quy mô và sức ảnh hưởng (xếp hạng hệ thống giáo dục đại học của U21 Ranking). Các trường đại học, các trường lớn (Grande École), các trường chuyên ngành của Pháp nổi tiếng trên khắp thế giới vì chất lượng đào tạo xuất sắc. Bạn có thể tham khảo thông tin từ các bảng xếp hạng giáo dục quốc tế như QS, Times Higher Education, Financial Times, hoặc bảng xếp hạng các đại học theo ngành để có cái nhìn tổng quan nhất.
Có tổng cộng 3.500 tổ chức giáo dục công lập và tư thục trên toàn nước Pháp, cung cấp các chương trình độc đáo và sự xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Họ làm việc với các đối tác ngành có uy tín nhất đảm bảo sinh viên nhận được lợi thế về kinh nghiệm và phát triển chuyên môn. Các phòng thí nghiệm công nghệ cao, thư viện cổ, cơ sở hạ tầng hiện đại và giáo trình toàn diện, có cấu trúc tốt khiến nơi đây trở thành nơi lý tưởng để sinh viên tiếp tục học cao hơn.
Không có sự phân biệt quốc tịch của sinh viên du học Pháp. Các em đều nhận được chất lượng giáo dục và cơ hội phát triển như nhau.
Đào tạo hướng nghiệp, khả năng tuyển dụng mạnh mẽ
Có được kinh nghiệm làm việc ngay cả trước khi tốt nghiệp là bước đệm quan trọng để bạn bắt đầu sự nghiệp. Giáo dục đào tạo ở Pháp chú trọng tính thực tiễn trong chương trình học. Thực tập tại các doanh nghiệp là một phần bắt buộc ở nhiều ngành học. Chẳng hạn, bạn sẽ có tối đa 16-18 tháng thực tập có trả lương trong các nhà hàng gắn sao Michelin hay những khách sạn 5 sao khi du học ngành Quản trị Dịch vụ và Nghệ thuật ẩm thực. Bạn cũng có thể thực tập 6-12 tháng và được lựa chọn học chuyển đổi khu học xá đến các nước khác 1 hoặc 2 năm nếu học khối ngành Kinh tế, Tài chính, Kinh doanh…
Nhờ các kỳ thực tập và trao đổi quốc tế này, sinh viên dễ dàng thích nghi hơn với môi trường làm việc chuyên nghiệp và đó cũng là cánh cửa cho bạn bước vào công việc chính thức sau này. Bằng cấp của Pháp được các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới tôn trọng.
Chi phí hợp lý nhất Châu Âu
Nước Pháp nằm trong số những điểm đến du học có chi phí phải chăng nhất Châu Âu. Chính phủ tài trợ khoảng ⅔ học phí cho sinh viên quốc tế tại các trường công lập, sinh viên quốc tế chỉ trả ⅓ còn lại.
Học phí tại các trường đại học công lập của Pháp hiện ở mức 2.770 Euro một năm đối với khóa Cử nhân, 3.770 Euro một năm đối với khóa Sau đại học. Tại các trường tư, mức học phí sẽ cao hơn, nhưng có quỹ hỗ trợ xã hội và cơ hội học bổng dành cho sinh viên nước ngoài. Những học bổng này sẽ hỗ trợ bạn một phần chi phí khi du học tại Pháp.
Không có rào cản về ngôn ngữ
Ngôn ngữ tiếng Pháp không phải là điều kiện bắt buộc để nhập học tất cả các khoá học. Bạn hoàn toàn có thể học chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tại Pháp. Sinh viên được chọn trong số hơn 1.600 chương trình học thuật được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Anh-Pháp. Như vậy, bạn có thể tận hưởng cuộc sống và học tập tại Pháp mà không gặp bất kỳ trở ngại nào về ngôn ngữ.
Quốc gia đi đầu về nghiên cứu và đổi mới
Trong hàng trăm năm, Pháp đã là điểm đến phổ biến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà toán học. Đất nước này chi 2,23% GDP mỗi năm (gần 45 tỷ Euro) cho nghiên cứu công và tư. Pháp hiện đứng thứ hai trên thế giới về Huy chương Fields và thứ tư về số lượng người đoạt giải thưởng Nobel vì những đóng góp phi thường của họ cho các lĩnh vực Toán học, Khoa học, Y học… Khoảng 67.000 sinh viên đăng ký học Tiến sĩ tại Pháp và 42% trong số đó là sinh viên quốc tế.
