Những đôi giày gỗ màu sắc nhã nhặn hay sặc sỡ thường xuất hiện trong các bức ảnh lưu niệm của du khách đến Hà Lan hay là món quà tặng mà họ đem về từ đất nước này. Giày gỗ có lịch sử hơn 700 năm và là một phần trong trang phục truyền thống của Hà Lan. Những câu chuyện thú vị cũng đi cùng giày gỗ Hà Lan trong hàng thế kỷ qua.
Tại sao lại đi trên giày gỗ nhỉ?
Bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao lại có người muốn đi bộ trong một đôi giày gỗ, vừa nặng, vừa có thể bị xước chân không?
Hà Lan có mùa đông giá rét, độ ẩm cao, nhiều vùng đất ngập nước nên người nông dân phải tìm ra cách để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt này. Giày gỗ ra đời trong bối cảnh đó, với mục đích giữ ấm và bảo vệ đôi chân khi họ lao động.
Ngày nay, giày gỗ phần lớn được bán ở Hà Lan làm quà lưu niệm cho du khách. Chỉ còn một số nông dân nước này sử dụng giày gỗ trong lao động.
“Clogs” hay giày gỗ được làm một phần hoặc hoàn toàn từ gỗ. Lòng giày được lót rơm để êm chân và giữ ấm. Giày gỗ được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới với hình thức có thể thay đổi theo văn hóa. Tại Hà Lan, hình dáng chiếc giày gỗ không có nhiều thay đổi qua nhiều thế kỷ.
Ngược dòng lịch sử
Người Hà Lan đi giày gỗ hoặc “klompen” (tiếng Hà Lan) từ thời trung cổ. Ban đầu, chúng được làm với đế gỗ và mặt trên bằng da hoặc dây đeo được gắn vào gỗ. Sau đó, đôi giày bắt đầu được làm hoàn toàn từ gỗ để bảo vệ toàn bộ bàn chân. Lúc đầu, người ta sử dụng gỗ trăn, liễu và gỗ dương để làm giày. Hội các nhà sản xuất giày gỗ đầu tiên có từ khoảng năm 1570 ở Hà Lan. Những người mang giày gỗ khẳng định rằng đôi giày ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè và hỗ trợ tốt cho nhiều hoạt động di chuyển, làm việc. Gỗ cũng hấp thụ mồ hôi để bàn chân dễ “thở”.
Giày dép cho người lao động nặng
Ở Hà Lan, giày gỗ thường được sử dụng bởi nông dân, ngư dân, công nhân nhà máy, nghệ nhân và những nhóm người khác để bảo vệ đôi chân của họ. Đinh, lưỡi câu và dụng cụ sắc bén có thể xuyên qua một chiếc ủng thông thường sẽ không “đi qua” một chiếc giày gỗ được. Giày gỗ cũng giữ cho đôi chân khô ráo khi họ làm việc trên thuyền, bến cảng hay những cánh đồng lầy lội.
Đối với mỗi nghề, giày gỗ được định hình khác nhau. Giày của ngư dân có một mũi nhọn trên mũi để giúp họ gỡ bỏ lưới đánh cá. Nếu công việc của bạn là đào than bùn thì mang đôi giày gỗ có đáy hình vuông lớn. Bằng cách này, trọng lượng của bạn được phân chia tốt hơn, giúp không bị lún sâu trên nền đất sũng nước. Đế giày vuông cũng là hình dáng hoàn hảo để đào các khối than bùn. Giày gỗ còn giúp những người vắt sữa không bị bò giẫm vào chân lúc làm việc.
>> Xem thêm: Hà Lan: Từ giày gỗ trên vùng đất thấp đến “gã khổng lồ” công nghệ và kinh tế
Thiết kế
Những đôi giày gỗ dùng khi làm việc thường không có màu sắc gì đặc biệt. Chúng được để màu gỗ trơn, không sơn phết hay tô điểm họa tiết nào. Giày gỗ để mang trong đám cưới hay lúc đi nhà thờ được sơn màu hoặc chạm khắc. Một cách trang trí giày gỗ thông thường có màu vàng chủ đạo với một phần màu đỏ và đen trên mũi.
