Bài viết được thực hiện từ một cuộc phỏng vấn với Bermet Nurkamilova – sinh viên quốc tế đến từ Kyrgyzstan và đăng tải trên trang arrivein. INEC tổng hợp lại và thông tin đến bạn trẻ Việt Nam vì sẽ rất hữu ích cho các bạn du học sinh tương lai, đặc biệt là các bạn đang dự định hoặc sắp bước vào hành trình du học Canada.
Tuổi 18, Bermet Nurkamilova quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ sống ở nước ngoài bằng cách du học Canada. Năm đầu tiên ở trường đại học là một sự thay đổi lớn khi bạn phải đối mặt với cú sốc văn hóa và nỗi nhớ nhà. Có lúc muốn bỏ tất cả để trở về bên gia đình, nhưng bạn ấy đã kiên trì và bước ra khỏi vùng an toàn để kết bạn, tốt nghiệp cao đẳng, liên thông lên đại học và tìm được một công việc thực tập mơ ước.
Có thể nói, câu chuyện của Bermet Nurkamilova khá điển hình cho những gì mà sinh viên quốc tế trải qua ở Canada hay bất cứ một quốc gia du học nào khác. Và bạn không ngại chia sẻ hành trình mình đã đi qua với những khó khăn, thách thức và những bài học giúp chạm đến mục tiêu học thuật lẫn nghề nghiệp.
————————————————-
Mình sinh ra ở Bishkeck, thủ đô của Kyrgyzstan ở trung tâm châu Á. Mình đã chọn đến Canada vào năm 2018, một tuần sau khi bước sang tuổi 18. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, mình đã xem rất nhiều chương trình truyền hình thực tế về cuộc sống phương Tây và sớm bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây. Có thể vì vậy mà mình đã có ước muốn đi du học từ rất sớm. Mình đã mong được sống ở một đất nước như Mỹ.
Mình là con út trong gia đình và là người đầu tiên ra nước ngoài. Vì vậy, bố mẹ mình ủng hộ nhưng đó là một quyết định rất khó khăn đối với họ. Có những tranh luận về việc mình có nên đi hay không. Nhưng mình vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình. Mình đã định nộp đơn vào các trường học ở Mỹ, nhưng một người bạn của chị gái mình đến từ Canada đã gợi ý mình nên đến Canada vì cô ấy nghĩ rằng ở đó có môi trường sống tốt và an toàn, nền giáo dục không thua kém và cả rất nhiều cơ hội cho mình. Vì vậy, mình quyết định nộp đơn vào một trường Canada.
Mình muốn theo học đại học, nhưng kỹ năng tiếng Anh sơ cấp của mình đã không đáp ứng yêu cầu đầu vào cao bắt buộc. Cố vấn giáo dục ở quê nhà của mình nói với mình về Cao đẳng Fanshawe ở London, tỉnh Ontario. Mình quyết định nộp đơn và được nhận vào chương trình tài chính kinh doanh của họ. Mình nắm lấy cơ hội này và bắt đầu con đường học tập từ đó.
Sốc văn hóa năm thứ nhất
Mình đã sống ở ký túc xá trường trong năm đầu tiên nhưng thành thật mà nói, việc này không phải là một điều dễ dàng với mình. Đó là một cú sốc văn hóa lớn. Bạn cùng phòng của mình khá ồn ào và rất thích tiệc tùng. Mình nghĩ sẽ ổn thôi, giống như trong mấy bộ phim mình hay coi. Nhưng không đơn giản vậy, càng chịu đựng, mình càng cảm thấy chán nản, bất lực…
Ở quê nhà, mình lớn lên trong một gia đình nghiêm khắc. Xã hội của mình thì khá truyền thống và khép kín. Mọi người không thực sự thích tiệc tùng. Họ thích ở trong không gian yên tĩnh. Nhưng ở London, Đại học Western và Cao đẳng Fanshawe được biết đến có cộng đồng đa dạng và sôi động. Đó là một bất ngờ lớn đối với mình. Khi lần đầu tiên đến thành phố, toàn bộ London chìm trong màu tím và không khí náo nhiệt, tưng bừng. Mình nghĩ – trời ơi, chuyện gì đang xảy ra thế này?
Những tháng đầu tiên đó thật khó khăn và mình rất nhớ nhà. Mình phải gọi điện thoại qua mạng nói chuyện hàng ngày với gia đình để duy trì kết nối. Mình đã cân nhắc từ bỏ và trở về nhà khi kết thúc học kỳ đầu tiên. Nhưng bố mình đã nhắc về ước mơ cháy bỏng của mình. Bố nói tại sao mình lại bỏ cuộc chỉ vì một số trở ngại trên con đường của chính mình?
