Nội dung chính
- 1 Ngành hospitality có phải là chọn lựa nghề nghiệp tốt?
- 2 Quản lý khách sạn (Hotel Management) – nấc thang sự nghiệp đỉnh cao
- 3 Quản lý du lịch (Tourism Management) – tổ chức trải nghiệm
- 4 Quản lý sự kiện (Event Management) – mỗi ngày trôi qua đều đặc biệt
- 5 Quản lý thương hiệu cao cấp (Luxury Brand Management) – biên giới mới cho sinh viên tốt nghiệp hospitality management
- 6 Ngành công nghiệp trải nghiệm (Experience Industry) – những trải nghiệm đáng nhớ hơn tất cả
- 7 Quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống (Food & Beverage Service) – lĩnh vực cốt lõi của hospitality
- 8 Cơ hội Start-up – làm chủ sự nghiệp của chính bạn
- 9 Những cơ hội nghề nghiệp khác ngoài lĩnh vực du lịch và hospitality
- 10 Làm thế nào để tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp tốt nhất trong ngành hospitality?
Nhắc đến hospitality, bạn có thể sẽ nghĩ ngay đến khách sạn. Nhưng sự thật là, bằng cấp về hospitality management sẽ mở ra cho bạn một bầu trời rộng lớn hơn thế, chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn.
Ngành hospitality có phải là chọn lựa nghề nghiệp tốt?
Ngành hospitality có lịch sử kiên cường trước những cú sốc, ngay cả trong thời kỳ kinh tế hay chính trị đầy sóng gió. Lý do chính cho điều này là bản năng tự nhiên của con người chúng ta muốn đi du lịch và trải nghiệm những điều mới mẻ.
Các công việc hospitality được dự đoán sẽ tăng từ tỷ lệ 1 trên 10 công việc hiện tại trên toàn cầu lên 1 trên 9 công việc vào năm 2027, tức là cứ 9 việc làm trên hành tinh sẽ có 1 thuộc về ngành hospitality, với tổng số 380 triệu việc làm. Sự nghiệp trong ngành hospitality có thể phát triển theo nhiều hướng nhưng phổ biến nhất là trong các lĩnh vực: khách sạn và khu nghỉ dưỡng, kinh doanh ẩm thực, du lịch và lữ hành, sự kiện.
Từ góc độ cá nhân, đây là một số (mặc dù không phải tất cả) những đặc điểm tính cách mà bạn sẽ thường thấy ở những người có sự nghiệp thành công trong lĩnh vực hospitality:
- Yêu thích du lịch
- Thích thú khi được ở gần mọi người
- Thích quan tâm, chăm sóc, làm hài lòng người khác
- Tò mò về văn hóa
- Kiên cường, đạo đức và có tác phong làm việc mạnh mẽ
- Đánh giá cao cuộc sống làm việc đa dạng (không ngày nào giống ngày nào)
Tiếp theo, hãy cùng INEC tìm hiểu thế giới cơ hội nghề nghiệp rộng lớn của ngành hospitality và các lĩnh vực liên quan, nơi sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm tại những công ty hàng đầu thế giới.
Quản lý khách sạn (Hotel Management) – nấc thang sự nghiệp đỉnh cao
Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng là “trái tim” của ngành hospitality, đem đến con đường sự nghiệp năng động. Do nhu cầu lưu trú của khách du lịch không còn tập trung vào các chuỗi khách sạn lớn, ngày càng nhiều cơ sở lưu trú mới ra đời gồm khách sạn quy mô nhỏ (boutique hotel), khách sạn thương gia (business hotel), căn hộ khách sạn (condotel/ apartment hotel), khu nghỉ dưỡng (resort), nhà nghỉ (motel/ hostel/ tourist guest house), biệt thự du lịch (tourist villa), và nhiều loại phòng hiện đại khác cho nhiều đối tượng khách du lịch.
Trong mỗi khách sạn, có những công việc ở bộ phận tiền sảnh (front-of-house), chẳng hạn như phục vụ ăn uống, lễ tân – đặt phòng, và dịch vụ khách. Sau đó là các công việc hậu sảnh (back-of-house) chẳng hạn như nhà bếp và bộ phận phòng (room division). Sự đa dạng loại hình lưu trú, sự phong phú về dịch vụ đang mở ra nhu cầu lao động được đào tạo là vô cùng lớn. Sinh viên có thể thăng tiến nhanh chóng từ vai trò entry-level supervisory sang các vị trí trưởng bộ phận và quản lý.
Trong những năm gần đây, hàng loạt khách sạn và khu nghỉ dưỡng 4-5 sao tại Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp lớn đầu tư đưa vào hoạt động như VinGroup, SunGroup, FLC, Saigontourist… Cùng với đó, nhiều thương hiệu quốc tế hàng đầu về bất động sản du lịch như Accor, Marriott, Hilton, Mövenpick, InterContinental, Four Seasons… đã và đang rốt ráo tăng thêm thị phần tại Việt Nam cũng hứa hẹn mở ra nhiều việc làm mới cho người lao động.