Giày gỗ thường được xem là giày của người nghèo. Để chúng trông giống những đôi giày da lạ mắt với dây buộc, người ta thiết kế trên giày có lỗ và dây. Mỗi nhà sản xuất giày gỗ có thiết kế riêng, được xem như “chữ ký” của họ.
Giày gỗ là một biểu tượng của văn hóa Hà Lan, xuất hiện trong phong tục của nước này khi những chàng trai trẻ Hà Lan giới thiệu vị hôn thê của họ với một đôi giày gỗ chạm khắc. Trong một số đám cưới, khách tham dự còn được tặng những đôi giày gỗ làm quà.
Giày gỗ còn hiện diện trong các điệu nhảy truyền thống ở lễ hội Hà Lan xưa và nay. Giày nhảy được làm từ gỗ tần bì nhẹ hơn giày bình thường với màu sắc rực rỡ. Các vũ cong sẽ gõ mũi và đế giày xuống sàn theo nhịp điệu để tạo ra âm thanh và các điệu nhảy vui nhộn.
Làm giày gỗ
Mỗi thị trấn hoặc vùng ngoại ô Hà Lan từng có những nhà sản xuất giày gỗ của riêng mình. Mất khoảng 3 – 4 giờ để làm một đôi giày gỗ bằng tay. Đầu tiên, người thợ thủ công dùng cưa cắt gỗ thành các khối theo kích thước cần dùng. Khối gỗ được tạo hình thô bằng một chiếc rìu nhỏ đặc biệt. Dùng một con dao sắc, người thợ sẽ gọt láng lớp ngoài của giày trước khi khoét gỗ ở bên trong. Thợ thủ công làm việc với gỗ ướt để dễ dàng tạo ra nhiều đường cong vì gỗ khô dễ vỡ. Cần khoảng 3 tuần để hong khô giày gỗ với sự “giúp sức” của gió.
Ngày nay chỉ còn 12 nhà sản xuất giày gỗ trên toàn Hà Lan. Họ sử dụng máy móc để tăng tốc quy trình làm việc. Giày gỗ vẫn được một số người sử dụng khi làm việc trong vườn hoặc các trang trại.
>> Xem thêm: Du học Hà Lan: Không bây giờ thì bao giờ!
Ghé thăm một nhà sản xuất giày gỗ truyền thống tại Hà Lan
Tham quan nơi sản xuất giày gỗ là lựa chọn của nhiều khách du lịch khi đến Hà Lan. Bạn có thể đến thăm nhà sản xuất giày gỗ bậc thầy Frans van Kuijk – người rất thích thể hiện cho mọi người thấy niềm đam mê làm giày gỗ của ông. Đây là truyền thống đã có trong gia đình Frans 300 năm. Nghệ nhân có thể biểu diễn cho du khách tay nghề điêu luyện của mình bằng tay và bằng máy. Vì Frans chi nói tiếng Hà Lan nên khi đặt tour, bạn nhớ chọn người hướng dẫn có thể phiên dịch ngôn ngữ này nhé.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem buổi trình diễn làm giày gỗ trong các cửa hàng khi tham quan những bảo tàng về đời sống người Hà Lan. Buổi diễn thường miễn phí cho du khách. Và đừng quên chụp hình với những đôi giày gỗ đủ kích cỡ tại các quầy lưu niệm, sân vườn, công viên hay vườn hoa ở Hà Lan nhé.
Giày gỗ thể hiện tính sáng tạo của người Hà Lan, một đặc tính khai sinh ra nhiều kỳ tích trên đất nước này. Học tập tại Hà Lan là cơ hội để bạn trải nghiệm văn hóa đặc sắc, học hỏi và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của bản thân cũng như tìm kiếm những bệ phóng cho sự nghiệp của mình.
Các trường đại học Hà Lan đang tuyển sinh cho kỳ tháng 1/2021. Liên hệ với INEC ngay hôm nay để được tư vấn chi tiết về ngành, trường và được hỗ trợ tốt nhất cho hồ sơ du học Hà Lan của bạn nhé.
Công ty Tư vấn Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline miền Bắc và miền Nam: 093 938 1081
- Hotline miền Trung: 093 409 9070
- Email: inec@inec.vn
- Facebook: /hoiduhocsinhhalan