Một trong những lý do đôi khi người ta trì hoãn mơ ước du học của mình là suy nghĩ “tiền không đủ”. Tuy nhiên, nhiều khi điều đó có thể được giải quyết đơn giản bằng cách kiểm soát chi phí. Bạn Camilo (sinh viên Bolivia đang học tập tại Đại học Gothenburg) chia sẻ với chúng ta một số mẹo lập ngân sách du học Thụy Điển ở mức tối thiểu nhưng vẫn giúp bạn trải nghiệm cuộc sống du học thú vị. Bạn sẽ thoải mái học tập và “vi vu” ở đất nước xinh đẹp này mà không phải lo lắng về túi tiền của mình.
Chi phí sinh hoạt bao nhiêu khi du học Thụy Điển?
Rất khó để trả lời câu hỏi này một cách chính xác vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thành phố bạn sống, bạn độc thân hay có gia đình, bạn ăn chay hay theo chế độ đặc biệt…
Tôi lập một bảng kê chi tiêu hàng tháng theo 3 quan điểm: 1 người thực sự tiết kiệm, 1 người không phải lo lắng về tiền và tôi. Cả ba chúng tôi đều là sinh viên sống một mình.
Khoản chi | Chi tiết kiệm | Camilo |
Chi hào phóng |
Nhà ở | 3.500 | 3.500 | 5.500 |
Thực phẩm, tạp hóa | 1.000 | 1.800 | 2.000 |
Sách | 0 | 100 | 400 |
Di chuyển | 0 | 600 | 600 |
Cước điện thoại | 100 | 100 | 250 |
Gym | 0 | 200 | 250 |
Giải trí | 500 | 700 | 1.000 |
Tổng cộng (SEK) | 5.100 | 7.000 | 10.000 |
* Bảng kê này nói về chi tiêu hàng tháng sau khi định cư ở Thụy Điển. Nếu bạn là người mới, bạn sẽ chi tiêu thêm một số khoản để ổn định cuộc sống.
Phong cách sống khác biệt của mỗi sinh viên sẽ cho ra những ngân sách khác biệt. Bảng kê chỉ thể hiện con số trung bình. Có một số tháng tôi chi tiêu ít hơn và những tháng tôi cạn kiệt ngân sách của mình. Bằng cách đó, tôi học cách quản lý cân bằng giữa việc tiết kiệm tiền
Nếu bạn kiểm tra biểu đồ, sẽ có hàng nghìn sự khác biệt giữa mỗi ngân sách. Các khoản chi tiêu của tôi nằm giữa người bạn tiết kiệm và người tiêu xài hoang phí. Tất nhiên, có một số tháng tôi chi tiêu ít hơn và một số tháng tôi đã cạn kiệt ngân sách của mình. Bằng cách đó, tôi học cách quản lý cân bằng giữa việc tiết kiệm tiền và tận hưởng cuộc sống du học Thụy Điển.
Để tôi chia sẻ với bạn mẹo lập ngân sách cho từng khoản chi nhé!
>> Xem thêm: Chi phí du học Thụy Điển
Nhà ở
Chi phí nhà ở tại các thành phố lớn của Thụy Điển có thể rất cao, điều này cũng thay đổi nếu bạn chọn ở riêng trong một căn hộ hoặc chia sẻ căn hộ đó với 2 người trở lên. Trong bảng kê trên, bạn có thể thấy tiền thuê nhà của tôi và người bạn tiết kiệm là 3.500 SEK. Chúng tôi chọn ở trong căn hộ chia sẻ, mỗi người đều có một phòng với phòng tắm riêng, dùng chung bếp với nhiều người. Căn hộ không nằm ở khu vực trung tâm nhưng có thể dễ dàng tiếp cận nơi đó. Còn người bạn hào phóng chọn thuê căn hộ studio, hơi xa trung tâm với giá 5.500 SEK/tháng.
Để thực sự tiết kiệm tiền nhà khi còn là sinh viên ở Thụy Điển, lựa chọn tốt nhất là thuê một phòng trong nhà ở của trường đại học. Giá thuê chỗ ở dạng này dao động trong khoảng 3.000 – 7.000 SEK cho một sinh viên.
Tạp hóa – thực phẩm
Chi phí cho hàng tạp hóa và thực phẩm có nhiều biến thể nhất. Vì về cơ bản nó phụ thuộc vào chế độ ăn uống và bạn tự nấu hay ăn ngoài.