Quản lý du lịch (Tourism Management) – tổ chức trải nghiệm
Ngành du lịch đã tăng trưởng gấp đôi trong 20 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Du lịch và lữ hành hiện chiếm 9% GDP toàn cầu và là ngành sử dụng lao động lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ tới, dự đoán ngành công nghiệp này sẽ tạo ra thêm 75 triệu việc làm và lượng khách du lịch quốc tế sẽ đạt 1,8 tỷ vào năm 2030.
Để đón đầu và quản lý lượng khách du lịch ngày càng tăng, các điểm đến cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ và điểm tham quan. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường hospitality management uy tín – những người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, khai phóng tầm nhìn quốc tế sẽ được nhiều nhà tuyển dụng săn đón. Cơ hội việc làm đa dạng có thể tìm thấy trong các bảo tàng và di tích lịch sử, tàu cao cấp, các gói du lịch sang trọng, công viên giải trí, casino, cơ quan quản lý điểm đến, tư vấn…
Việt Nam với lợi thế về ẩm thực phong phú, các thắng cảnh, văn hóa, nghệ thuật được thế giới công nhận, nhưng ngành du lịch chưa có vị thế tương xứng và vẫn đánh mất một lượng khách quốc tế trở lại do cách làm du lịch ít có sự mới mẻ (nhất là khi so sánh với những quốc gia khác trong khu vực). Làm thế nào để nâng cao vị thế du lịch nước nhà tuy là bài toán đầy thử thách nhưng nó cũng là cơ hội dành cho các sinh viên theo học ngành hospitality management.
Quản lý sự kiện (Event Management) – mỗi ngày trôi qua đều đặc biệt
Các sự kiện, lễ hội, sự kiện thể thao và địa điểm giải trí quốc tế đều tập trung vào việc tạo yếu tố bất ngờ và trải nghiệm đáng nhớ cho du khách. Xu hướng toàn cầu hóa đã làm mờ ranh giới giữa các quốc gia cũng là điều kiện lý tưởng để các sự kiện diễn ra thường xuyên. Nhiều khách sạn và nhà hàng kiếm sống tốt nhờ tổ chức các sự kiện của doanh nghiệp và tư nhân. Nhìn chung, lĩnh vực quản lý sự kiện, du lịch MICE đang phát triển nhanh và cung cấp nhiều lựa chọn nghề nghiệp quốc tế. Ước tính cứ 11 công việc thì có 1 công việc thuộc lĩnh vực quản lý sự kiện.
Chìa khóa thành công trong lĩnh vực này là đặt khách hàng làm trung tâm của mọi dịch vụ và tạo ra trải nghiệm liền mạch. Và đó là điều mà những người được đào tạo về hospitality làm tốt nhất nhờ nắm vững kỹ năng nghiên cứu, lập kế hoạch, hiểu thị trường, hiểu khách hàng và xây dựng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của họ.
Xem Bí quyết trở thành chuyên gia quản lý sự kiện
Quản lý thương hiệu cao cấp (Luxury Brand Management) – biên giới mới cho sinh viên tốt nghiệp hospitality management
Ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu đã tạo ra hơn một nghìn tỷ USD vào năm 2013 và hứa hẹn sự tăng trưởng ổn định trong các lĩnh vực bao gồm hàng xa xỉ cá nhân, xe hơi, khách sạn sang trọng, du lịch xa xỉ, đồ nội thất cao cấp, đồ ăn ngon, rượu vang hảo hạng và rượu mạnh, du thuyền và máy bay tư nhân. Thêm vào đó, các thương hiệu như Givenchy, Armani, Bulgari và Roberto Cavalli đang mạo hiểm đầu tư vào các khách sạn, spa và nhà hàng, mang đến cơ hội việc làm trong lĩnh vực quản lý các nhãn hiệu cao cấp.
Người tiêu dùng ngày nay không chỉ muốn sở hữu những món đồ xa xỉ cá nhân, họ còn tìm kiếm những trải nghiệm cao cấp, được cá nhân hóa. Nhiều nhãn hiệu lớn đang nhắm tới những sinh viên tốt nghiệp ngành hospitality management, bởi họ am hiểu việc tạo ra trải nghiệm lấy khách hàng làm trung tâm. Kiến thức và kỹ năng của sinh viên ngành hospitality được cho là góp phần làm tăng trải nghiệm của khách hàng, trở thành nguồn lao động ngày càng được trọng dụng trong ngành công nghiệp xa xỉ phẩm.