Ưu đãi đặc biệt dành cho sinh viên quốc tế
Pháp là quốc gia duy nhất ở Châu Âu cung cấp trợ cấp nhà ở cho sinh viên quốc tế. Sinh viên có thể được hỗ trợ 30-50% tiền thuê nhà. Bạn cũng có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội để được thanh toán các chi phí khám chữa bệnh. Hơn nữa, bạn còn được hưởng rất nhiều giảm giá cho các dịch vụ giải trí, đi lại và dùng bữa tại nhà hàng. Bạn cũng có thể ăn tại ký túc xá của trường với giá chỉ 3,3 Euro, gần bằng giá một đĩa nem chua rán!
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong nước cũng đặc biệt phải chăng, với 70% chi phí y tế được chính phủ hoàn trả nếu bạn đăng ký Carte Vitale. Theo Numbeo, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Pháp nằm trong top 10 thế giới.
Học thêm tiếng Pháp, sao lại không nhỉ?
Tiếng Pháp được mệnh danh là ngôn ngữ của tình yêu, của sự lãng mạn, của thơ ca. Sau tiếng Anh, tiếng Pháp là ngôn ngữ được học nhiều nhất trên thế giới. Và cùng với tiếng Anh, nó là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng trên cả năm châu lục. Sử dụng thành thạo tiếng Pháp sẽ là một ưu điểm và giúp bạn cải thiện khả năng được tuyển dụng.
Bài viết liên quan: Vì sao tiếng Pháp được xem là ngôn ngữ “đẹp” nhất thế giới?
Cơ hội làm việc tuyệt vời
Sinh viên có thể ở lại làm việc một năm sau khi hoàn thành bằng cấp từ một trường đại học được công nhận ở Pháp. Sinh viên cũng có thể làm việc 20 giờ mỗi tuần trong thời gian học và toàn thời gian trong các kỳ nghỉ để tích lũy thêm kinh nghiệm sống, trau dồi kỹ năng giao tiếp, nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Tận hưởng nền văn hóa phong phú, ẩm thực tinh tế
Nghệ thuật và văn hóa là một phần không thể tách rời trong cuộc sống ở Pháp. Với hơn 40.000 di tích và di sản được bảo vệ, 41 di tích văn hóa được UNESCO công nhận, 8.000 bảo tàng, 2.000 rạp chiếu phim cùng hơn 500 lễ hội đã cho thấy sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa của đất nước này. Đây cũng là quốc gia có số lượng người đoạt giải thưởng Nobel Văn học nhiều nhất thế giới.
Danh tiếng ẩm thực của Pháp đã được khẳng định vững chắc trên toàn thế giới, đến nỗi “Gastronomic eal of the French” đã được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể nhân loại của UNESCO. Hòa mình vào văn hóa ẩm thực tuyệt vời của Pháp và khám phá những món đặc sản nổi tiếng thế giới, từ những quán ăn nhỏ ấm cúng với giá cả phải chăng đến những nhà hàng đạt sao Michelin danh giá.
Khám phá ngay: Những món ăn nhất định phải thử khi đến Pháp
Khám phá Châu Âu dễ dàng
Sự kỳ diệu của việc học tập ở nước ngoài không chỉ cung cấp cho bạn tấm bằng tốt nghiệp tốt nhất có thể mà còn cho bạn cơ hội tìm hiểu sâu về các nền văn hóa mới. Bạn có thể đi dạo trên những con phố với những tòa nhà hàng trăm năm tuổi, hay dễ dàng tiếp cận với nghệ thuật cổ đại và hiện đại trong các bảo tàng và triển lãm. Pháp là quốc gia có ngành công nghiệp rượu vang nổi tiếng, hơn 500 loại phô mai và macaron gần như nằm trong tầm tay bạn!
Nằm ở giao lộ của bắc, nam và đông Âu, bạn sẽ chỉ mất vài giờ để đến những quốc gia khác với visa Schengen. Không quá khó để bạn khám phá và tận hưởng tất cả các thành phố mà bạn luôn mơ ước được đến thăm.
