Cuộc sống du học tới một đất nước xa xôi với bao điều khác lạ sẽ để lại trong ta những ấn tượng và những khoảnh khắc nào khó quên? Hãy cùng cảm nhận những chia sẻ thực tế từ bạn Nguyễn Thị Quế Anh, sinh viên INEC đang du học Hà Lan tại Đại học Khoa học Ứng dụng HAN.
“Ấy thế mà cũng thấm thoát sáu tháng trôi qua, kể từ cái ngày đầu tôi đặt chân đến đất nước Hà Lan này. Sự khác biệt, từ không gian, cảnh vật cho đến cả những suy nghĩ, cảm xúc trong những du học sinh nói chung, hay tôi nói riêng, là một điều dễ hiểu. Nhớ lại khoảng thời gian đầu, khi còn “chân ướt chân ráo” trên “xứ lạ quê người”, tôi cũng ngây ngô lắm, đến tận bây giờ vẫn còn nhớ như in những cái “ngốc nghếch” ấy.
Chuẩn bị cho hành trình du học Hà Lan
Trước khi đi, nhà tôi cũng bận rộn, tất bật nhiều thứ nên tôi cũng không có nhiều thời gian nghiên cứu về Hà Lan nhiều. Nói thẳng ra là tôi chỉ biết những cái được gọi là “thường”, những cái thật đặc trưng của Hà Lan như hoa tulip, cối xay gió và “phố đèn đỏ”. Còn về nền giáo dục Hà Lan, tôi chỉ biết rằng họ chia làm hai loại hệ thống trường học, một là hệ nghiên cứu với chương trình học ba năm, còn hệ ứng dụng thì sẽ được học lý thuyết hai năm và được hai năm thực tập.
Tôi theo học ngành Logistics Management tại Đại học KHUD HAN, khu học xá ở thành phố Arnhem, sau khi nhận được học bổng và được phỏng vấn trực tiếp từ trường. Hơn nữa, hồ sơ đăng ký du học tôi đã liên hệ với trung tâm du học INEC, là một trung tâm rất uy tín và nhiệt tình nên tôi cũng thảnh thơi, “ngồi chơi xơi nước”, không phải chạy sốt vó vì lo thủ tục. Vì thế, tôi tự đặt ra “phương châm sống” cho bản thân mình: “Việc gì đến sẽ đến”.
Rồi những ngày tháng cuối cùng ở Việt Nam qua đi – nhanh như những cơn mưa rào thoáng qua nhanh chóng để trả lại cái nắng gay gắt mùa hè vào thời điểm ấy – ngày chia ly đã đến. Tôi từ trước đến giờ, luôn là một con người luôn “trong nóng ngoài lạnh”, nghĩa là một con người luôn sống vì lý trí, nhưng lại dễ bị lung lay bởi những xúc cảm và suy nghĩ trong tâm tưởng. Ngày chia xa gia đình để bắt đầu một cuộc sống mới , không có gia đình, bạn bè thân thuộc – cuối cùng đã đến thật rồi. Và thật dễ hiểu, tôi không khóc. Thật sự tôi không muốn mẹ hay gia đình phải nặng lòng, hơn nữa, tôi cũng có thể trở nên mạnh mẽ bất kì lúc nào, và đây là lúc cần thiết. Tôi ra đi với một nụ cười trên môi, dừng lại ở những cái ôm hay câu tạm biệt gia đình, chỉ có vậy.
>> Xem thêm: Các ngành đào tạo tại Đại học KHUD HAN
Đến Hà Lan: Trải nghiệm cuộc sống mới đáng nhớ
Đáp cánh ở sân bay Schiphol (Amsterdam), lòng tôi luôn rạo rực một niềm hứng khởi lạ thường. Thứ nhất, từ nay tôi sẽ tự lập, tự quyết định mọi chuyện trong cuộc sống và những sự việc xung quanh (sẽ không bị nhà “quản” nữa). Thứ hai, học tập ở một đất nước khác chắc chắn sẽ giúp tôi trau dồi thêm vốn từ. Nhất là khi phải tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh hầu như mọi lúc, từ bài học cho đến ra khỏi nhà, không ít thì nhiều, tiếng Anh tôi sẽ có cơ hội luyện tập nhiều hơn. Và cuối cùng, tôi mong sẽ đạt được một kết quả học tập như mong đợi với tấm bằng tốt nghiệp đại học Hà Lan chất lượng.
Sau khi được xe của trường đưa về kí túc xá nhận phòng, tôi nhanh tay tháo tung những chiếc vali “khổng lồ” và sắp xếp đồ đạc vào phòng trước khi đến giờ hẹn đi siêu thị cùng vài người bạn Việt Nam cùng trường. Cứ tưởng như ở Việt Nam, như lẽ thường, tôi nghĩ cứ tự động kéo xe đẩy thật to vào mua đồ rồi trả lại xe. Ngặt nỗi, ở Hà Lan phải bỏ xu vào mới lấy được xe, còn không thì chỉ dùng xe kéo nhỏ bình thường. Xe kéo nhỏ thì tôi không tìm, thế là phải đi đổi tiền xu ra 50 cent (gần 15,000 VND) để lấy cho bằng được cái xe đẩy.
