Nổi tiếng về mức lương cao, môi trường làm việc chung và quy định nghỉ phép hào phóng cho cha mẹ, làm việc ở Thụy Điển là lựa chọn lý tưởng cho nhiều người nước ngoài, trong đó có các du học sinh.
Làm việc trong quá trình học
Sinh viên quốc tế du học Thụy Điển được phép làm việc trong thời gian học. Không có giới hạn chính thức nào về số giờ bạn có thể làm việc. Một số trường đại học có các dịch vụ nghề nghiệp có thể giúp bạn tìm một công việc sinh viên bán thời gian. Nhiều trường như Đại học Jonkoping cũng cung cấp các dịch vụ như hội chợ nhà tuyển dụng, kiểm tra CV và các sự kiện đặc biệt với các công ty. Các trang web như Academic Work, StudentConsulting hoặc StudentJob cũng có thể là một nơi tốt để tìm kiếm các bài đăng về việc làm.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là bạn nên ưu tiên việc học. Dù có thể bạn không có nhiều giờ lên lớp, bạn vẫn sẽ dành thời gian tương đương với một tuần làm việc toàn thời gian gồm 40 giờ cho các khóa học, đọc và bài tập.
Khi bạn nộp đơn xin gia hạn giấy phép cư trú, Cơ quan Di trú Thụy Điển cũng yêu cầu bằng chứng rằng bạn đã đạt được tiến bộ trong học tập và đạt được điểm chấp nhận được. Nếu việc học của bạn có kết quả không tốt vì bạn làm việc quá nhiều, bạn có nguy cơ không được ở lại Thụy Điển nữa. Do vậy, có thể khó vừa học vừa làm thêm ở Thụy Điển.
Làm việc sau khi tốt nghiệp
Thụy Điển là một nơi tuyệt vời để bắt đầu sự nghiệp của bạn: các công ty quốc tế, môi trường làm việc đề cao sự sáng tạo.
Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể nộp đơn xin gia hạn giấy phép cư trú tối đa 12 tháng để tìm kiếm việc làm hoặc bắt đầu một công ty. Nếu bạn nhận được lời mời làm việc đáp ứng một số điều kiện nhất định thì bạn có thể xin giấy phép làm việc.
Thị trường lao động và việc làm Thụy Điển
Giống như nhiều quốc gia châu Âu với mức lương cao và chất lượng cuộc sống cao, thị trường việc làm Thụy Điển có tiêu chuẩn và tính cạnh tranh khá cao. Tuy nhiên, văn hóa làm việc của nước này lại cực kỳ hiếu khách và hợp tác. Nhiều công việc đòi hỏi lưu loát tiếng Thụy Điển. Các công việc không có yêu cầu này thường từ các tập đoàn quốc tế lớn có trụ sở tại Stockholm. Tuy nhiên, ngay cả các vị trí được quảng cáo là chỉ cần tiếng Anh, vẫn có ưu tiên đối với những người có hiểu biết về tiếng Thụy Điển. Điều này xuất phát từ văn hóa Thụy Điển tin tưởng mạnh mẽ vào các nỗ lực chung và nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những ứng viên có thể dễ dàng trò chuyện và giao tiếp với các đồng nghiệp bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Mức lương trung bình ở Thụy Điển khá cao khoảng 26.000 SEK/tháng (xấp xỉ 2.600 USD). Không giống như nhiều quốc gia khác, Thụy Điển không có luật lương tối thiểu. Thay vào đó, tiền lương được thiết lập bởi các thỏa thuận thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và công đoàn. Do đó, công đoàn lao động có thể là một nguồn thông tin tốt về mức lương ở Thụy Điển.
Tất cả người lao động ở Thụy Điển nhận được ít nhất 5 tuần nghỉ có lương mỗi năm. Thụy Điển nổi tiếng vì ưu tiên chất lượng cuộc sống trong luật lao động. Chẳng hạn, cha mẹ của những đứa trẻ đến một độ tuổi nhất định có quyền làm việc bán thời gian, một quyền mà nhiều người Thụy Điển tận dụng. Cha mẹ tạm ngừng công việc để chăm sóc một đứa trẻ bị bệnh (đến một độ tuổi nhất định) cũng có thể nhận được bồi thường cho thu nhập bị mất.
Một công việc ở Thụy Điển có thể là một vị trí cố định hoặc tạm thời. Hầu hết các vị trí cố định có yêu cầu thử việc từ 3 – 6 tháng, trong thời gian này, chủ lao động có thể sa thải nhân viên theo ý muốn. Khi vị trí việc làm được đảm bảo vĩnh viễn, nếu muốn sa thải nhân viên, chủ lao động phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Văn hóa làm việc của Thụy Điển
Thụy Điển nổi tiếng với sự bình đẳng giới ngay cả trong lực lượng lao động. Ngoài ra quốc gia này còn rất chú trọng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh với ngày và giờ làm việc linh hoạt. Giờ làm việc bình thường từ 8:30 – 17:00 và hầu hết người Thụy Điển rời văn phòng ngay lúc 17 giờ. Làm thêm giờ không phổ biến trong văn hóa Thụy Điển và cũng không được đánh giá cao.
Thụy Điển không quan tâm đến hệ thống phân cấp nên trong công ty, mọi người từ thực tập sinh đến CEO đều gọi nhau bằng tên của họ. Trang phục làm việc cũng giản dị, thường tránh xa những bộ đồ công sở, phát huy màu sắc trung tính, rắn rỏi. Các quyết định kinh doanh thường dựa trên sự đồng thuận và thỏa hiệp hơn là thâm niên.
Đúng giờ
Mặc dù văn hóa kinh doanh của Thụy Điển thoải mái hơn ở một số nước châu Âu khác, nhưng việc đúng giờ vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt. Đến trễ một cuộc họp được coi là hoàn toàn không chuyên nghiệp và thô lỗ. Tương tự như vậy, xuất hiện quá sớm cũng được coi là bất lịch sự. Thay vào đó, hãy chắc chắn đến sớm không quá năm đến mười phút. Không chuẩn bị tài liệu phù hợp cho cuộc họp bị đánh giá tiêu cực như chậm trễ.
Lagom
Người lao động Thụy Điển được biết đến với sự siêng năng và hiệu quả nhưng không phải kiểu “tham công tiếc việc”. Khái niệm này được gọi là Lagom – vừa đủ, nghĩa là thực hiện chính xác và tốt những gì cần thiết. Ở Thụy Điển sẽ không có nhiều người làm thêm giờ và cũng khó thấy ai tranh thủ làm việc trong kỳ nghỉ.
>> Xem thêm: Thông tin chung về làm việc tại Thụy Điển (phần 2)
Mọi thắc mắc về du học Thụy Điển, vui lòng liên hệ đơn vị tư vấn và tuyển sinh chính thức của các trường đại học Thụy Điển để được hỗ trợ tốt nhất:
Công ty Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636 990
- Miền Bắc & miền Nam: 093 938 1081
- Miền Trung: 093 409 9070
- Email: inec@inec.vn