Học cách thích nghi với cuộc sống ở Canada
Học kỳ đầu tiên ở trường cao đẳng, mình khá im lặng. Mình không nói chuyện với mọi người vì sợ mình nói sai tiếng Anh và mọi người sẽ cười. Nhưng thực tế chẳng ai cười gì mình cả, mọi người vẫn rất thân thiện và hòa nhã. Trong học kỳ thứ hai, mình quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn và chủ động hơn. Mình bắt đầu nói chuyện với mọi người, làm công việc tình nguyện và kết nối với những sinh viên quốc tế khác, những người cũng giống như mình – rất ngại nói chuyện. Mình cần phải vượt lên chính mình. Và đó là cách mình tự thúc đẩy bản thân và thiết lập vòng kết nối bạn bè ở London.
Mình đã học được rất nhiều điều trong năm đầu tiên sống ở đây, như cách khai thuế, tìm việc làm, mua đồ tạp hóa và thanh toán hóa đơn. Khi mình trở về nhà 4 tháng vào mùa hè, mình nhận ra rằng mình nhớ Canada và sự độc lập của mình. Bố mẹ mình khá nghiêm khắc. Sẽ là 7 giờ tối và họ sẽ hỏi mình đang ở đâu, nhắc nhở mình về nhà. Nhưng ở Canada vào giờ đó, mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn! Mình bắt đầu nhớ sự tự do ở đó. Đó là khoảng thời gian mình nhận ra rằng mình không còn cảm thấy gắn bó với cuộc sống ở quê nhà.
Bắt đầu hành trình đại học
Sau hai năm ở Fanshawe, mình tốt nghiệp chương trình tài chính kinh doanh như lịch trình. Đó là năm 2020 và đại dịch đã bắt đầu. Tìm việc trong thời kỳ Covid thì không dễ dàng. Kế hoạch ban đầu của mình là làm việc khoảng một năm (theo Giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp) rồi nộp đơn xin thường trú nhân (PR) và học tiếp đại học để giảm chi phí. Nhưng do hoàn cảnh Covid đã khiến kế hoạch này bất thành, mình quyết định nộp đơn vào Đại học Western luôn.
Sau hai năm học tại Cao đẳng Fanshawe, mình được nhận vào năm 2 chương trình kinh tế của Đại học Western. Sau đó, mình chuyển sang chuyên ngành danh dự về kinh tế với chuyên ngành phụ về Phân tích và Ra quyết định. Tại đây, mình đã không ngại trở thành Giám đốc Đầu tư tại King’s Capital Markets, một trong những câu lạc bộ đầu tư do sinh viên Đại học Western thành lập, có danh mục đầu tư đang hoạt động trị giá 10.000 đô la. Mình cũng đã nỗ lực giành được các suất học bổng giá trị 5.000 CAD.
Khi trả lời cuộc phỏng vấn cuối tháng 3 này thì còn khoảng 2 tháng nữa, tức khoảng tháng 5 mình sẽ tốt nghiệp Đại học Western. |
“Hạ cánh” một công việc thực tập mơ ước
Điều khiến mình vui hơn là đã nhận được công việc bán thời gian đầu tiên từ một người giới thiệu. Trong khi làm tình nguyện, mình đã gặp một người làm giao dịch viên tại một ngân hàng lớn và mình hỏi liệu anh ấy có thể giới thiệu mình không. Điều đó dẫn đến công việc đầu tiên của mình. Mình cần kinh nghiệm ở Canada và nó đã giúp mình tạo một điểm nhấn trong bản lý lịch Canada để xin thực tập. Mình đã mất một thời gian dài khoảng 8 tháng – để biết được những gì nhà tuyển dụng Canada muốn thấy trong sơ yếu lý lịch ứng viên.
Mình nhận ra rằng mình cần thể hiện cách mình đóng góp vào dòng chảy công việc, cách mình chủ động và mình có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Lúc đó mình đang làm tình nguyện, làm việc bán thời gian và học tập. Điểm số của mình cao và mình đã tham gia các khóa học bổ sung ngoài giờ học của mình, chẳng hạn như khóa học về Chứng khoán Canada, Quỹ tương hỗ, Mô hình tài chính và Phân tích định giá… Điều này đã giúp mình nổi bật giữa nhiều người khác.
Mình đã nộp đơn cho khoảng 60 vị trí thực tập và được Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) mời về. Quản lý tiết lộ rằng mình được chọn vì họ thấy mình có thể làm rất nhiều việc cùng lúc, trong khi những người khác chỉ tập trung vào một việc.