Vì không có đủ thời gian để làm quen với tiếng Hà Lan ở Việt Nam, tôi cũng hơi “choáng” khi cố gắng nhận dạng mặt chữ ở xung quanh mình. Cũng may cho tôi, tiếng Hà Lan có một số chữ viết tương tự tiếng Anh, có khi lại y hệt tiếng Anh nhưng sau này học mới biết rằng chỉ khác cách phát âm, nên tôi cũng mò mẩm, đoán được nghĩa. Thế là cuộc“shopping vật lộn” của ngày đầu cũng thành công. Nhưng đâu chỉ đơn giản như thế, tôi quên béng đi lời dặn của mẹ rằng khi đi mua đồ phải tự cầm giỏ hoặc bao theo, thế là ngày đầu thêm “vài” euro để mua bao ni lông để xách đồ về nhà.
Trên đường về, “như một thói quen”, tôi cứ thấy đèn đỏ của xe dừng là băng vèo vèo qua đường (có lúc còn không đợi đèn đỏ). Thế là bao nhiêu ánh mắt đều dồn về phía tôi. Băng qua được phía kia đường, tôi mới chợt nhận ra rằng – người đi bộ muốn qua đường, phải bấm nút ở cột đèn báo dành cho người đi bộ để xin qua đường. Hơn nữa, đường sá ở Hà Lan họ chia thành ba phần rõ rệt, vỉa hè dành cho người đi bộ, một phần đường kế màu đỏ dành cho người đi xe đạp và phần đường lớn còn lại dành cho ô tô và các xe khác. Thế mà tôi lại “áp dụng” luật giao thông Việt Nam để lưu thông ở Hà Lan! Ôi thôi, lúc ấy thật sự tôi chỉ muốn “độn thổ” cho xong!
>> Xem thêm: Du học Hà Lan: Không bây giờ thì bao giờ!
Đến cuối tuần, tôi cùng các bạn Việt Nam mới sang được các anh chị năm trước đang học tại trường dắt đi “tham quan” các nơi mua sắm đồ dùng, thức ăn ở trung tâm thành phố. Chúng tôi đến “chợ trời” bằng xe buýt. Nhắc đến xe buýt, có rất nhiều cái khác lạ so với Việt Nam nhiều. Ở đây, người ta thường dùng một thẻ “OV chipkaart”, tương tự như thẻ ATM, cứ nạp tiền vào và đi đến đâu thì tính đến đấy. Nhưng tôi mới sang nên không có thẻ, thế là “ngậm ngùi” mua vé thường với giá mặc định là 1.5 euro/ lần, dù đi xa hay gần.
Còn nữa, hệ thống xe buýt ở Hà Lan rất đúng giờ. Tại mỗi bến xe buýt có một bảng nhỏ ghi chuyến xe và giờ xe đến, không phải như ở Việt Nam, đã nhiều lúc tôi từng phải đợi gần hơn 1 tiếng để có chuyến xe cần đi. Điều cuối cùng cần chú ý chính là, trước 9h sáng, giá vé thường (không có OV chipkaart) của xe lên đến 3 euro/lần (gần 100.000 VND)!
Giá cả của phương tiện giao thông công cộng ở Hà Lan khá đắt đỏ, nhưng chắc đối với du học sinh bên ngoài Hà Lan. Chính phủ Hà Lan hỗ trợ rất nhiều cho học sinh cả về học phí và các vấn đề khác trong cuộc sống như việc di chuyển đến trường, … Giá vé tàu được bán tự động tại quầy nhỏ ở mỗi bến tàu, hoặc các bạn có thể mua trực tiếp tại những quầy có nhân viên bán vé để có thể có những thông tin chính xác nhất về chuyến đi của mình. Mỗi vé dao động khoảng 22 euro (nếu không có OV chipkaart), hoặc có loại vé tàu chỉ đi được vào cuối tuần và xài hết trong một ngày, với giá tiết kiệm hơn rất nhiều, “dagkaart” với giá là 13.99 euro/vé.
>> Xem thêm: Chi phí du học Hà Lan
Mỗi chuyến đi hành khách thường phải đổi tàu, chứ không chạy thẳng như vé xe về các tỉnh hay thành phố ở Việt Nam, nên việc theo dõi bảng thông báo giờ để lên chuyến tàu kế tiếp là vô cùng cần thiết. Nếu bị lỡ tàu, các bạn có thể phải đợi khoảng 40 phút – 1 tiếng cho chuyến tàu tiếp. Ngoài ra, các bạn phải nhìn kĩ số cổng tàu sẽ đến đế tránh bị nhầm tàu, như tôi và hai người bạn đã “trải nghiệm”.
