Mỗi một dân tộc, đất nước có những đặc trưng văn hóa khác nhau. Do đó, khi học tập và sinh sống tại một đất nước khác, du học sinh sẽ gặp phải hiện tượng “sốc văn hóa”. Điều này không lạ, ai cũng phải trải qua. Tuy nhiên, thích nghi nhanh hay chậm là do các cá nhân khác nhau. Và, để “sốc văn hóa” trở nên tích cực hơn, bạn cần một số mẹo nhỏ được giới thiệu trong bài viết này.
Sốc văn hóa là gì và các giai đoạn thường gặp của sốc văn hóa
Sốc văn hóa có thể khiến du học sinh cảm thấy bị cô lập, không hòa nhập được cuộc sống mới
“Sốc văn hóa” được phát hiện bởi Kalvero Oberg – một nhà nhân chủng học nổi tiếng thế giới vào những năm 60 của thế kỷ 20. Sốc văn hóa giống như “cá mắc cạn”, tức là bạn sẽ phải chuyển tới một môi trường sống hoàn toàn khác và phải trải qua một giai đoạn thích nghi. Ở giai đoạn đầu, bạn sẽ gặp khó khăn về giao tiếp do chưa thành thạo ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, thành ngữ, tiếng lóng… và thường cảm thấy lo lắng.
Sốc văn hóa được biết đến rộng rãi qua 4 giai đoạn, bạn thường trải qua tất cả các giai đoạn này:
Giai đoạn 1: Trăng mật
Giai đoạn này bắt đầu từ trước khi du học sinh đặt chân đến đất nước mới và bao gồm thời gian đầu khi các em bắt đầu cuộc sống của du học sinh. Lúc này, các em cảm thấy tâm trạng háo hức, phấn khởi, sẵn sàng “lao vào” học hỏi và tìm hiểu cái mới, thích thú với những điều khác biệt.
Giai đoạn 2: Vỡ mộng và thất vọng
Đây là giai đoạn sau khi du học sinh đã ổn định cuộc sống, những hứng khởi ban đầu đã lắng xuống. Các em bắt đầu thấy khó chịu và bất tiện với những khác biệt văn hóa. Sự thiếu thốn tình cảm gia đình và bạn bè khiến các em cảm thấy cô đơn. Cách phản ứng ban đầu của các em thường là thu mình lại. Nếu không vượt qua được giai đoạn này, nhiều em có thể chọn con đường trở về nước.
Giai đoạn 3: Hội nhập
Giai đoạn hội nhập chính là khi du học sinh đã vượt qua sốc văn hóa
Giai đoạn này, các em bắt đầu hiểu hơn về văn hóa, thành thạo hơn về ngôn ngữ, chấp nhận văn hóa mới và có nhiều mối quan hệ với người bản địa. Với sự hiểu biết đó, các em tự tin hơn và chủ động điều chỉnh bản thân phù hợp với hoàn cảnh. Đây là giai đoạn du học sinh cảm thấy thoải mái và hòa nhập được với nền văn hóa mới.
Giai đoạn 4: Sốc văn hóa ngược
Kết thúc chương trình học, du học sinh trở về nước và phải hòa nhập lại với văn hóa trong nước. Ban đầu, các em sẽ thấy thất vọng khi phát hiện ra mọi thứ đã thay đổi so với thời điểm mình rời đi. Du học sinh càng hòa nhập tốt với văn hóa mới thì càng khó trở lại với văn hóa cũ.
Biểu hiện của sốc văn hóa
Với 4 giai đoạn của hiện tượng sốc văn hóa với du học sinh được trình bày trên đây, giai đoạn thứ 3 là giai đoạn “nguy hiểm” nhất và có thể dẫn đến tình trạng du học sinh bỏ về nước. Những biểu hiện thường gặp của giai đoạn này là:
Mệt mỏi về thể chất: mất ngủ do lệch múi giờ, rối loạn tiêu hóa hoặc thay đổi cân nặng đột ngột do khác biệt về thức ăn, bị cảm nóng/lạnh do thay đổi về thời tiết…
Sốc văn hóa có thể khiến du học sinh sa sút trong học tập
Những biểu hiện về tâm lý, tình cảm: nhớ nhà, nhớ đồ ăn thức uống, nhớ tiếng mẹ đẻ, cảm thấy buồn chán, thiếu an toàn, thiếu tự tin, ngại giao tiếp, gặp phải hiểu lầm hành động, lời nói của người khác, cảm thấy bị ngược đãi hoặc lợi dụng… Những điều này nếu không được giải quyết sớm có thể dẫn đến sự mặc cảm, định kiến hoặc chứng trầm cảm.
Vượt qua những cú sốc văn hóa một cách hiệu quả
Tìm hiểu về văn hóa của đất nước mới
Sách báo, internet là những phương tiện phổ biến giúp bạn có thể tìm hiểu về văn hóa của bất cứ đất nước nào trên thế giới mà không cần phải đặt chân tới đó. Chuẩn bị sẵn cho mình vốn ngôn ngữ và kiến thức về văn hóa sẽ giúp bạn bước đầu tránh được những cú sốc về khác biệt.
Chăm lo đến sức khỏe bản thân
Đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng sẽ giúp bạn vượt qua sốc văn hóa một cách dễ dàng hơn
Sức khỏe không đảm bảo có thể là nguyên nhân dẫn đến những chán nản về tâm lý, tinh thần. Đặc biệt là với những bạn học sinh mà trước đây được cha mẹ chăm sóc, bảo bọc kỹ lưỡng. Vì thế, hãy chú trọng đến sức khỏe của bản thân, cẩn thận với những thay đổi về thời tiết và thức ăn. Đừng chủ quan với những thay đổi nhỏ và phải giải quyết triệt để.
Tạo dựng và duy trì những mối quan hệ mới
Những mối quan hệ mới như bạn bè, thầy trò, hàng xóm… là rất cần thiết trong thời gian bạn học tập và sinh sống ở một đất nước khác. Chủ động, cởi mở trong việc kết bạn sẽ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Các nhóm bạn đến từ đất nước mình sẽ giúp bạn cảm thấy thân thuộc và gần gũi nhưng duy trì nhóm bạn chơi cục bộ như vậy về lâu dài là điều không nên.
Giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở nhà
Giờ đây, những thiết bị công nghệ hiện đại giúp cho việc duy trì thông tin liên lạc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nói chuyện với gia đình, người thân có thể giúp bạn xoa dịu nỗi nhớ nhà, sự cô đơn, buồn chán nhưng không nên sa đà vào việc này quá nhiều. Hãy giới hạn những việc này ở chừng mực hợp lý bởi nhiều khi những cuộc “nấu cháo điện thoại xuyên lục địa” có thể gây tác dụng ngược, khiến bạn… muốn xách va li về nhà ngay lập tức đấy!
Liên hệ với những bộ phận có trách nhiệm
Các trường đại học thường có trung tâm tư vấn tâm lý cho du học sinh, giúp các em hòa nhập với cuộc sống mới, giải quyết những khó khăn về học tập và sinh hoạt. Liên hệ với bộ phận này, bạn sẽ nhận được những hỗ trợ cần thiết.
Du học là một quyết định quan trọng và thời gian du học là quãng đời ý nghĩa trong cuộc đời. Vì thế, hãy suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Sốc văn hóa không nằm ngoài những gì mà bất cứ du học sinh nào cũng phái trải qua. Do đó, hãy chuẩn bị cho mình một tâm thế thật vững vàng, tự tin vào bản thân, chủ động trước hoàn cảnh cũng như tích cực trong suy nghĩ. Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn và được giải quyết dễ dàng hơn.