Không chỉ Úc mà các nước trên thế giới đang “khát” các lập trình viên phần mềm và ứng dụng có tay nghề. Triển vọng việc làm của ngành này đang rất rộng mở đi kèm mức thu nhập hấp dẫn.
Phần mềm và ứng dụng là một khái niệm vô cùng thân thuộc với cuộc sống của mọi người. Bạn thức dậy khi tiếng chuông của phần mềm báo thức cài đặt trong điện thoại vang lên. Bạn gọi xe đi làm, đi học nhờ ứng dụng Grab hay GoViet. Bạn nhắn tin cho bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng qua Telegram, Skype, Zalo, Facebook, Viber. Bạn đặt món ăn qua Now – Food Deleivery, Baemin. Bạn lướt web, chơi các trò chơi trên máy tính, điện thoại, máy tính bảng. Các nhà máy, công xưởng dùng phần mềm để điều khiển quy trình sản xuất của mình. Các doanh nghiệp sử dụng phần mềm cho hoạt động quảng cáo, chăm sóc khách hàng, quản lý dữ liệu…
Phần mềm có mặt ở tất cả mọi nơi, trong tất cả các ngành sản xuất và dịch vụ, ở tất cả các bộ phận của nền công nghiệp. Thế nhưng, không phải ai cũng có khả năng tự mình lập trình một phần mềm phù hợp. Đây là một bộ môn đòi hỏi người học phải có niềm đam mê với những con số, thuật toán, cùng với tinh thần bền bỉ, kiên trì và khả năng sáng tạo. Phần mềm và ứng dụng góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của khoa học – kỹ thuật cũng như giúp cuộc sống con người trở lên thuận tiện hơn.
Lập trình phần mềm và ứng dụng thời Covid-19: Ngành “bất biến” giữa mùa dịch “vạn biến”
Nhiều ngành nghề đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chẳng hạn như giáo viên, tài xế, tiếp viên hàng không, nha sĩ… nhưng lập trình phần mềm và ứng dụng không nằm trong số đó.
Theo nghiên cứu của World Economic Forum và Visual Capitalist, trong số gần 1.000 ngành phổ biến, lập trình phần mềm thuộc nhóm ít bị ảnh hưởng nhất giữa đại dịch, với tỉ lệ chỉ vào khoảng 14 – 15%, trong khi mức trung bình là 30,2%. Quy định giãn cách xã hội cũng không ảnh hưởng nhiều đến ngành lập trình vì các lập trình viên hoàn toàn có thể làm việc tại nhà.
Trong khi nhiều ngành nghề lao đao ứng phó với đại dịch, các lập trình viên vẫn có thể đóng góp năng lực của mình vào công cuộc chống dịch chung trên toàn thế giới bằng việc phát triển các phần mềm theo dõi, kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra triệu chứng, hạn chế tin giả. Việt Nam có ứng dụng NCOVI, ở Úc có ứng dụng COVIDSafe, ở Anh có NHS COVID-19 là những ví dụ rõ nhất cho vai trò của các lập trình viên nói riêng, ngành lập trình phần mềm và ứng dụng nói chung giữa đại dịch. Mặt khác, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của các phần mềm chuyên dụng đối với việc kinh doanh của mình, chẳng hạn như nhu cầu về một phần mềm giúp khách hàng liên lạc với công ty dễ dàng hơn và tương thích với các thiết bị đa dạng, hay phần mềm họp trực tuyến có độ bảo mật cao… Những điều này cũng góp phần thể hiện lập trình phần mềm là một ngành có vai trò quan trọng và khá ổn định trước những biến động của tình hình thế giới.
Lập trình phần mềm và ứng dụng – Ngành “hút” nhân lực trên toàn cầu
Trong thời đại 4.0 hiện nay, phần mềm và ứng dụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, vì thế, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực lập trình luôn có xu hướng tăng lên, không chỉ ở Việt Nam mà còn các nước trên thế giới.
Theo TopDev, nhân sự ngành công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ tăng từ 400.000 năm 2020 lên 500.000 người vào năm 2021, trong đó các lập trình viên phần mềm và ứng dụng là một trong những lực lượng nòng cốt. Với nhiều ưu thế, Việt Nam đã, đang trở thành điểm đến ưa thích của các công ty nước ngoài có nhu cầu làm dịch vụ phát triển phần mềm, điển hình như Apple, Samsung, HCL Technologies Limited… Đặc biệt, với xu hướng chuyển dịch sản xuất sang thị trường Đông Nam Á của các “ông lớn” công nghệ thì cơ hội việc làm cho các lập trình viên đang rất rộng mở. Sinh viên theo học ngành lập trình phần mềm hoàn toàn có thể yên tâm với triển vọng nghề nghiệp của mình trong 5 – 10 năm tới.
