Úc đã được ca ngợi là một điểm đến du học hàng đầu trong nhiều năm nay. Nền giáo dục Úc trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và mạng lưới mối quan hệ sẽ tồn tại suốt đời, đồng thời mang đến cho sinh viên những cơ hội không thể thiếu trong tương lai. Dù là điểm đến du học yêu thích của sinh viên trên toàn cầu nhưng vẫn có nhiều lầm tưởng về du học Úc.
Du học Úc quá đắt đỏ
Không thể phủ nhận một điều rằng, bạn nên có tài chính mạnh và ổn định nếu muốn du học Úc. Nhưng điều đó không có nghĩa là trường nào cũng đắt đỏ như nhau.
Chi phí du học Úc của mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như trường, địa điểm, ngành bạn chọn học và thời lượng của chương trình. Có nhiều chương trình học chất lượng với mức chi phí thấp hơn mà bạn có thể tiếp cận. Chẳng hạn, Đại học Western Sydney mang đến cho bạn cơ hội học ngay thành phố Sydney với học phí trung bình 27.000 AUD/năm; hay bạn có thể lấy bằng Cử nhân Quản trị Khách sạn của Học viện Le Cordon Bleu danh tiếng với chi phí thấp hơn so với học tập tại Hà Lan hay Phần Lan.
Hơn nữa, Úc còn có rất nhiều học bổng và chương trình hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên quốc tế, có thể xét dựa trên thành tích học tập hoặc theo nhu cầu. Những hỗ trợ tài chính đó có thể giúp chi trả một phần hoặc toàn bộ học phí, cho sinh hoạt phí cũng như các khoản phí khác liên quan đến trường học.
Xem danh sách học bổng du học Úc cập nhật nhất.
Có điểm IELTS cao là đủ
Trên thực tế, điểm IELTS cao không có nghĩa là bạn sẽ ngay lập tức hòa nhập được với môi trường ngôn ngữ mới. Dù có nhiều bạn đạt IELTS 6.5-7.0 nhưng vẫn gặp một số vấn đề khi giao tiếp hay nghe giảng trên lớp.
IELTS mà sinh viên thường thi chỉ là hệ thống kiểm tra để xác định kỹ năng tiếng Anh học thuật (academic). Tiếng Anh của người Úc rất phong phú, họ còn sử dụng nhiều từ ngữ mà các nước nói tiếng Anh khác ít dùng hoặc nhiều tiếng lóng, tiếng địa phương mang âm hưởng thổ dân hoặc có thể là từ rút gọn của những cụm từ dài. Điều này có thể gây xa lạ hoặc gây khó hiểu đối với nhiều người khi lần đầu tiên đến xứ sở này.
Vì ngôn ngữ là một kỹ năng nên nếu không được rèn luyện thường xuyên nó sẽ bị mai một. Hãy trau dồi kỹ năng của mình bằng việc chủ động nói chuyện bằng tiếng Anh với người khác. Nếu nghe không kịp hoặc không hiểu, đừng rụt rè cũng đừng mất tự tin, hãy nhờ họ lặp lại. Thường xuyên đọc sách và tìm hiểu thêm trước khi đến lớp. Bạn cũng có thể ghi âm bài giảng để về nhà có thể nghe lại.
Chương trình học ở Úc nhẹ và dễ
Chương trình học tại Úc cũng không phải quá nặng, tuy nhiên cách học khác chương trình đại học Việt Nam. Thông thường giảng viên chỉ dạy hoặc nói về những ý chính, còn lại thì sinh viên cần phải chịu khó đọc tài liệu, tự nghiên cứu và tìm hiểu thêm. Nên đọc sách trước khi đến lớp, note lại những điều bạn chưa thông suốt để hỏi giảng viên ngay trên lớp.
Học đại học yêu cầu người học phải biết tự sắp xếp thời gian và quản lý bản thân. Kết quả học tập thường được đánh giá trên nhiều tiêu chí: sự tham gia của người học, làm bài kiểm tra, thuyết trình, dự án nhóm, bài tập lớn (assignmnent)/bài luận… Viết luận là điều thường gặp với các du học sinh, nhưng cách viết bài luận ấn tượng trong giới hạn số từ yêu cầu hay làm thế nào để tránh bị gọi là đạo văn là một số vấn đề bạn cần lưu ý.
Dễ dàng làm thêm kiếm tiền để chi trả cho việc học
Ở một số nước, sinh viên quốc tế không được làm thêm trong khi học. Còn ở Úc, với thị thực du học sinh (student visa), bạn được phép làm thêm tối đa 40 giờ mỗi 2 tuần trong học kỳ (lên tới 48 giờ 2 tuần khi chính sách mới được áp dụng từ 01/07/2023), không giới hạn số giờ làm việc trong các kỳ nghỉ. Tuy nhiên, đa số du học sinh làm thêm chỉ đủ để chi trả phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại. Việc đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí không thật sự dễ dàng như bạn nghĩ.
Hãy xem việc đi làm thêm là một sự trải nghiệm, để rèn luyện tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp. Việc sinh viên lo đi làm, không có thời gian học bài, bị rớt môn, phải kiếm tiền đóng phí học/thi lại không phải hiếm gặp. Đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy đi làm kiếm tiền, rồi để nó ảnh hưởng tới việc học, bởi vì mục đích chính của bạn là đi học chứ không phải đi làm.
Thật khó để kết bạn ở Úc
Một lầm tưởng về du học Úc phổ biến khác là sinh viên quốc tế sẽ khó kết bạn, nhưng thực tế không phải vậy. Các trường học luôn nỗ lực để khiến du học sinh cảm thấy luôn được chào đón, chẳng hạn như Tuần lễ định hướng (Orientation Week) giúp bạn làm quen với trường học, các dịch vụ hỗ trợ, câu lạc bộ và hội sinh viên… Đừng ngại bắt chuyện với bạn cùng lớp, vì ngay cả những sinh viên bản địa cũng có thể cảm thấy lo lắng khi bắt đầu một khóa học mới ở một trường học mới, và một số có thể cũng rời xa gia đình để đi học giống như bạn vậy.
Tương tự như các quốc gia khác, những lầm tưởng về du học Úc là điều hết sức bình thường. Điều quan trọng đừng để nó ảnh hưởng đến cách bạn tương tác với người khác hoặc khi bạn làm việc gì đó. Và hãy tự trang bị cho mình một nền tảng thật vững vàng thông qua chương trình Pathway (dự bị chuyển tiếp đại học) – cây cầu giúp thu hẹp khoảng cách giữa học sinh Việt Nam với môi trường giáo dục đại học Úc, giúp bạn “giảm xóc” để thích nghi và hòa nhập thành công với môi trường mới.
Bài viết liên quan:
- Tất tật tật thông tin du học Úc
- Điều kiện đi du học Úc
- Ước tính chi phí du học Úc
- Xin visa du học Úc
- Du học Úc nên chọn ngành nào dễ tìm việc và định cư?
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ Công ty Du học INEC:
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline KV miền Bắc & Nam: 093 409 2662 – 093 409 9948 – 093 409 9984
- Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
- Email: inec@inec.vn
- Chat với tư vấn viên INEC: me/tuvanduhocinec