Tôi không hoàn toàn đồng hành cùng bạn trong quá trình du học, chỉ được nghe qua lời kể hay những câu bông đùa. Nhưng tôi biết, có những lúc màn hình hiện lên kí tự “:D” là có khi bạn đang tức tưởi khóc bên nửa vòng trái đất.
Tôi năm nay 24 tuổi, đi làm đã được hai năm. Như nhiều người khác, tôi và bạn bè cũng đang chông chênh giữa những sự chuyển tiếp. Chúng tôi thoát khỏi sự bảo bọc của gia đình, bắt đầu chính thức nếm trải vị đắng của cuộc sống dù là lựa chọn hướng đi nào.
Thời đại học, tôi theo học chuyên ngành Quan hệ công chúng & Truyền thông tại Tp. Hồ Chí Minh. Vì là lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam nên rất khó để tìm kiếm ngôi trường phù hợp để học lên các cấp độ cao hơn. Đối với chúng tôi mà nói, học vấn không phải là nghĩa vụ, nó là sự đam mê. Không phải là “mọt sách” hay “học gạo”, mà rõ ràng có kiến thức thì ta mới đủ sức chinh phục ước mơ. Bạn có đam mê thì chỉ nắm trong tay chiếc khiên để chống chịu sự khắc nghiệt của thất bại, nếu muốn nắm được thanh gươm để đánh bại khó khăn, tiến đến thành công thì cần phải có học vấn. Mục đích như nhau nhưng phương thức thì khác biệt. Vì điều kiện không cho phép cả về khả năng lẫn tài chính, tôi chọn trường đời để tiếp tục theo đuổi ước mơ. Tôi vào làm trong một công ty tại Tp. Hồ Chí Minh, bắt đầu hiện thực hóa những gì được học, phục vụ cho công việc. Trong khi đó bạn bè tôi chọn du học để thỏa mãn khát khao cháy bỏng về chuyên ngành yêu thích và kiếm tìm những cơ hội hấp dẫn hơn tại vùng trời mới.
Du học là cách nhiều bạn trẻ lựa chọn vì ưu điểm giáo dục nổi trội
Bạn tôi đứa thì chọn Mỹ, đứa thì du học Úc, đứa thì lại đăng kí nhập học tại Nhật, còn có đứa thì suy nghĩ về các trường đại học của Đức. Tuy sự lựa chọn khác nhau nhưng điểm chung đều là cảm giác hào hứng, phấn phởi khi nhận được visa du học. Có những đứa, phỏng vấn visa không phải lần đầu là đậu nên niềm vui được nhân lên tỉ tỉ lần. Lúc đó tôi hay trêu: “Ai sẽ là Kim Hyun Woo* của đằng ấy nhỉ?’ (nhân vật nam chính trong phim Chuyện tình Havard). Nhìn đôi mắt rạng ngời của bạn bè, tôi cũng cảm thấy vui lây và thầm cầu mong xứ người sẽ đối xử tốt với bạn của tôi.
Những ngày đầu qua nước mới, tôi thường chỉ thấy những hình ảnh vui tươi, hào hứng. Bạn khoe bạn đã thi được bằng lái xe, tham gia vào lễ hội bãi biển, uống thử rượu truyền thống, thưởng thức ẩm thực đặc sắc… Nhưng tất cả chỉ là bức màn phủ lên sự cô đơn, lạc lõng và khó khăn chồng chất bạn đang phải đối mặt. Bạn gửi tin nhắn cho tôi, thổn thức muốn về Việt Nam, bạn nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè. Bạn thèm cảm giác thân thuộc ở Sài Gòn, thèm cảm giác tan học xong lê la trà chanh, bắp xào. Bạn nhớ từng con đường, từng dãy nhà trọ, những ngày lười học ngủ nướng nhờ điểm danh giùm. Bạn ước được càm ràm mỗi khi tôi mê game bỏ bữa, bạn muốn kí vào đầu tôi vì tội chẳng bao giờ chú ý khi đi sang đường. Bạn hỏi tại sao ngày xưa một ngày trôi nhanh thế mà giờ đây tiết học 1 tiếng thôi mà dài đằng đẵng. Bạn ao ước ai đó gọi tên thân mật bằng tiếng Việt chứ không phải bằng những kính ngữ khách sáo xa lạ. Bạn nói: ‘Ước chi xe buýt chở thẳng tao về Việt Nam”. Khoảng cách quá xa để tôi có thể nói với bạn, “Tao đến với mày, đợi tao” như những ngày còn sinh viên. Tôi chỉ có thể lặp đi lặp lại những câu mà đến chính bản thân nghi ngờ: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi, mày phải tin vào mày.”