Đừng bỏ qua: Những sự thật thú vị về đất nước Pháp bạn chưa biết
Hệ thống giáo dục Pháp
Hệ thống giáo dục đại học Pháp cung cấp chương trình đào tạo dành cho các sinh viên quốc tế nói tiếng Pháp hoặc không. Đây là một trong những hệ thống giáo dục đa dạng và hiệu quả nhất trên toàn cầu nhờ vào sự hỗ trợ cũng như khoản đầu tư lớn của chính phủ.
Trên toàn nước Pháp hiện có hơn 3.500 cơ sở đào tạo của nhà nước và tư nhân cũng như các trung tâm nghiên cứu được quốc tế công nhận: 72 trường đại học tổng hợp, 227 trường kỹ sư, 220 trường kinh tế và quản lý, 22 trường kiến trúc, 120 trường nghệ thuật. Bên cạnh đó còn có hơn 3.000 cơ sở đào tạo, trường lớn hoặc viện đào tạo khác.
Quốc gia này mang đến khoảng 1.600 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh trên nhiều lĩnh vực như Quản trị Khách sạn, Quản trị Dịch vụ, Bếp – Bánh, Kinh doanh, Tài chính…
Pháp là quốc gia rất chú trọng đầu tư cho giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất giảng dạy, tiện nghi học tập. Điều này cho phép sinh viên được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng, sở hữu văn bằng giá trị cao với mức chi phí hợp lý nhất Châu Âu.
Bài viết liên quan: Hệ thống giáo dục đại học và bằng cấp Pháp
Du học Pháp có được làm thêm không?
Làm việc trong thời gian học tập tại Pháp
Bạn có thể làm việc khi du học Pháp để trải nghiệm và hỗ trợ phần nào chi phí sinh hoạt cá nhân. Sinh viên được làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần. Quốc gia này cũng có quy định về mức lương tối thiểu, tương đương với 11,52 Euro mỗi giờ (cập nhật vào 01/05/2023), trước thuế (trước khi khấu trừ khoảng 20% cho các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Bạn hoàn toàn có thể làm thêm vào mùa hè, vào mỗi cuối tuần, ngoài giờ học trong tuần hoặc thậm chí là cả trong năm. Tuy nhiên, bạn không nên làm việc quá nhiều song song với việc học, tránh để công việc làm thêm ảnh hưởng đến việc học. Bạn nên dành toàn bộ sức lực để đạt kết quả học tập tốt, đặc biệt là với các bạn năm nhất. Chỉ nên xem làm thêm như một cách để bạn trải nghiệm tốt hơn với cuộc sống ở nước Pháp. Bạn cũng nên tìm các công việc liên quan đến ngành học của bạn.
Ở lại làm việc tại Pháp sau khi tốt nghiệp
Điều kiện làm việc ở Pháp thuộc hàng tốt nhất trên thế giới, vì văn hóa làm việc của Pháp nổi tiếng về sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống, thời gian linh hoạt và đời sống cá nhân của nhân viên được coi trọng. Nhiều sinh viên quốc tế mong muốn ở lại tìm kiếm cơ hội sau khi tốt nghiệp là điều dễ hiểu. Sinh viên từ Liên minh Châu Âu, Khu vực Kinh tế Châu Âu hoặc Thụy Sĩ có thể ở lại Pháp sau khi tốt nghiệp để tìm việc làm và không cần phải xin thị thực hoặc giấy phép cư trú. Họ được phép ở lại bao lâu tùy thích.
Đối với sinh viên quốc tế, để có thể ở lại Pháp sau khi đã tốt nghiệp, sinh viên cần phải có một cam kết tuyển dụng hay hợp đồng lao động với mức lương gấp rưỡi lương tối thiểu (khoảng 2.282 Euro một tháng tại thời điểm năm 2019). Nếu không có cam kết tuyển dụng, sinh viên quốc tế (không thuộc khối Châu Âu) có thể xin giấy phép lưu trú tạm thời (APS). Giấy phép này cho phép bạn sau khi tốt nghiệp ở lại Pháp trong một năm và không thể gia hạn. APS yêu cầu sinh viên có bằng Cử nhân thực hành hay một loại bằng cấp trình độ Thạc sĩ hoặc có dự án khởi nghiệp.