Cũng theo TopDev, mức thu nhập trung bình của một lập trình viên tại Việt Nam dao động từ 500 – 1.000 USD/tháng, cấp quản lý hay kỹ thuật viên chuyên sâu có mức lương từ 2.000 USD/tháng. Tỉ lệ tăng lương của lập trình viên tại Việt Nam sau 1 năm làm việc đạt mức 12 – 18%.
Ở nước có ngành công nghệ phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, lập trình viên phần mềm và ứng dụng là lực lượng nhân sự quan trọng, có nhu cầu tuyển dụng cao với mức lương hấp dẫn. Năm 2018, nước Mỹ có gần 1,4 triệu lập trình viên và phát triển phần mềm. Dự báo trong 10 năm tới, lực lượng này sẽ tăng thêm 21% – nhanh hơn những ngành nghề khác. Các lập trình viên có kinh nghiệm đang được trả mức lương 105.690 USD/năm (theo U.S. Bureau Of Labor Statistics 2019).
Tại Úc, lập trình phần mềm và ứng dụng đang nằm trong danh sách định cư tay nghề (Skilled Occupation List) 2019 – 2020 với chỉ tiêu 8.748 lao động. Úc cũng là quốc gia đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về mức đãi ngộ dành cho lập trình viên. Theo trang web Job Outlook của Chính phủ Úc, trong vòng 5 năm tới sẽ có đến 80.000 cơ hội việc làm cho lĩnh vực này (trung bình 16.000 việc làm/năm). Đặc biệt là với môi trường làm việc hiện đại, mức lương cao, ngành lập trình phần mềm – ứng dụng ở Úc hiện đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Theo khảo sát và thống kê của aeccglobal.com.au, một lập trình viên phần mềm ở Úc đang được trả mức lương bình quân là 93.652 AUD/năm.
Du học Úc ngành lập trình phần mềm và ứng dụng để mở rộng cơ hội nghề nghiệp
Úc có thể không phải là quê hương của những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Facebook, Netflix hay Google nhưng đây là nơi có những công ty công nghệ lớn với giá trị hàng tỉ đô la. Có thể kể đến như Atlassian – một công ty phần mềm xây dựng các nền tảng và công cụ cho các doanh nghiệp được định giá 18 tỉ USD, Xero – là công ty đa quốc gia cung cấp phần mềm kế toán cho các doanh nghiệp với giá trị vốn hóa 5,5 tỉ USD, bên cạnh đó còn có Computerhare Ltd, REA Group… Điều này phần nào giúp Úc đứng vững trong top quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin nói chung, lĩnh vực lập trình phần mềm và ứng dụng nói riêng.
Công nghệ thông tin là ngành học được sinh viên Việt Nam lựa chọn nhiều thứ 2 khi du học Úc, chỉ sau kinh doanh và quản trị (theo thống kê đến tháng 3/2020 của Bộ Giáo dục Úc). Còn theo xếp hạng của QS 2020, Úc có 15 trong số 300 trường đại học đào tạo ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin tốt nhất thế giới. Do đó, khi du học Úc ngành lập trình phần mềm và ứng dụng, bạn sẽ được tiếp thu các khóa học chất lượng với cơ hội thực tập, làm việc trong những công ty nổi tiếng.
Các trường tại Úc cung cấp chương trình lấy bằng lập trình phần mềm và ứng dụng ở cả bậc cử nhân và thạc sĩ, đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng lẫn kinh nghiệm làm việc của sinh viên. Bạn cần 3 hoặc 4 năm để hoàn thành chương trình lấy bằng cử nhân và 1,5 – 2 năm để lấy bằng thạc sĩ.
Úc có hệ thống giáo dục bậc cao nằm trong top 10 của thế giới theo xếp hạng của Universitas 21. Do đó, sở hữu tấm bằng đại học do một trường uy tín ở Úc cấp mang đến cho bạn lợi thế tìm việc làm ở bất kỳ đâu trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc cho các công ty công nghệ thông tin chuyên nghiệp không chỉ ở đất nước chuột túi mà còn trên toàn cầu. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm việc ở bất kỳ cơ quan, tổ chức nào có nhu cầu tuyển dụng chuyên viên lập trình phần mềm và ứng dụng, hoặc chọn làm việc tự do (freelancing) vì đặc thù của ngành lập trình không bị ràng buộc bởi không gian làm việc.
Xem thêm: Chọn trường nào khi du học Úc ngành lập trình ứng dụng và phần mềm?
Lập trình và phát triển phần mềm – ứng dụng là một khía cạnh quan trọng của tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay. Để được tư vấn chuyên sâu hơn về ngành, trường, chi phí đào tạo… vui lòng liên hệ Du học INEC qua hệ thống:
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline KV miền Bắc & Nam: 093 409 2662 – 093 409 9948
- Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
- Email: inec@inec.vn
Theo Kim Quế