Lời khuyên cho du học sinh đến Canada
Nếu bạn cũng đang cân nhắc chuyển đến Canada, mình khuyên bạn đừng ngần ngại và hãy mở lòng ra. Nếu bạn khép mình lại, bạn sẽ không tìm hiểu về những người khác hoặc những cơ hội đang mở ra cho mình. Hãy học cách chủ động, đặc biệt khi bạn là người hướng nội bạn càng nên quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn. Điều này giúp bạn cải thiện khả năng ngôn ngữ cũng như tìm hiểu về các cơ hội.
Khi mới đến, mình đã bỏ qua rất nhiều điều kiện tuyệt vời ở trường học của mình. Chỉ đến năm cuối mình mới bắt đầu tận dụng những gì trường học cung cấp. Các giáo sư cũng có thể giới thiệu cho bạn công việc. Nếu mình tìm hiểu kỹ những điều này, mình đã tiết kiệm thời gian tìm việc rất nhiều. Điều này đặc biệt đúng khi mình sống ở London vì đây là một cộng đồng nhỏ. Ví dụ, các giáo sư của mình biết các chuyên gia kinh doanh từ các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, và họ có thể giới thiệu sinh viên.
Hãy kiên cường, đi rồi sẽ đến!
Thành tựu lớn nhất của mình có lẽ là trong 2 tháng nữa mình sẽ nắm trong tay tấm bằng danh dự của Đại học Western. Mình tự hào về điều này bởi không phải ai cũng vượt qua được những khó khăn về mặt tinh thần khi phải xa gia đình, bạn bè và những thử thách trong học tập ở một quốc gia tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính của mình. Mình từng chứng kiến nhiều sinh viên đến học một năm, đến năm thứ hai thì bỏ vì không chịu nổi khó khăn.
Mình nhớ một câu nói của Mike Tyson rằng, “Mỗi người đều có một kế hoạch cho đến khi họ bị đấm vào mồm.”
Đó từng là cảm giác của mình và có thể cũng sẽ là của bạn – khi mình hồ hởi với kế hoạch xây dựng một cuộc sống tốt đẹp ở Canada, nhưng phải đối mặt với nhiều trở ngại, nó khiến mình cảm thấy như đang bị đấm vậy. Một số người bỏ cuộc, trong khi những người khác ở lại và vượt qua.
Mình thấy quyết định ở lại của mình là đúng đắn, mặc dù mình phải đối mặt với những thử thách. Mình tự nhủ rằng, hãy mạnh mẽ lên, vì sau cùng, mình có một mục tiêu dài hạn muốn hoàn thành. Mình đã phải học cách vượt qua trở ngại và chống lại mong muốn từ bỏ và rời đi. Và mình cảm thấy sự kiên cường là một kỹ năng sống thực sự hữu ích mà mình có thể mang theo trong suốt phần đời còn lại, bất kể mình đi đâu.
———————————————–
Du học ở bất kỳ quốc gia nào cũng tiềm ẩn những khó khăn và thử thách. Du học Canada cũng không ngoại lệ! Câu chuyện của Bermet là một trong số nhiều câu chuyện du học sinh vượt thử thách, theo đuổi khóa học đến cùng và tìm thấy sự thành công dù mới chỉ là bước đầu trong hành trình học tập và sự nghiệp. Du học thực sự có nhiều lợi ích, song nó không chỉ có “màu hồng”. Khó khăn, trở ngại là không thể tránh khỏi hoàn toàn. Song, thực tế có nhiều hướng đi và các giải pháp khác nhau giúp du học sinh hạn chế gặp cú sốc văn hóa năm nhất, hòa nhập nhanh hơn cuộc sống ở Canada.
Đây là lý do INEC luôn kết nối chặt chẽ với sinh viên để chọn trường học, ngành đào tạo, lộ trình phù hợp nhất với nguyện vọng, sở thích, tính cách, năng lực… cũng là cách giúp các em có động lực, hứng thú trong học tập. INEC luôn đồng hành cùng các em trang bị kiến thức về cuộc sống ở Canada để giảm bớt áp lực cho việc phải tự lập về nhiều thứ. INEC chú trọng duy trì kết nối, giúp đỡ các em trong suốt quá trình học tập để hỗ trợ kịp thời trong những tình huống không mong đợi.
Có thể đây là một phần lý do để đến nay, INEC tự hào đã chứng kiến nhiều thế hệ sinh viên chinh phục mục tiêu học tập, sự nghiệp và xin thường trú nhân ở Canada (PR) thành công.
Với các bạn du học sinh tương lai, nếu các bạn đang lên kế hoạch du học Canada và không biết nên bắt đầu từ đâu, chọn ngành học gì, đừng ngần ngại liên hệ INEC để được hỗ trợ tốt nhất cho hành trình mơ ước của mình nhé.
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline KV miền Bắc và Nam: 093 409 3223 – 093 409 8848
- Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
- Email: inec@inec.vn
- Chat ngay với tư vấn viên tại: /hoiduhoccanada