Bài viết liên quan: Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc làm ở Pháp
Bí quyết săn học bổng du học Pháp
Các cơ quan nhà nước và các trường của Pháp cung cấp một số lượng lớn học bổng cho sinh viên quốc tế nhằm trợ giúp một phần tài chính cho việc học tập. Học bổng trị giá từ 20-100% học phí đến toàn phần. Dưới đây là một số chương trình học bổng phổ biến và cách xin học bổng du học Pháp.
Học bổng của Bộ Ngoại giao Pháp
Hàng năm có khoảng 25% số học bổng này được Bộ Ngoại giao Pháp cấp trực tiếp qua chương trình học bổng Eiffel (dành cho sinh viên học Thạc sĩ hay Tiến sĩ) hay chương trình học bổng Major (dành cho những học sinh xuất sắc nhất đã tốt nghiệp các trường trung học Pháp ở nước ngoài). Số còn lại do các Đại sứ quán Pháp ở nước ngoài phụ trách.
Sinh viên thành công đạt học bổng có thể được miễn học phí, bảo hiểm xã hội, trợ cấp tiền nhà ở (khoảng 50%), lệ phí visa, vé máy bay khứ hồi, trợ cấp một phần sinh hoạt phí.
Học bổng của Bộ giáo dục Đại học và Nghiên cứu Pháp
Gồm học bổng do các viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục đại học cấp dựa trên tiêu chí xã hội cho cả sinh viên Pháp và sinh viên nước ngoài. Để đủ điều kiện xin học bổng này, sinh viên cần phải sống ở Pháp ít nhất hai năm và gia đình đóng thuế thu nhập cá nhân tại Pháp. Bộ Giáo dục cũng hỗ trợ tài chính bậc Tiến sĩ.
Học bổng từ chính quyền khu vực
Các vùng và thành phố của Pháp cũng cấp học bổng cho sinh viên quốc tế đang theo học một chương trình đào tạo trong một trường thuộc khu vực đó. Trợ cấp dành cho nghiên cứu sinh hoặc sau Tiến sĩ ở các cơ sở nghiên cứu hay cơ sở giáo dục đại học.
Học bổng Erasmus+
Học bổng Thạc sĩ liên kết Erasmus Mundus là một chương trình dành cho các sinh viên xuất sắc trên toàn cầu, trong vòng 1 hoặc 2 năm ở bất kỳ ngành học nào. Để xin học bổng du học Pháp này, sinh viên cần phải theo học một khóa Thạc sĩ tại ít nhất 2 quốc gia thành viên của chương trình Erasmus. Học bổng sẽ chi trả tiền ăn ở và phí sinh hoạt.
Các loại học bổng khác
Ngoài các học bổng lớn của chính phủ và các cơ quan nhà nước tài trợ còn có nhiều chương trình học bổng của các tổ chức khác nhau, và cả các trường học. Điều kiện xét tuyển sẽ khác nhau tùy thuộc loại học bổng bạn muốn apply và cách trường xét duyệt. Hãy check thật kỹ trên trang web của trường bạn muốn theo học để biết thông tin chi tiết.
Kinh nghiệm chinh phục học bổng du học Pháp
- Xác định mục tiêu, chuẩn bị sớm để củng cố hồ sơ cá nhân, ví dụ tìm (hoặc tận dụng) cơ hội thực tập để có kinh nghiệm thực tế liên quan đến ngành bạn sẽ theo học ở Pháp, thể hiện định hướng theo đuổi chuyên ngành với trường và hội đồng tuyển sinh
- Chứng minh tiêu chí “xuất sắc” trong quá trình học tập và kinh nghiệm làm việc trong bộ hồ sơ ứng tuyển học bổng: điểm trung bình học tập, bản đánh giá hay xác nhận xếp hạng học tập
- Chuẩn bị bộ hồ sơ ứng tuyển: bảng điểm, motivation letter, thư trình bày kế hoạch học tập/nghiên cứu, thư giới thiệu, chứng chỉ ngoại ngữ…
- Check kỹ thời hạn nộp hồ sơ học bổng
Các bước chuẩn bị hành lý du học Pháp
Chuẩn bị hành lý du học Pháp là bước sau cùng và không thể thiếu để bạn bắt đầu chuyến du học của mình. Trong hành lý nên mang theo gì? Hãy tham khảo thông tin bên dưới nhé.
Điều bạn cần làm sớm nhất có thể trước khi khởi hành đến Pháp
Hãy bắt đầu tìm nơi ở sớm nhất có thể trước khi đến Pháp. Bạn có thể liên hệ với INEC để được hỗ trợ tìm nhà ở an toàn, phù hợp budget.
