Không ít sinh viên du học Hà Lan mong muốn có được một công việc tại quốc gia này sau khi tốt nghiệp bởi sức hút của môi trường sống và môi trường làm việc đầy hấp dẫn. Tìm được việc ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là dịch CV của bạn sang ngôn ngữ cần thiết mà bạn cần biết về các yêu cầu đối với lao động quốc tế (như quy định về thị thực và giấy phép lao động Hà Lan), thị trường việc làm hiện tại và cách tìm nơi làm việc tại Hà Lan.
Thị trường việc làm ở Hà Lan
Có rất nhiều cơ hội cho người nước ngoài làm việc tại Hà Lan. Đất nước này là nơi có nhiều công ty quốc tế và đa quốc gia như ING Group, Royal Dutch Shell Group, Unilever, Philips và Heineken. Đồng thời cũng có rất nhiều cơ quan tuyển dụng nhằm mục đích đưa người nước ngoài vào làm việc tại Hà Lan.
Hà Lan có nền kinh tế tương đối ổn định, nhận sự hỗ trợ từ nhiều khoản đầu tư nước ngoài được khuyến khích bởi các điều kiện thuế thuận lợi. Đất nước này có dân số đa dạng, được giáo dục tốt với gần 24% là người nước ngoài hoặc dân tộc thiểu số.
Tỉ lệ thất nghiệp của Hà Lan nằm trong nhóm thấp nhất EU, ở mức 3,2% vào tháng 12/2019. Con số này thấp hơn mức trung bình 6,2% của EU. Một số lĩnh vực việc làm đang phát triển mạnh ở Hà Lan gồm: nông nghiệp và thực phẩm, các ngành công nghiệp sáng tạo, hóa chất, năng lượng, công nghệ thông tin, y tế và khoa học đời sống, logistics và chuỗi cung ứng, ngành công nghiệp dịch vụ.
Vị trí tuyển dụng ở Hà Lan
Hà Lan có nhu cầu rất cao đối với nhóm lao động có tay nghề cao, đến mức sẵn lòng chào đón người lao động quốc tế nhập cư để nhanh chóng tham gia vào các ngành nghề ở nước này. Ngoài ra, các lợi ích về thuế (chính sách thuế 30%) đối với một số người lao động quốc tế làm tăng sức hút của thị trường lao động Hà Lan.
Nhóm nhân sự nhận nhiều sự quan tâm và ưu đãi gồm: kỹ sư; người có kỹ năng kỹ thuật; chuyên gia công nghệ thông tin; người làm việc trong lĩnh vực tài chính; người có kinh nghiệm bán hàng, tiếp thị và dịch vụ khách hàng.
Các lĩnh vực khác được nhiều người quan tâm gồm: chuyên gia và sinh viên tốt nghiệp làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thuế, quản lý tạm thời và giáo dục. Những lĩnh vực có nhiều vị trí tuyển dụng nhất thuộc khu vực công và giáo dục.
>> Xem thêm: Du học Hà Lan: Học tập tại “thung lũng Silicon” mới của thế giới
Lương bổng ở Hà Lan
Theo Numbeo, mức lương ròng (net salary) trung bình hàng tháng ở Hà Lan hơn 2.341 euro/tháng. Trang web Gemiddeld Inkomen thống kê mức lương khởi điểm cho các vị trí khác nhau. Mức lương khởi điểm hàng tháng cao nhất thuộc về nha khoa (4.000 euro) và dược phẩm (3.300 euro). Mức lương khởi điểm thấp nhất cho các vị trí có kỹ năng gồm khiêu vũ và âm nhạc (1.200 euro); nghệ thuật thị giác và thiết kế (1.300 euro).
Xét về mức lương trung bình, Hà Lan đạt điểm khá cao so với các nước EU. Theo số liệu năm 2018, chi phí lao động ở Hà Lan cao thứ 5 châu Âu và cao hơn 25% mức trung trung bình của EU.
Mức lương tối thiểu ở Hà Lan phụ thuộc vào độ tuổi và được xem xét tăng lương 2 năm một lần. Mức lương tối thiểu hàng tháng hiện tại cho công việc toàn thời gian đối với những người từ 21 tuổi trở lên là 1.653,6 euro.
