Theo nghiên cứu, 35% ngân sách chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình Việt Nam là dành cho ăn uống. Việt Nam là một trong những thị trường F&B hấp dẫn trên toàn cầu, luôn thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn các startup gia nhập.
F&B là gì?
F&B là viết tắt của Food and Beverage, có nghĩa là thực phẩm và đồ uống.
Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống là một bộ phận quan trọng trong tổng thể ngành nông nghiệp. Bạn có thể chia nhỏ ngành thực phẩm và đồ uống thành hai mảng chính: sản xuất và phân phối.
Sản xuất bao gồm tạo ra và chế biến các loại thực phẩm và đồ uống – bao gồm hầu hết các mặt hàng đóng gói hoặc chế biến sẵn. Phân khúc sản xuất không bao gồm các loại thực phẩm được sản xuất thông qua canh tác hoặc trồng trọt và không được chế biến thêm vì chúng chỉ đơn giản là một phần của ngành nông nghiệp.
Phân phối trong ngành thực phẩm và đồ uống liên quan đến vận chuyển và các phương pháp liên quan đến việc cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Phân phối trong ngành thực phẩm và đồ uống bao gồm các công ty vận chuyển đến các nhà bán lẻ, nhà hàng và trực tiếp đến người tiêu dùng.
Trên thực tế, chúng ta quen thuộc hơn với dịch vụ F&B ở trong các khách sạn và các đơn vị kinh doanh độc lập bên ngoài (chính là các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán trà bánh, pub, quán bar, lounge…).
Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống trên thế giới hiện nay ra sao?
Mọi ngành công nghiệp đều trải qua một mức độ gián đoạn khi đại dịch Covid-19 quét qua, mà F&B là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và tức thì nhất. Dù vậy, ngành F&B lại có tốc độ vực dậy rất nhanh chóng và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển trên toàn cầu.
- Thị trường F&B trị giá hơn 5.900 tỷ USD vào năm 2019 được ước tính sẽ chỉ tăng nhẹ vào năm 2020 do các hạn chế về đại dịch, nhưng dự kiến sẽ phục hồi với mức tăng 7% vào năm 2023 lên khoảng 7.500 tỷ USD
- Năm 2019, châu Á là thị trường F&B lớn nhất với 42%, tiếp theo là Bắc Mỹ với 22%
- Ở châu Âu, F&B là một trong số ít ngành có tốc độ tăng trưởng vào năm 2022
- Việc giao hàng thực phẩm đã tăng vọt 100% trong thời gian xảy ra gián đoạn do Covid-19, dẫn đến sự gia tăng dịch vụ giao hàng và đặt hàng trực tuyến trong ngành
- Những bước tiến trong lối sống lành mạnh đã khiến người tiêu dùng tăng chi tiêu cho các sản phẩm có thành phần tự nhiên, khiến nhiều công ty từ bỏ chất tạo màu và hương liệu nhân tạo
- Lối sống lành mạnh cũng đã dẫn đến việc tăng cường tiêu thụ các loại protein có nguồn gốc thực vật, dự kiến sẽ tăng từ 10,3 tỷ USD doanh thu tại Mỹ lên 14,5 tỷ USD trong 5 năm tới
Bằng cách nhìn vào các dữ kiện trên, bạn sẽ thấy rằng ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Tiềm năng của thị trường F&B tại Việt Nam
Theo công ty nghiên cứu thị trường BMI, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất trên toàn cầu. Ngành F&B đã đóng góp 15,8% vào GDP quốc gia. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng, khoảng 35% tổng chi tiêu dùng.
Báo cáo của D’Corp cho thấy, cả nước hiện có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có 278.424 mô hình quy mô siêu nhỏ, 153.576 quy mô nhỏ, 34.128 quy mô vừa và 73.872 quy mô lớn. Con số này trong tương lai chắc chắn sẽ còn tăng.
Hoạt động kinh doanh ẩm thực diễn ra rất sôi động với mức chi tiêu trung bình của người dân cho ngành dịch vụ ăn uống là 361 USD/tháng, cao hơn các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Theo báo cáo mới của Công ty chứng khoán Vndirect, ngành F&B sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ngoài ra còn có các chính sách kích cầu của chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.
Việt Nam được dự đoán sẽ nằm trong top 3 quốc gia châu Á về phát triển ngành F&B nhờ nhu cầu hưởng thụ, trải nghiệm của người tiêu dùng ngày càng cao cũng như sự gia tăng của các hộ gia đình trung lưu.