Cô đơn là điều du học sinh sẽ cảm thấy trong những ngày đầu
Tôi quá bất lực để có thể giúp bạn tôi, lúc này bạn chỉ có thể tự đặt niềm tin rồi vượt qua. Tất cả kỉ niệm đẹp ở Việt Nam là những ngày xưa cũ, bạn chỉ nên đặt chúng vào những chiếc hộp, ẩn sâu trong tim và biến nó thành động lực. Quê hương là ánh lửa ấm áp le lói qua khung cửa sổ, trong khi bạn là nhà leo núi đang trong trời tuyết giá lạnh. Tôi hỏi: “Mày muốn từ bỏ?”. Nếu bạn “Ừ” thì nỗ lực của ngày xưa là công cốc, bạn chọn ánh lửa ấm áp nhất thời mà lãng quên lý do vì sao bản thân lại bắt đầu. Nếu bạn nói: “Không” thì bạn xứng đáng được nhiều hơn ngoài ngọn lửa le lói, đó là sức nóng chỉ thuộc về riêng bạn mà thôi.
Thật may, bạn đã chọn phương án thứ 2. Bạn hoàn thành 2 năm đầu chuyên về lý thuyết, bắt đầu sắp xếp việc học để đi thực tập. Bạn chụp cho tôi xem bức hình mặc đồ công sở, mang giày cao gót chuyên nghiệp, bạn nói: “Oách chưa? Hehe”. Tôi vui đùa đáp lại: “Tao cũng vậy mà, hiếm lạ gì đâu chứ”. Bạn vẫn hay nói về những chuyện không vui trong cuộc sống nơi đất khách, vì những thiểu số kém văn minh, về những bữa thức ăn nhanh ăn vội nhưng đó chỉ đơn thuần là chia sẻ. Bạn vẫn rầu rĩ khi bị quản lý mắng, vẫn cảm lạnh nhẹ khi mùa đông đến, vẫn hay nhắn tin cho tôi lúc nửa đêm vì “tao thèm đồ Việt Nam. Bên này đi chợ Việt kiểu gì vẫn không nấu được vị mẹ nấu”. Nhưng bạn không còn nhắc về chuyện sẽ bỏ hết tất cả để về. Thỉnh thoảng còn gạ: “Qua đây với tao đi, gà rán mày thích bên này rẻ rề.” hay “Mấy đứa con nít thích đồ unhealthy (không khỏe mạnh) như mày thì hợp bên này đó. Nhanh nhanh tao đợi.” và được tôi rep lại bằng icon phẫn nộ.
Tôi thường hay vu vơ hỏi bạn
– Còn nhớ Việt Nam không?
– Luôn nhớ.
– Có hối hận không?
– Không
– Vì sao?
– Vì có đi, tao mới thấy mình nhỏ bé. Có đi, tao mới biết mình vĩ đại.
– Không hiểu…
– Thấy nhỏ vì có quá nhiều thứ cần học, thấy vĩ đại vì mình giỏi hơn những gì bản thân nghĩ. Chẳng có ai giới hạn người khác, chỉ có tự ta o ép chính ta.
Chỉ cần nỗ lực, mọi khó khăn sẽ trôi qua
Tôi không hoàn toàn đồng hành cùng bạn trong quá trình du học, chỉ được nghe qua lời kể hay những câu bông đùa. Nhưng tôi biết, có những lúc màn hình hiện lên kí tự “:D” là có khi bạn đang tức tưởi khóc bên nửa vòng trái đất. Bạn cho tôi biết, du học không thể là giấc mơ màu hồng, nó là màu đỏ. Nó đại diện cho ngọn lửa đậm màu gian nan, nước mắt và sự cô đơn. Nó giúp bạn hiểu được sự tự lập, biết cách mở lòng, kết nối xã hội và mở rộng tư duy. Bạn hay bất kì du học sinh nào, cũng đều xứng đáng được tán thưởng vì không những vượt qua khó khăn mà còn chiến thắng chính bản thân mình.