Chuẩn bị hành trang
Hãy tìm hiểu thật kỹ về thời tiết, khí hậu của nước Pháp để chuẩn bị quần áo phù hợp. Bạn không thể mang theo tất cả những gì mà bạn muốn, vì vé máy bay thường giới hạn trọng lượng hành lý ký gửi. Chỉ nên mang những thứ cần thiết, và note lại những thứ có thể mua bổ sung khi bạn đến Pháp.
Về quần áo và tư trang cá nhân: Chuẩn bị vừa đủ, nên mang theo những trang phục có màu sắc trung tính để dễ bảo quản đồng thời có thể phối thành nhiều kiểu. Hãy chuẩn bị cả quần áo ấm và quần áo mỏng để dự phòng cho mọi mùa.
Đây là một số điều bạn cần lưu ý:
- Mùa đông ở Pháp rất lạnh, có cả tuyết đi kèm với mưa, nhiệt độ có thể xuống đến âm độ, do đó bạn nên trang bị thêm áo ấm dày, có thể chống thấm; hoặc bạn có thể mang theo vừa đủ và mua thêm tại Pháp
- Mang theo một bộ đồ vest cho những dịp cần sự trang trọng
- Mang theo một bộ áo dài (hoặc trang phục truyền thống) để mặc vào các dịp lễ tết, sự kiện sinh viên
- Nên chuẩn bị một bộ bồ bỏ vào hành lý xách tay, đề phòng trường hợp hành lý của bạn thất lạc và bạn vẫn có quần áo sạch sẽ để thay trong ngày đầu tới Pháp
- Mang theo bộ chuyển đổi ổ cắm điện loại tốt
- Sau khi quen dần với nơi ở mới, bạn có thể tự mua sắm thêm quần áo và những vật dụng cần thiết khác.
Về giấy tờ: Các giấy tờ tùy thân và liên quan đến hành trình bay cũng như việc nhập học của bạn, hãy để chúng trong hành lý xách tay và mang theo bên mình khi lên máy bay. Không để trong hành lý ký gửi nhằm tránh thất lạc và làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển, quá cảnh hay nhập cảnh của bạn.
Những thứ cần chuẩn bị gồm hộ chiếu, một số ảnh thẻ, giấy báo nhập học của trường, các giấy tờ liên quan đến học tập, bằng cấp/chứng chỉ liên quan, vé máy bay hoặc vé tàu, chứng nhận đã đặt chỗ ở tại Pháp và các giấy tờ để được phép chuyển vào nơi ở, danh sách địa chỉ và thông tin liên hệ của bạn tại Pháp… Bạn nên scan hoặc chụp lại giấy tờ của mình, lưu trữ chúng trong điện thoại và trên đám mây (iCloud, Google Drive, Dropbox…) để truy cập bất cứ lúc nào.
Về thuốc men: Khi mới sang Pháp, bạn có thể chưa thích nghi được ngay với thời tiết bên đó, và có thể bạn sẽ bị ốm, cảm cúm. Hãy chuẩn bị một ít thuốc hạ sốt mang theo. Ngoài ra có thể mang theo thuốc chống dị ứng, berberin, men tiêu hóa, thuốc giảm đau cho các bệnh thường gặp (như đau răng, đau bụng)… Một số loại thuốc đặc trị nên do bác sĩ kê đơn, để trong bao bì rõ ràng.
Những việc cần làm khi đặt chân đến Pháp
Bạn cần hoàn thành các thủ tục sau đây để chính thức bắt đầu cuộc sống mới ở Pháp.
Mở tài khoản ngân hàng
Một trong những điều đầu tiên bạn cần làm khi đến Pháp là mở một tài khoản ngân hàng. Bạn cần phải qua bước này rồi mới có thể làm các thủ tục tiếp theo như đăng ký thuê bao điện thoại, đăng ký internet hay xin hỗ trợ nhà ở…
Sở hữu tài khoản ngân hàng ở Pháp mang đến sự thuận tiện khi thanh toán các loại hóa đơn (cước điện thoại, tiền điện, tiền thuê nhà…), các dịch vụ (phương tiện đi lại, internet), nhận tiền từ gia đình chuyển sang, nhận học bổng, tiền hỗ trợ thuê nhà, tiền lương, thanh toán các khoản chi tiêu…
Pháp có hai loại ngân hàng phổ biến: truyền thống (LCL, BNP Paribas, Société Générale…) và số (Nickel, Fortuneo, Hello Bank, Orange Bank…). Để mở tài khoản cần có: Hộ chiếu, visa; giấy đăng ký ghi danh do trường cấp; chứng minh nơi ở. Nếu bạn muốn mở tài khoản ở các ngân hàng truyền thống cần đặt hẹn trước và trình các giấy tờ bản gốc cần thiết theo yêu cầu.
