Chuẩn bị tinh thần trước khi lên đường du học là một điều khá quan trọng mà nhiều bạn thường bỏ qua. ‘Sốc văn hóa’ có lẽ là cụm từ được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần trong các bài báo viết về những khó khăn của du học sinh tại nơi xứ người. Bài viết này đặc biệt dành cho các bạn sắp và đang đi du học để giúp các bạn thích nghi và vượt qua chứng ‘sốc văn hóa’ này một cách dễ dàng.
‘Sốc văn hóa’ thực chất là gì?
Ở một đất nước mới, những thói quen hàng ngày sẵn có, nền văn hóa và cách cư xử của mọi người dường như không còn quen thuộc nữa. Quá trình bạn nhận biết, hiểu và thích nghi với những thay đổi này gọi chung là sốc văn hóa. Cách cư xử, tư thế, giọng nói, cách chờ xếp hàng và cách giao tiếp với mọi người khác nhau tùy thuộc vào mỗi nền văn hóa. Bạn không hề nhận biết được điều này cho đến khi bạn đi du học.
Bạn không hẳn là bị sốc, nhưng cảm giác bỡ ngỡ khi bắt đầu cách sống mới, thay đổi thái độ và văn hóa cũng được định nghĩa là ‘sốc văn hóa’. Sốc văn hóa bao gồm 4 giai đoạn.
1. Cảm giác vui sướng ban đầu
Lần đầu tiên đặt chân đến một vùng đất mới, một xứ sở sương mù hay đất nước sư tử cá, cảm giác háo hức trông chờ vào những trải nghiệm mới mẻ nơi đây là điều dễ hiểu đối với bất cứ du học sinh nào. Trong suốt giai đoạn này, bạn sẽ nhận ra những điểm tương đồng và ngỡ ngàng về sự khác biệt trong nền văn hóa giữa hai quốc gia. Bạn tự mình cảm nhận và đánh giá đúng/sai so với những gì mọi người nói về quốc gia bạn đặt chân đến. Người ta nói rằng người Anh lạnh lùng như thời tiết của họ vậy. Khi đi ngoài đường, dù bạn ăn mặc hay làm trò lố bịch gì thì cũng chả ai quan tâm cả. Rồi khi đến đây, tôi mới nhận ra rằng những ý kiến đánh giá này tùy thuộc vào việc mỗi người ở mỗi khu vực chứng kiến và cảm nhận như thế nào. Tôi vẫn nhớ và thầm cảm ơn một bác đã trở tôi về nhà khi tôi bị lạc đường cho dù chúng tôi không quen biết. Và trên đường đi học, mọi người nở nụ cười và thân thiện chào tôi mặc dù đó là lần gặp đầu tiên.
2. Cảm giác khó chịu
Cảm giác vui sướng ban đầu dần dần mất đi. Bạn bị mất phương hướng. Bạn phát điên với những mớ hỗn độn xung quanh mình. Bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi cứ phải bắt bản thân thay đổi để thích nghi với môi trường hoàn toàn khác biệt này.
3. Giai đoạn thay đổi
Bạn cuối cùng cũng chấp nhận và thấu hiểu về sự khác biệt văn hóa. Bạn bắt đầu có cái nhìn lạc quan hơn về quốc gia bạn đang du học, dần dần yêu đất nước này nhiều hơn và thể hiện sự cố gắng để thích nghi bản thân với môi trường.
4. Hòa nhập với môi trường
Cảm thấy thoải mái và dễ chịu với chỗ ở mới là giai đoạn cuối cùng của chứng ‘sốc văn hóa’. Bạn dễ dàng bắt chuyện với những người bạn mới đa sắc tộc. Thói quen mới của bạn dần đi vào quỹ đạo. Chắc chắn là bạn rất nhớ bạn bè và gia đình, thế nhưng những người bạn mới và việc học tập, cùng các hoạt động tập thể dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bạn.
10 mẹo đối phó với chứng ‘sốc văn hóa’
Vậy là bạn đã hiểu sơ qua khái niệm ‘sốc văn hóa’. Dưới đây là 10 bí kíp giúp bạn nhanh chóng vượt qua cú sốc tinh thần này.
1. Tìm hiểu về đất nước bạn muốn du học kỹ càng
Bạn có thể tìm kiếm thông tin qua các diễn đàn, sách hướng dẫn du lịch, báo mạng, hay tiểu thuyết ‘Oxford thương yêu’ chẳng hạn. Bạn cũng có thể hỏi kinh nghiệm của các anh chị đã từng học ở đó hay tốt hơn cả là những người bản xứ. Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về những phong tục tập quán của con người nơi đó để sẵn sàng tâm lý trước khi lên đường.