Vào cuối tuần, sau khi mua “dagkaart”, chúng tôi lên kế hoạch đi tàu lên Amsterdam và các thành phố khác trong 1 hành trình đi, gồm Rotterdam, Ultrecht, … Do tâm lý “sợ trễ tàu”, thay vì đợi tàu ở cổng 5A để đi lên Rotterdam rồi về nhà, chúng tôi lại nhanh nhẹn phóng lên chuyến tàu ở cổng 5B để “được” lên Amsterdam một lần nữa rồi quay về Rotterdam rồi mới về nhà. Thế là tốn thêm “vài” tiếng nữa. Đêm hôm ấy, đến tận 11 giờ 30 ba đứa mới vừa đến nhà, nhưng vẫn may cho chúng tôi vì còn về trước 12 giờ đêm, nếu không chúng tôi phải mua lại vé tàu bình thường để đi chuyến tàu cuối về nhà.
Thời tiết ở Hà Lan cũng thay đổi rất chóng vánh, mới mưa đây đã nắng lại. Lúc mới qua vào tháng Tám, Hà Lan còn là mùa hè, ngày dài hơn đêm, đến tận 9 giờ tối mà trời vẫn như 2 – 3 giờ chiều, làm tôi không muốn ngủ chút nào. Vả lại, những tuần đầu cũng chưa xong những hồ sơ cá nhân tại trường, nên tôi cũng không màng đến chữ “học”. Thú thật, đó quả là những ngày tháng “ăn chơi” vui vẻ nhất của tôi, cho đến khi phải làm nhiều bài tập nhóm, đề tài và phải lo cả việc học của bản thân.
>> Xem thêm: Học bổng du học Hà Lan 100% học phí tại Đại học KHUD HAN
Mùa thu dần đến, tiết trời se lạnh dần, tôi không thể khoác những chiếc áo khoác thường như ở Việt Nam để ra ngoài được nữa, mà người bạn thân thuộc thay thế chúng chính là chiếc áo phao. Chỉ có mặc áo phao mới có thể “chắn” được những cơn gió thổi bất chợt trên đường, lại vừa thay thế cho cả chiếc áo mưa những ngày mưa được thôi. Cùng với cái lạnh, bài vở cũng ngày càng nhiều, vì cái thói quen “nước đến chân mới nhảy” của tôi, nên bài vở cứ thế mà “ứ đọng” lại từng ngày.
Trường tôi rất “tâm lý”, luôn cho học sinh những kì nghỉ Xuân, Hạ, Thu, Đông trước mỗi kì thi để học sinh được “xả stress”. Đã trải qua hai kì thi “khủng khiếp” – đối với tôi – vì đến tận những ngày nghỉ ấy tôi mới bắt đầu cầm cuốn sách hoặc mở slides lên để học, thì tôi mới phần nào bớt đi tính chủ quan để siêng năng hơn trong học tập. Và dù chúng “khủng khiếp”, nhưng kết quả tôi đạt được cũng rất mỹ mãn. Thế là tôi đã đạt được đủ 30/60 credits cho năm đầu tiên ở trường.
Con người là một cá thể rất đặc biệt trong hệ sinh thái với trí thông minh và những tập tính phát triển vượt bậc so với những loài còn lại, điều đó quả không sai. Mỗi con người đều cần một thời gian nhất định để hòa nhập vào một môi trường mới, để làm quen với những cái mới, vơi dần đi những bỡ ngỡ, xa lạ lúc đầu để phát triển và hoàn thiện bản thân mình hơn. Ngay cả bản thân tôi, hiện tại, cũng không còn cảm thấy lạc lõng hay gặp nhiều khó khăn trong môi trường học tập và cuộc sống nữa, mọi thứ dần đã dần đi vào “guồng quay” của nó.”
(Nguyễn Thị Quế Anh)
Với kinh nghiệm hơn 15 năm tư vấn du học Hà Lan và là đối tác uy tín của các trường đại học Hà Lan danh tiếng, INEC sẽ giúp bạn tìm được ngành học và ngôi trường phù hợp. Đồng thời, các chuyên viên tận tâm của INEC sẽ luôn đồng hành cùng bạn để hỗ trợ từ lúc chuẩn bị bay, đến Hà Lan đến khi kết thúc khóa học. Vì vậy, đừng quên đến với INEC để hành trình du học Hà Lan của bạn thuận lợi, hiệu quả và không đơn độc nhé.
Công ty Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline miền Nam và Bắc: 093 938 1081
- Hotline miền Trung: 093 409 9070
- Email: inec@inec.vn
- Chat ngay với tư vấn viên tại: /hoiduhocsinhhalan