Nhớ lại khoảng thời gian hơn một năm trước, mình còn là một học sinh lớp 11 vô lo vô nghĩ tại Việt Nam, cái tính tình vô tư của mình là cứ đợi nước tới chân rồi mới nhảy, vậy nên mình cũng không suy nghĩ nhiều về tương lai, hay thậm chí là ngành học hay trường Đại học mong muốn. Trong tâm trí của mình rất đơn giản cho rằng: “Cái gì tới thì sẽ tới, suy nghĩ nhiều mệt óc, còn không thì cùng lắm cứ làm như ba mẹ mình muốn đi!” Mình biết có cái gì đó không đúng, nhưng cũng không để ý quá nhiều, vì đã quá quen ỷ lại vào ba mẹ. Cho tới một ngày, mình vô tình đọc được trên poster của trường về cuộc thi tuyển của chương trình giao lưu văn hóa một năm tại Mĩ.
“Giao lưu văn hóa sao? Nghe có vẻ rất hay ho, hay là cứ đi thi thử xem, dù sao cũng thi miễn phí mà!”
Cái tính cách phơn phởn của mình thế là lại được dịp bộc lộ, thế là mình mang tâm lý vui đùa đi làm bài thi. Đó là một bài kiểm tra thiên về nghe rất đơn giản, cỡ trình độ cấp 1, cấp 2 khiến mình ban đầu có chút ngờ ngợ và cả bất ngờ. Sau đó, ba mình nhận được thông báo trúng tuyển, không nằm ngoài dự đoán lắm, nhưng đối với một đứa không ham thì thôi, ham rồi là tìm hiểu tới cùng như mình thì ngay khi ba mẹ cùng mang vẻ mặt vô cùng nghiêm túc hỏi mình có muốn đi du học Mỹ không và biểu mình nên suy nghĩ kĩ để đưa ra quyết định thì mình đã lên mạng tìm hiểu ngay lập tức về chương trình này và cả công ty đưa ra chương trình.
Chương trình giao lưu văn hóa Mỹ (GLVH) là chương trình được chính phủ Mỹ tài trợ về tiền học phí có thời gian là một năm, trong một năm này, học sinh sẽ được “hóa thân” thành một thành viên sống trong một gia đình bản xứ (gia đình host) và học tập tại Mỹ, kiểu như một trò RPG ngoài đời thật. Chương trình này quy định học sinh từ lớp 9 tới lớp 11 và học lực trên 7.0, cùng kha khá các điều kiện khác. Tuy những thành tích về học tập và thể thao của học sinh không khoảng thời gian giao lưu chỉ mang tính tham khảo và không có giá trị nhiều trong học bạ nhưng lại mang lại cho học sinh một cơ hội vô cùng tốt để nâng cao khả năng tiếng Anh và làm quen với môi trường nước ngoài từ sớm, đây là điều vô cùng quan trọng đối với những bạn có ý định du học mai sau.
Tuy trước giờ khá vô tâm nhưng mình cũng hiểu đây là một quyết định lớn (và có thể là quyết định thay đổi cuộc đời nữa chứ) liên quan rất nhiều tới tiền mồ hôi công sức của ba mẹ, vậy nên tạm thời phải điều động mấy tế bào chất xám nhiều năm ngủ vùi của bản thân để mà suy nghĩ về lợi và hại của chương trình này, vì sao mình nên chọn nó mà không phải là tự túc? Dù sao thì một năm GLVH cũng chỉ giúp mình có thêm kinh nghiệm sống tại nước ngoài chứ kết quả học tập không được ghi nhận, cộng thêm cái giá khá là chát– mười mấy ngàn đô thì khiến mình khá là trù trừ. Cái gì chưa nghĩ qua thì để sau, vậy nên mình tạm gác sau đầu và tìm hiểu về công ty tổ chức chương trình, bởi trước đó đã đọc khá nhiều về những công ty không uy tín hứa ảo khiến nhiều người bị lừa, sau khi đọc về những bình luận về công ty cũng như những tổ chức cộng tác với công ty mà mình chọn, và chức chỉ đạt được..vv.. thì mình cũng an tâm hơn và trở về với cái vấn đề đau đầu trước đó, đi hay là không đi?
“Tôi hiểu rằng đi du học đồng nghĩa với việc mình sẽ phải tự lập và trưởng thành”
Phải biết rằng đi du học đồng nghĩa với việc mình sẽ phải tự lập, tự đối đầu với mọi thứ, gia đình ở nửa kia trái đất không thể giúp đỡ mình, nếu muốn về cũng là không có đường lui, bởi số tiền này không nhỏ chút nào, nhưng kèm theo trách nhiệm to lớn sẽ là bầu trời của tự do, sẽ không ai kiềm hãm những sở thích, mong muốn của bản thân. Cộng thêm cái lựa chọn thứ ba, đó là đi tự túc, mình cũng nghĩ tới nhưng rất nhanh bỏ qua, bởi nếu đi tự túc thì mình sẽ không có bước đệm 1 năm để làm quen mà phải lao vào chiến đấu ngay từ đầu, chưa kể tới nguy cơ stress rất lớn bởi phải trực tiếp đối đầu với mọi thứ mà không có ai hướng dẫn như GLVH (có gia đình host chỉ dẫn), vậy nên tự túc nên để sau năm giao lưu văn hóa. Giãy giụa vài ngày, cái tính bướng bỉnh bị giấu sâu lần nữa trồi lên mặt nước, thế là quên hết mọi thứ, mình lựa chọn tự do, cũng có thể nói quyết định này cũng là do cái tính nghệ sĩ ghét bị bó buộc, tùy tiện và bất cần đời của mình đi. Mình lựa chọn độc lập, lựa chọn tự làm mọi thứ, chứng minh cho ba mẹ rằng mình đã lớn, không cần ba mẹ bảo bọc lo lắng.