2. Xin lời khuyên từ ban hỗ trợ du học sinh của trường
Bạn nên liên lạc ban đại diện tuyển sinh của trường và hỏi họ về những khó khăn của những du học sinh khác và cách họ thích ứng ra sao. Mỗi quốc gia có một đặc trưng riêng, vì thế những vấn đề bạn gặp phải ở Pháp chưa chắc đã xảy ra nếu bạn du học Thái Lan và ngược lại. Tốt nhất là nên hỏi họ để biết thêm chi tiết.
3. Lập kế hoạch, mục tiêu học tập nhất định phải đạt được trong chuyến đi du học
Rõ ràng là bạn phải có kế hoạch rõ ràng cho chuyến đi này, và bạn cũng nên học hỏi thêm về nền văn hóa của quốc gia bạn đang theo học. Thật thú vị nếu mục tiêu sắp tới của bạn là học nấu một món ăn truyền thống (fish and chips) của Vương quốc Anh chẳng hạn.
4. Viết nhật ký
Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình ‘sốc văn hóa’, viết tất cả những thứ mà bạn thích về đất nước sở tại. Sau đó, đến giai đoạn bạn cảm thấy mệt mỏi, nản chí thì dùng những dòng nhật ký bạn viết trước để gợi nhớ về tất cả mọi điều tuyệt vời mà chuyến du học mang lại cho bạn thay vì các vấn đề làm bạn bực mình.
5. Phân tán sự chú ý của bản thân vào những hoạt động khác
Đặc biệt là ở giai đoạn 2, có lẽ là lúc bạn có những suy nghĩ tiêu cực về nền văn hóa mới, hãy tập trung tinh thần vào những việc khác. Hãy thử dành thời gian cho bản thân để xem một chương trình TV bạn thích, nấu ăn, hay tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ tại gia đình mới này.
6. Trò chuyện với bạn bè
Bạn có thể đã làm quen với một số du học sinh. Hãy nói với họ cảm giác của bạn hiện giờ về sự khác biệt văn hóa giữa hai quốc gia. Hỏi họ cảm giác của họ như thế nào, cách họ vượt qua cú ‘sốc văn hóa’ và học hỏi từ những người bạn này.
7. Kết bạn với sinh viên bản xứ
Tất nhiên là bạn sẽ học được nhiều điều thú vị khi có những người bạn bản địa. Họ hiểu rõ về nền văn hóa của họ và có thể giải thích cho bạn nhiều thắc mắc. Nếu tình bạn trở nên thân thiết hơn, họ có thể sẽ nhắc nhở bạn khi bạn vô ý không hiểu chuyện hay cư xử kỳ lạ.
8. Nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng
Trải qua mỗi giai đoạn, bạn hãy cố gắng nhìn nhận vấn đề theo hướng tổng quan. Có thể bạn không đồng tình với một vài quan điểm sống và cũng có thể những lẽ sống đó khó áp dụng ở nền văn hóa của Việt Nam. Hãy cố gắng hiểu gốc rể của vấn đề và đặt câu hỏi khi cần thiết.
9. Hòa mình vào cộng đồng
Một phần nguyên do trong việc ‘sốc văn hóa’ có lẽ là do bạn cảm thấy mình như một người ngoài cuộc. Vì thế hãy hòa mình vào cộng đồng. Nếu ở nhà, bạn hay đến nhà thờ, thế thì bạn cũng có thể làm điều này khi đang du học. Nếu bạn đã từng làm tình nguyện viên, vậy còn chần chừ gì mà không tham gia vào một vài dự án tình nguyện ở thành phố bạn đang sống. Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ thể thao, tham dự lễ hội âm nhạc và biến nơi ở mới trở thành ngôi nhà thứ hai của bạn.
10. Học ngôn ngữ bản địa
Nếu đất nước bạn mong muốn đặt chân đến là một quốc gia với ngôn ngữ bản địa không phải là tiếng anh, thì việc học thêm ngôn ngữ mới này là một ý tưởng không tồi. Cho dù chương trình bạn học được dạy bằng tiếng Anh nhưng thật thú vị khi biết vài câu tiếng Hà Lan. Điều này không chỉ giúp bạn am hiểu hơn về nền văn hóa của quốc gia này mà còn dễ dàng kết bạn và khiến bạn cảm thấy hòa mình hơn vào cuộc sống nơi đây.
Đừng để ‘sốc văn hóa’ ngăn bạn kế hoạch hóa ước mơ du học
Du học không phải là việc cuối tuần ra ngoài party đến tận đêm muộn. Du học là một thử thách, bước đầu tiếp xúc với một nền văn hóa khiến nhiều bạn không khỏi bỡ ngỡ. Thế nhưng du học sẽ là thực sự có giá trị bởi khi trở về Việt Nam, bạn sẽ quên sạch những chuyện phiền muộn không đáng có và chỉ nhớ về những kỉ niệm đẹp cùng với bao người bạn thân thiết ở nơi đây.
Julita – CTV INEC
(Nguồn: gooverseas)
Tham khảo thêm thông tin và đăng ký tham dự hội thảo tại du học Hà Lan