Xem việc học quản trị thương hiệu cao cấp tại Glion: Làm việc tại Richemont, Gucci, Marriott
Ngành công nghiệp trải nghiệm (Experience Industry) – những trải nghiệm đáng nhớ hơn tất cả
Trên khắp thế giới có một hiện tượng đang phát triển mà một số người gọi là “experience economy” (nền kinh tế trải nghiệm). Đó là hoạt động kinh doanh cung cấp trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng, trong đó cảm xúc và ký ức do trải nghiệm tạo ra cũng quan trọng như chính sản phẩm. Khái niệm “exceptional experience” – tạm dịch: trải nghiệm vượt trội – hiện đang được tiếp thị gắn với mọi loại sản phẩm và dịch vụ có thể hình dung được: nhà hàng cao cấp, dụng cụ thể thao, thiết bị công nghệ cao, thương hiệu thời trang, môi trường mua sắm, dịch vụ tài chính, trò chơi, du lịch trải nghiệm…
Xu hướng này có ý nghĩa lớn đối với sinh viên tốt nghiệp các trường hospitality management hàng đầu, bởi các em được phát triển các kỹ năng vượt trội trong việc tạo ra trải nghiệm 5 sao cho khách hàng thông qua quá trình học tập thực tế trong môi trường hospitality đẳng cấp nhất. Đây là điều mà các trường kinh doanh khác không cung cấp cho bạn.
Quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống (Food & Beverage Service) – lĩnh vực cốt lõi của hospitality
Không chỉ có nhu cầu ăn ngon, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới nguồn gốc thực phẩm có lành mạnh, những gì họ ăn hàng ngày có an toàn, xu hướng thuần chay khỏe mạnh, hạn chế lãng phí thực phẩm… Trong hầu hết các khóa học hospitality management đều sẽ đào tạo về F&B, vì vậy rất dễ dàng để bạn tìm được vai trò giám sát hoặc quản lý ngay sau khi tốt nghiệp.
Cơ hội Start-up – làm chủ sự nghiệp của chính bạn
Ngành du lịch, nhà hàng Việt Nam đang có nhiều điều kiện lý tưởng để start-up nhờ cảnh quan đa dạng; ẩm thực phong phú, ngon và dễ làm; nhu cầu ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng cao; chính sách thông thoáng của chính phủ…
Yếu tố khách quan đã có, vấn đề cốt lõi để start-up hiệu quả là bạn cần có sự chuẩn bị kiến thức toàn diện về quy trình phục vụ, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự và các vấn đề tài chính, phân tích và nắm bắt tâm lý khách hàng, tư duy quản lý và tầm nhìn chiến lược lâu dài – vốn đang là yếu điểm của nhiều nhà quản lý hiện nay. Những điều này bạn có thể tìm thấy ở các trường đào tạo hospitality uy tín trên thế giới. Theo đuổi chương trình học phù hợp là cách bạn đón đầu cơ hội start-up và dễ dàng thành công hơn.
Những cơ hội nghề nghiệp khác ngoài lĩnh vực du lịch và hospitality
Vì hospitality liên quan trực tiếp đến dịch vụ khách hàng – điều xuất hiện và cần thiết ở mọi lĩnh vực, nên ngoài những khu vực nghề nghiệp đã kể trên, bạn còn có thể làm việc ở những lĩnh vực, bộ phận có sự tiếp xúc với khách hàng như ngân hàng, hãng hàng không, dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khỏe…
Dưới đây là một số ví dụ về con đường sự nghiệp từ cựu sinh viên Thụy Sĩ trên LinkedIn, những người không làm việc trong lĩnh vực hospitality:
- Digital Marketer → Sales Funnel Manager → Assistant Director Marketing
- Communications Specialist → Digital Marketing Manager → Business Development Director
- Office Coordinator → Merchandising Expert → Marketing Manager (Proctor & Gamble)
- Sales & Planning Coordinator (Honda) → Product Manager (Honda Motorcycles) → Business Planning Specialist (Nestlé)
- Finance & Control Intern (Nestlé) → Expat Tax Associate (PwC) → International Wealth Management Front Support (Credit Suisse)
- App Developer → Key Account Manager (Too Good To Go) → Start-up (CoHosting)
Làm thế nào để tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp tốt nhất trong ngành hospitality?
Một trường hospitality tốt sẽ cung cấp cho bạn các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức để làm việc trong nhiều ngành công nghiệp, mang đến khả năng phát triển nghề nghiệp vô tận. Hãy tham dự các sự kiện sắp tới của Du học INEC để tìm ra khóa học, điểm đến học tập phù hợp với bạn, đồng thời nắm bắt cơ hội học bổng đến 1 tỷ đồng.
Nếu bạn cần được tư vấn thêm, vui lòng liên hệ Công ty Du học INEC:
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline KV miền Bắc & Nam: 093 409 2662 – 093 409 9948
- Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
- Email: inec@inec.vn
- Chat ngay với tư vấn viên của INEC: me/tuvanduhocinec