Các xu hướng F&B chính tại Việt Nam
Thế hệ trẻ là nhân số thúc đẩy
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, hiện nay, gần 25% dân số Việt Nam ở độ tuổi từ 16-30. Đây được coi là nguồn lực quý giá hứa hẹn mang đến sự độc đáo và sáng tạo cho ngành F&B.
Thế hệ trẻ là những người đặt ra các xu hướng mới trong ngành, cũng là những cá nhân sử dụng các sản phẩm và dịch vụ F&B nhiều nhất. Đáng chú ý, theo báo cáo của Decision Lab (nhà cung cấp giải pháp đánh giá và tối ưu hóa marketing số tại Việt Nam), Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) là thế hệ mà ngành F&B cần quan tâm.
Dù thu nhập không quá cao nhưng Gen Z vẫn sẵn sàng chi một khoản lớn cho việc ăn uống. Đây cũng được coi là nhóm đối tượng hàng đầu của các địa điểm ẩm thực quốc tế.
Nhu cầu sống lành mạnh tăng nhanh
Trước sức ép từ đại dịch, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm có thành phần tốt cho sức khỏe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính kích thích sự trỗi dậy của các xu hướng ăn kiêng mới, điển hình là chế độ ăn kiêng không chứa gluten hoặc keto.
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành F&B tại Việt Nam có thể tận dụng những thói quen ăn uống của người Việt như thích rau xanh, thích ăn vặt lành mạnh hoặc không ăn một mình.
Bên cạnh sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng giờ đây đã nhận thức đầy đủ hơn về môi trường xung quanh để đưa ra những lựa chọn phù hợp với giá trị mà họ theo đuổi. Sự thay đổi này khuyến khích ngành F&B tập trung vào những giá trị bền vững hơn, đồng thời mở ra hướng đi mới cho những người trong ngành. Họ cần cẩn thận hơn trong quá trình xây dựng thương hiệu, từ khâu tìm nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến việc đóng gói sản phẩm.
Thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng
Do đại dịch, người tiêu dùng trên khắp thế giới đã áp dụng các phương pháp kỹ thuật số trong công việc và cuộc sống hàng ngày của họ. Nhiều người đã bắt đầu xây dựng thói quen thanh toán qua mã QR, điện thoại di động hoặc công nghệ thẻ không tiếp xúc thay vì sử dụng tiền mặt như trước đây.
Theo khảo sát “Chỉ số thanh toán mới năm 2021” của Mastercard, 84% người tiêu dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận thấy khả năng tiếp cận các hình thức thanh toán mới nổi của họ tăng lên đáng kể. Trong khi đó, 88% đã sử dụng ít nhất một hình thức thanh toán mới nổi trong năm ngoái.
Trong số những người được khảo sát, khoảng 75% là thế hệ millennials (những người sinh từ năm 1981 đến 1996), chia sẻ rằng họ đã thử các phương thức thanh toán mới mà họ nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ sử dụng nếu không có đại dịch. Ngoài ra, có tới 60% người tiêu dùng cho biết họ sẽ “sẵn sàng nói lời tạm biệt” với các cửa hàng hoặc nhà hàng không chấp nhận hình thức thanh toán điện tử.
Ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ số và phân phối đa kênh
Covid-19 đã buộc gần 70% doanh nghiệp F&B tại Việt Nam phải tập trung vào chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp F&B trong việc xây dựng thương hiệu trực tiếp.
Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản lý. Các công ty thực phẩm, đồ uống cũng đẩy mạnh hoạt động đầu tư đổi mới hệ thống phân phối, điều chỉnh tỷ trọng giữa kênh thương mại truyền thống và kênh hiện đại. Họ phát triển các ứng dụng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng khi mua sắm và đổi mới thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu sinh thái và phát triển dòng sản phẩm.
Winnie Wong – Giám đốc điều hành toàn quốc của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, đại dịch đã thúc đẩy “thói quen kỹ thuật số” ở Việt Nam, điều này sẽ tồn tại trong một thời gian dài. Đây là lý do tại sao người tiêu dùng hiện đang mong đợi trải nghiệm kỹ thuật số liền mạch và đa kênh hơn trong tương tác của họ với các doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B.
Bạn muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này? Hãy bắt đầu bằng việc tham gia một khóa học chất lượng để có nền tảng vững chắc, được phát triển các kỹ năng quan trọng để có thể phát triển bền vững trong ngành.