Năm lớp 11 cứ thế trôi qua, thế là tất cả mọi thứ đâu ra đấy, đi xin visa cũng xin cả rồi (có hơi run chút nhưng mà các bạn cứ bình tĩnh trả lời và luyện tập ở nhà trước nha) tất cả những gì phải làm hiện nay đó là chờ đợi, chờ được một gia đình host chọn và nhận nuôi, đây sẽ là ngôi nhà trong 9 tháng kế tiếp của mình khiến mình có chút tò mò.
Trong khoảng thời gian này mình khá là “tỉnh”, bình tĩnh suy nghĩ về hành lý trong khi ba mẹ sốt vó suy tính nên chuẩn bị cái gì mang đi, dù sao mình cũng là con đầu lòng, lần đầu đi du học nên ba mẹ cũng rất lo, rốt cuộc mình chịu không nổi bị quay vòng vòng, thế này mới nói ba mẹ cứ từ từ, chừng nào nhận được thông báo có host nhận rồi chuẩn bị, chả phải cô hướng dẫn đã bảo sau khi nhận được thông báo thì có khoảng 1, 2 tuần để chuẩn bị sao, vậy nên mới khiến hai người đỡ sốt ruột chút.
Nhưng mà ôi thôi, người tính không bằng trời tính, khi mình nhận được cái cuộc gọi thần thánh ấy thì cũng là ngày đầu tiên của năm học lớp 12, thế là mình không được chào tạm biệt bạn bè, cứ thế mà nhận mệnh bỏ lại sau lưng mái trường cấp 3 quen thuộc. Nhưng đó chả là gì, ngày hôm sau cái cuộc gọi đó mới thật sự là hoành tráng, khi mình còn lơ mơ trong chăn êm đệm ấm còn không biết trời trăng gì thì bị xốc ngược khỏi gường bởi người ba thân yêu, loáng thoáng nghe được cái gì mà host… nói… trường khai giảng… đi liền… 2 ngày nữa rồi mới từ từ tỉnh ngủ hỏi chuyện. Vâng, mình chỉ có đúng 2 ngày chuẩn bị lên đường mà thôi.
“Mình từng có đúng 2 ngày để chuẩn bị lên đường đi giao lưu văn hóa Mỹ”
Ba mình đã phải “đàm phán” cho lùi lại 1 ngày để đón bác mình từ Mỹ về thăm nhà, cái dự định 2 tuần chuẩn bị thế là đi tong. Nhưng bỏ qua câu nói bất hủ của ba mình: “Đã bảo rồi mà không nghe.”. Thì mình xin lời khuyên của host (thông qua email) nên mình cũng không quá rối. Mình chuẩn bị kha khá quần áo (sau này mới thấy chỉ nên mang đủ đồ cho 1 tuần đầu thôi vì có thể mua quần áo rẻ từ những charity shops như Goodwill và tiết kiệm được khoảng trống trong hành lý), đồ dùng học tập (theo mình thì không nên mang luôn bởi vì bên đây cấp 3 chủ yếu xài bút chì và nó khá rẻ), cùng với bộ đồ nghề vẽ bất ly thân của mình (cái này là mình phải mang nha, bất ly thân mà, các bạn có thể mang thứ bất ly thân khác của các bạn, cái này là tùy người nha). Mình không mang sách vở hay vật dụng cá nhân bởi host nói không cần (sau khi qua tới nơi mới biết host mua sẵn cho hết rồi, tuy vậy cũng tùy người, nếu bạn thấy cần thì cứ mua bởi mình nghĩ bên Mỹ mấy thứ này khá là mắc), nhưng mình mang một cái balo làm vai trò đựng hành lý xách tay khi lên máy bay và sau này làm cặp xách để đi học. Và thế là 3 ngày sau, tại sân bay ở Hồ Chí Minh, sau đó là Nhật Bản và cuối cùng là Mĩ, có một con bé 17 tuổi ngơ ngác hỏi đường đi trong sân bay nơm nớp lo sợ trễ máy bay và kích động mong chờ những điều xảy ra, cả ngọt ngào và cay đắng, trong 9 tháng tới… to be continue…
Uyên – CTV INEC
Để được cung cấp thông tin và hỗ trợ tốt nhất cho hồ sơ học bổng giao lưu văn hóa Mỹ 100%, các bạn HSSV vui lòng liên hệ về đại diện tuyển sinh chính thức của chương trình tại Việt Nam theo số tổng đài 1900 636 990 hoặc:
- Hotline TP HCM: 093 409 3223 – 093 409 2080
- Hotline Đà Nẵng: 093 409 9070
- Email: inec@inec.vn