Người bạn tiết kiệm của tôi chỉ dành 1.000 SEK mỗi tháng cho ăn uống và tạp hóa. Anh ấy luôn tự nấu ăn và không phải ngày nào cũng ăn thịt. Còn tôi chi 1.800 SEK vì chỉ thích nấu ăn từ thứ hai đến thứ năm. Vào thứ sáu và cuối tuần, tôi muốn đến các nhà hàng khác nhau.
Người bạn hào phóng hiếm khi nấu ăn và hầu hết thời gian anh ấy mua thức ăn làm sẵn hoặc bánh pizza (rất nhiều pizza!!!). Anh ấy chi 2.000 SEK cho ăn uống.
Lời khuyên của tôi là hãy nấu chín và đông lạnh thực phẩm vì điều đó giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều. Việc chuẩn bị đồ ăn với bạn bè cũng giúp giảm chi tiêu và tạo không khí để bạn ăn ngon miệng hơn nhiều. Ngoài ra còn có thể chia sẻ kinh nghiệm với mọi người.
Đừng quên rằng tiết kiệm không đồng nghĩa với sự cô lập! Ở Thụy Điển, việc bạn đem theo hộp thức ăn hoặc phích đựng cà phê là hoàn toàn bình thường. Bạn không thực sự cần phải chi tiêu theo những gì bạn bè mình chi tiêu mà vẫn thấy vui vẻ. Ngoài ra, bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết người dân ở Thụy Điển đều tự nấu ăn. Ăn trưa hoặc ăn tối bên ngoài hầu hết dành cho những dịp trọng đại.
>> Xem thêm: Mẹo tiết kiệm chi phí khi du học Thụy Điển
Sách
Vì hầu hết các tài liệu mà trường đại học yêu cầu có thể được tìm thấy trên dữ liệu trực tuyến hoặc trong thư viện trường nên sách không phải là khoản chi quan trọng khi lập ngân sách. Nhưng nếu bạn thích sách thông thường thay vì sách điện tử hoặc pdf, bạn phải lưu ý rằng chúng không rẻ lắm.
Lời khuyên của tôi là nếu bạn muốn mua sách phục vụ học tập, hãy cố gắng tìm các đề nghị hoặc sách cũ từ những sinh viên đi trước. Mặt khác, nếu bạn là người yêu thích đọc tiểu thuyết, thơ… thì tôi muốn giới thiệu e-reader. Bằng cách này, bạn sẽ không “tay xách nách mang” thêm nhiều hành lý khi đến lúc rời Thụy Điển.
Di chuyển
Xem bảng kê ngân sách so sánh ở trên, bạn sẽ thấy người bạn tiết kiệm của tôi hoàn toàn không chi tiêu cho phương tiện đi lại. Điều này có thể thực hiện được nếu bạn sống ở một thành phố nhỏ của Thụy Điển hoặc nếu bạn đi xe đạp hoặc sống gần trường và đi bộ nhiều. Có một số sinh viên thích thuê nhà gần trường để tiết kiện tiền đi lại. Còn tôi chọn trả tiền di chuyển hàng tháng (giá sinh viên) vì rất khó đi xe đạp trong mùa thu và mùa đông. Và tôi cũng thực sự thích sử dụng phương tiện giao thông ở Thụy Điển.
Lời khuyên của tôi là hãy thử (vé) tháng đầu tiên và kiểm tra xem bạn có thực sự cần trả tiền hàng tháng hay không. Đừng mắc sai lầm khi mua vé nửa năm hoặc một quý ngay từ đầu. Ngoài ra, tháng đầu tiên thường là khi sinh viên mới đến Thụy Điển, cần khám phá nơi ở mới nhiều. Chọn vé tháng để dùng giao thông công cộng sẽ là một “deal” rất tốt.
Cước điện thoại di động và phòng tập thể dục
Cước điện thoại không phải là một khoản chi tiêu lớn khi du học Thụy Điển. Sinh viên có nhiều tùy chọn và cũng không đắt. Khi bạn đến Thụy Điển, trường đại học của bạn sẽ cung cấp một thẻ SIM. Bạn không bắt buộc phải dùng nó. Tôi khuyên bạn nên kiên nhẫn tìm kiếm các ưu đãi khác.
Bên cạnh đó khắp Thụy Điển, Internet thật tuyệt vời. Bạn có thể truy cập miễn phí tại quảng trường, quán cà phê, thư viện và tất nhiên là trường đại học.