Việc rút tiền từ cây ATM, chuyển khoản giữa các ngân hàng là miễn phí đối với hầu hết nhà băng. Phí duy trì thẻ hàng tháng thường khá cao với người đi làm nhưng thường có mức phí ưu đãi hoặc miễn phí với sinh viên.
Để mở tài khoản cần có: Hộ chiếu, visa; giấy đăng ký ghi danh do trường cấp; chứng minh nơi ở. Hàng năm, các chi hội sinh viên thường hợp tác với nhiều ngân hàng để giúp du học sinh mở thẻ với thủ tục đơn giản, miễn phí hoặc có thêm ưu đãi.
Đăng ký thuê bao di động
Bạn cần làm sim điện thoại khi đến Pháp, vì số điện thoại của bạn liên quan đến hầu hết thủ tục hành chính khác. Du học sinh cần phải cung cấp số điện thoại ở Pháp để được liên hệ hay nhận thông báo, hỗ trợ khi cần cũng như để liên lạc với bạn bè hoặc cơ quan chức năng trong các trường hợp khẩn cấp.
Hiện nay Pháp có bốn nhà mạng lớn cung cấp dịch vụ viễn thông gồm Bouygues Telecom, Orange, SFR, Free Mobile. Những năm gần đây còn có thêm sự xuất hiện của các nhà mạng khác như Red by SFR, NRJ mobile, Sosh đều mang lại những gói dịch vụ ổn áp cho người dùng. Các nhà mạng cũng thường cung cấp gói tin nhắn, cuộc gọi miễn phí. Sinh viên có thể đăng ký sim trên website của nhà mạng hoặc đến trực tiếp tại các điểm giao dịch. Nếu có người quen ở Pháp, bạn cũng có thể nhờ họ đặt hàng hoặc mua trước giúp bạn.
Hoàn thành thủ tục nhập học
Để chính thức trở thành sinh viên của trường, bạn cần hoàn thành các thủ tục nhập học cần thiết với trường (có thể bao gồm nộp các giấy tờ theo yêu cầu và đóng một số loại phí như phí truy cập cơ sở dữ liệu của trường, phí tham gia hoạt động…).
Thông thường các trường có tổ chức các tuần lễ hay ngày định hướng. Đừng ngại tham gia vì đây là một cách hay để bạn gặp gỡ và làm quen bạn bè, làm quen với trường.
Đăng ký thẻ cư trú
Khi đến Pháp, sinh viên cần phải xác nhận visa sinh viên dài hạn có giá trị như thẻ cư trú (VLS-TS). Thủ tục được thực hiện trực tuyến từ ngày 18/2/2019. Các bạn có ba tháng để hoàn thành các thủ tục cần thiết. Sau thời gian này, nếu bạn vẫn chưa xác nhận visa VLS-TS thì phải xin một visa mới để quay trở lại Pháp.
Việc xác nhận visa là bắt buộc để bạn:
- Cư trú ở Pháp một cách hợp pháp trong suốt thời gian visa có hiệu lực
- Tự do đi lại ngoài lãnh thổ Pháp và rời khu vực Schengen mà không cần xác nhận trước.
Muốn làm thủ tục lưu trú, sinh viên cần visa, email đang hoạt động, địa chỉ chỗ ở của bạn tại Pháp, thông báo ngày bạn tới Pháp, thẻ ngân hàng để thành toán tiền thuế cấp thẻ lưu trú. Nếu không có thẻ ngân hàng, bạn có thể mua tem điện tử tại quầy Tabac bằng tiền mặt.
Thẻ cư trú cần được gia hạn ba tháng trước khi giấy phép lưu trú của bạn hết hạn. Nếu quá thời hạn này, bạn có thể phải nộp phạt tới 180 Euro.