Chi phí du học là mối quan tâm của hầu hết du học sinh và gia đình. Dù điều kiện kinh tế gia đình có tốt thế nào thì du học sinh vẫn nên có cách chi tiêu cân đối. Đây là bước đầu học cách quản lý tài chính để các bạn vững vàng hơn trong công việc và cuộc sống sau này. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để du học sinh có thể tiết kiệm chi phí khi đi du học.
Lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng
Bảng kế hoạch càng cụ thể, chi tiết thì bạn càng có thể kiểm soát tốt hơn việc chi tiêu của mình
Một bảng kế hoạch với các khoản chi tiêu rõ ràng là thực sự cần thiếu nếu bạn muốn quản lý tài chính của bản thân. Trong bảng kế hoạch này bạn cần vạch ra những khoản chi cần thiết như tiền nhà, tiền điện, nước, lò sưởi, tiền ăn, vật dụng cá nhân, tiền đi lại, tiền học, dụng cụ học tập, tiền đi chơi với bạn bè, đi du lịch… Với những khoản thu, đó có thể là tiền bố mẹ gửi sang, tiền làm thêm hay tiền học bổng. Bảng kế hoạch càng cụ thể, chi tiết thì bạn càng có thể kiểm soát tốt hơn việc chi tiêu của mình. Tất nhiên, những khoản này mang tính chất ước chừng nên “sai số” vẫn có thể xảy ra. Sau một thời gian thực hiên, bạn sẽ cân đối được “lý thuyết” với “thực tiễn” và rút ra được bài học cho mình.
Tiết kiệm khi thuê nhà
Ở chung phòng sẽ giảm bớt chi phí tiền nhà so với việc bạn ở một mình
Ngoài các khoản phí cố định như học phí, tất cả các khoản phí còn lại đều có thể tiết giảm nếu bạn biết lựa chọn hợp lý. Về nhà ở, nếu bạn là sinh viên năm nhất, chưa có người quen và cũng không có người thân thì ký túc xá là lựa chọ hợp lý nhất. Bạn nên chọn phòng ở 2 người trở lên chứ đừng chọn phòng đơn. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được một khoản phí đáng kể mà còn tăng khả năng giao tiếp và trau dồi nhiều kỹ năng sống hữu ích.
“Bảng kế hoạch càng cụ thể, chi tiết thì bạn càng có thể kiểm soát tốt hơn việc chi tiêu của mình.”
Với nhà thuê, tương tự như phòng ký túc xá, bạn không nên chọn phòng trọ 1 mình, mặc dù điều đó đem lại cho bạn sự tự do tối đa. Hãy tìm người ở chung, một người bạn cùng phòng sẽ làm bạn vơi bớt nỗi nhớ nhà, sẽ khiến bạn vơi bớt nỗi cô đơn lúc ốm đau và tất nhiên là sẽ giảm bớt chi phí tiền nhà so với việc bạn ở một mình. Khi chọn nhà thuê, nếu được hãy cố gắng tận dụng những vật dụng mà người chủ cũ để lại. Hãy lưu ý một căn phòng đầy đủ tiện nghi mà giá hơi cao một chút vẫn tốt hơn là một căn phòng giá thấp hơn nhưng trống không. Khoảng cách từ nhà tới trường cũng là điều cần lưu ý. Lý tưởng nhất là bạn có thể đi bộ tới trường, còn nếu xa hơn, hãy xem ngôi nhà có có thuận lợi cho việc bắt xe bus hay không.
Tiết kiệm với đồ ăn, thức uống
Đồ ăn nấu ở nhà mang đi vừa tiết kiệm vừa bổ dưỡng
Nấu ăn thì tiết kiệm hơn là ăn ở tiệm, ngoài ra, điều này cũng giúp bạn tích lũy thêm nhiều kỹ năng hữu ích trong cuộc sống như khả năng nấu nướng hay lựa chọn thực phẩm. Nếu bạn ở chung phòng với những người bạn khác, hãy chia công việc đi chợ, nấu ăn, rửa chén ra để không mất quá nhiều thời gian của một người đồng thời khiến cho không khí vui vẻ hơn. Với đồ uống cũng vậy, thay vì uống café, nước ép ở ngoài vừa tốn kém vừa có thể không đảm bảo vệ sinh, bạn có thể tự làm để mang đi.
Hàng giảm giá và hàng second-hand
Các đợt giảm giá lớn trong năm là dịp bạn nên tranh thủ đi mua đồ
Với những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, bạn nên “canh me” những đợt giảm giá của các siêu thị và mua với số lượng lớn để dùng dần. Những vật dụng này trước sau gì cũng phải mua, nếu mua đúng đợt giảm giá lớn thì bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá đấy. Tuy nhiên, hãy lưu ý là chỉ mua những gì bạn cần chứ đừng mua tất cả những món có giảm giá. Giá hời nhưng mua về không xài thì cũng rất lãng phí. Thêm vào đó, hãy lưu ý hạn sử dụng của các món đồ. Nếu bạn dùng trong một năm mới hết mà hạn sử dụng chỉ còn 6 tháng thì đừng có mua nhé!
Đồ second-hand cũng là một lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tiết kiệm chi phí. Có những hội chợ đồ cũ được tổ chức vào dịp hè và cuối năm là nơi bạn có thể mua những vật dụng cần thiết trong nhà như tivi, tủ lạnh, bàn ghế hay đến cả laptop, điện thoại, đồng hồ và thậm chí là cả sách, giáo trình. Tất nhiên là hãy cân nhắc trước khi mua vì bạn không muốn mua một món đồ rồi lại mất công và mất tiền đi sửa nó đúng không?
Làm thêm
Làm thêm cũng là một ý kiến không tồi để kiếm thêm thu nhập
Thực tế là đa số du học sinh đều có ít nhất là 1 công việc làm thêm khi đi du học. Tùy vào chính sách của từng nước và từng trường mà bạn có thể đi làm thêm hay không và được làm thêm những công việc nào. Với Singapore thì sinh viên trường tư bị cấm đi làm thêm, ở các nước khác thì bạn có thể làm thêm 20 giờ một tuần (trong hoặc ngoài khuôn viên trường). Làm thêm có nhiều lợi ích ngoài việc đem lại cho bạn một khoản tiền nho nhỏ như tăng giả năng giao tiếp hay ngôn ngữ. Tuy nhiên, đa số những việc làm thêm như phục phụ, trông trẻ hay thu hoạch nông sản không được ghi vào CV và cũng không mang lại kinh nghiệm liên quan đến ngành học. Do đó, đừng sa đà vào việc làm thêm để ảnh hưởng đến kết quả học tập. Hãy nhớ, học bao giờ cũng là việc được ưu tiên nhất nhé.
“Săn” học bổng
Với một bảng điểm toàn A thì vị trí đầu bảng khó mà lọt vào tay ai khác ngoài bạn
Thay vì chăm chăm đi làm thêm, bạn có một cách khác để vừa có tiền vừa có kết quả học tập tốt, đó là đầu tư cho việc học để “săn” học bổng. Với một bảng điểm toàn A thì vị trí đầu bảng khó mà lọt vào tay ai khác ngoài bạn, số tiền học bổng cũng không hề nhỏ đâu, và có vô số các loại học bổng chờ đón những người xuất sắc. Tất nhiên là việc này không hề dễ dàng gì, tuy nhiên, có thêm động lực để cố gắng thì kết quả sẽ tốt hơn nhiều đúng không nào?