Văn hóa làm việc ở Hà Lan
Người Hà Lan thường làm việc 36 – 40 giờ, đôi khi số ngày làm việc trong tuần chỉ là 4 ngày. Nhìn chung, công việc ở Hà Lan được cấu trúc rất tốt trong các tổ chức. Hầu hết các công việc diễn ra trong giờ làm việc bình thường (từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều), tuy nhiên làm việc ngoài giờ và làm việc theo ca cũng rất phổ biến. Ngoại trừ cấp quản lý, các nhân viên khác không được mong đợi làm việc ngoài giờ.
Xã hội Hà Lan tương đối bình đẳng và điều này cũng được áp dụng ở nơi làm việc. Các công ty Hà Lan thường có cơ cấu tổ chức theo chiều ngang và thường tuân theo các kế hoạch từng bước.
Các quyền và luật lao động tại Hà Lan
Luật lao động của Hà Lan khá bao quát và có xu hướng ủng hộ người lao động, đặc biệt trong trường hợp bị sa thải. Hợp đồng của bạn nên ghi rõ và đầy đủ các chi tiết gồm thời hạn hợp đồng, các quyền và điều kiện làm việc của người lao động.
Các thỏa thuận lao động trong một số ngành công nghiệp của Hà Lan được soạn thảo dựa trên kết quả của các thỏa thuận lao động tập thể (collectieve arbeidsovereenkomst – CAO). Người lao động có thể được hưởng lợi từ những điều này ngay cả khi họ không thuộc về một công đoàn nào.
>> Xem thêm: Cơ hội việc làm có thật sự rộng mở với sinh viên du học Hà Lan?
Giấy phép làm việc tại Hà Lan
Người lao động đến từ các nước ngoài EU, EEA, Thụy Sĩ cần có giấy phép cư trú và giấy phép làm việc (tewerkstellingsvergucky hoặc TWV).
Tuy nhiên một số đối tượng như sinh viên và lao động thời vụ vẫn cần giấy phép làm việc và cư trú riêng biệt. Những đối tượng khác như người lao động có tay nghề cao và chủ sở hữu Thẻ xanh EU chỉ cần giấy phép cư trú, không cần giất phép làm việc.
Yêu cầu ngôn ngữ để làm việc tại Hà Lan
Bạn không cần phải nói tiếng Hà Lan mới được làm việc tại nước này. Thực tế, tiếng Anh là ngôn ngữ kinh doanh chính trong nhiều công ty. Tuy nhiên, việc hiểu biết tiếng Hà Lan làm tăng cơ hội việc làm cho bạn. Nếu làm việc cho một công ty nhỏ, bạn thường cần có khả năng nói tiếng Hà Lan để tham gia vào các cuộc họp hoặc thuyết trình.
Các nhà tuyển dụng luôn có nhu cầu cao đối với người lao động nước ngoài nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Flemish hoặc tiếng Scandinavi.
Trình độ chuyên môn để làm việc tại Hà Lan
Cơ hội tìm việc tại Hà Lan của bạn sẽ lớn hơn nếu bạn có ít nhất một bằng cử nhân. Nếu bạn nhận được một cuộc phỏng vấn cho công việc, bạn cần các tài liệu chứng thực hoặc tham khảo từ các nhà tuyển dụng cũ. Do vậy, đừng quên mang theo bằng cấp, chứng chỉ và xác nhận của nhà tuyển dụng cũ khi bạn chuyển đến Hà Lan.
Mã số thuế và số an sinh xã hội ở Hà Lan
Bạn cũng sẽ cần Số dịch vụ công dân (burgerservicenummer hay BSN) trước khi bắt đầu làm việc ở Hà Lan. Bạn sẽ nhận được mã số thuế cá nhân và số an sinh xã hội khi đăng ký tại tòa thị chính.
>> Xem thêm: Thông tin chung về làm việc tại Hà Lan (phần 2)
Công ty Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636 990
- Miền Bắc & miền Nam: 093 938 1081
- Miền Trung: 093 409 9070
- Email: inec@inec.vn