Tập gym ở Thụy Điển không đắt như tôi nghĩ. Hàng tháng có ưu đãi cho sinh viên với mức phí từ 200 SEK. Tuy nhiên bạn không nhất thiết phải đến các phòng tập tính phí. Vì về cơ bản, đất nước xinh đẹp này có rất nhiều không gian để bạn rèn luyện sức khỏe và giữ dáng. Bạn có thể chạy quanh rừng hoặc hồ, đi bộ đường dài hay đi dạo quanh thành phố. Một số nhà ở sinh viên còn bao gồm phòng tập thể dục và phòng tắm hơi.
Giải trí
Bạn không phải là người duy nhất cố gắng tiết kiệm tiền. Tôi nghĩ rằng gợi ý cho bạn bè của bạn những hoạt động mà mọi người có thể chia nhỏ chi phí là một ý kiến hay. Ngoài ra bạn có thể có những “deal” rất tốt ở Thụy Điển được gọi là “afterwork” – có những nơi mua một cốc bia cho phép bạn ăn tự chọn hoặc pizza.
Tất nhiên, đi đến những nơi này liên tục có thể gây nhàm chán sau một thời gian. Vì vậy hãy cố gắng lên kế hoạch đi picnic hoặc ăn tối với bạn bè. Trong bảng kê trên, có sự khác biệt lớn giữa ba người, nhưng không phải do đi ra ngoài ít hay nhiều, mà phụ thuộc vào những gì bạn làm khi ra ngoài.
Tôi cho rằng đôi khi dành cho bản thân những bữa tiệc hay bữa tối vui vẻ cũng là điều tuyệt vời. Ít nhất vài tuần, bạn có thể chọn giải trí theo những cách khác nhau. Quá tiết kiệm hay quá hào phóng đều không ổn. Tôi có những người bạn lo lắng về chi tiêu quá nhiều đến nỗi họ không đi chơi, giải trí gì cả. Trong khi đó lại có những người bạn khác chi tiêu quá nhiều và hay “cháy túi”. Tôi nghĩ tốt hơn là nên tìm sự cân bằng và ở Thụy Điển, cân bằng là điều không quá khó. Vấn đề chỉ là cách lập kế hoạch ngân sách của bạn và tuân thủ theo đó mà thôi.
Bổ sung và một số lời khuyên cuối cùng
Một số khoản chi bổ sung không được đề cập trong bảng kê trên là số tiền bạn sẽ chi tiêu lúc mới đến Thụy Điển. Tháng đầu tiên ở Thụy Điển thường là tháng đắt nhất. Đừng lo lắng và hãy chuẩn bị tinh thần. Sau khi ổn định bản thân, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy số dư.
Cố gắng đừng mua các sản phẩm vệ sinh (dầu gội, kem đánh răng, sữa tắm, bột giặt…) hàng tháng. Nếu bạn mua chúng với lượng đủ dùng cho khoảng vài tháng, bạn sẽ không phải “lăn tăn” về khoản chi này mỗi tháng.
Cũng cố gắng mua quần áo ở quê nhà. Thụy Điển có những đợt sale nhưng thực sự không hề rẻ. Một lựa chọn khác là mua ở các cửa hàng đồ cũ, có thể rất rẻ và bạn có thể tìm thấy đồ phù hợp trong điều kiện rất tốt.
Cuối cùng, hãy tham khảo những chào hàng trong các nhóm hoặc chợ trên Facebook vì nhiều người liên tục chuyển ra ngoài và họ bán nhiều thứ với giá tốt.
(Theo studyinsweden.se)
Nếu bạn còn băn khoăn về chi phí du học Thụy Điển cùng những thông tin khác về trường, ngành đào tạo, học bổng, cơ hội việc làm… hãy liên hệ ngay INEC nhé. Với gần 15 kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học, INEC là đại diện tuyển sinh uy tín của Đại học Jonkoping – một trong những trường hàng đầu Thụy Điển về môi trường học tập và chất lượng đào tạo quốc tế. Đại học Jonkoping vẫn đang tiếp nhận hồ sơ cho kỳ nhập học tháng 8/2021. Nhanh chóng liên hệ INEC để được hỗ trợ tốt nhất cho hồ sơ du học Thụy Điển của bạn nhé.
Công ty Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline miền Bắc và miền Nam: 093 938 1081
- Hotline miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 9983
- Email: inec@inec.vn
- Chat ngay với tư vấn viên tại: /duhocthuydien