Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc, trong đó có một cộng đồng lớn người gốc Hoa, do đó, họ cũng ăn Tết Nguyên Đán và tết này được gọi là Chinese New Year theo “âm lịch” giống như Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác. Đây là một trong những ngày lễ lớn nhất của Malaysia với một số phong tục không thay đổi như lì xì, đoàn tụ gia đình, chúc tết người thân và bạn bè hay lễ hội múa lân, sư, rồng.
>> Petronas Twin Tower – niềm tự hào của Malaysia
Thủ đô Kuala Lumpur và đảo Penang là nơi mang đậm màu sắc của Tết Nguyên Đán do cộng đồng người Hoa đông đảo tại đây. Ngoài những hoạt động truyền thống, việc mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí cũng trở nên cực kỳ sôi động. Đến Malaysia thời gian này, bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng những màn trình diễn pháo hoa hoành tráng tại tháp đôi Petronas – niềm tự hào của người dân Malaysia.
Lịch sử của ngày Tết Nguyên Đán tại Malaysia
Truyền thuyết kể lại rằng, Tết Nguyên Đán tại Malaysia bắt nguồn từ cuộc chiến của con người và và một con quái vật thần thoại tên là Nian. Con quái vật này xuất hiện vào ngày đầu tiên của năm mới để ăn thịt vật nuôi, cây trồng và thậm chí là cả con người (đặc biệt là trẻ em). Vì vậy, người dân để thực phẩm của mình trước nhà với hy vọng là con quái vật sẽ ăn thức ăn và không tấn công con người.
Sau đó, người ta phát hiện ra rằng Nian sợ màu đỏ và tiếng ồn. Vì vậy, vào mỗi ngày đầu tiên của năm mới, người ta treo đèn lồng màu đỏ trên cửa sổ và đốt pháo để đuổi Nian đi, để nó không quay lại trong cả năm.
Các phong tục trong ngày Tết
Vào Tết Nguyên Đán, người Malaysia nhất là những người gốc Hoa sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa với mong muốn “quét sạch” sự xui xẻo của năm cũ để chào đón may mắn trong năm mới. Người ta cũng ưu tiên cho những đồ trang trí màu đỏ, trong đó có các câu đối chúc Tết với các chữ phổ biến là “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”.
Ở Malaysia, Tết cũng là ngày sum họp và đoàn tụ. Người ta cũng nấu các mâm cỗ để thờ cúng tổ tiên, lì xì cho những người chưa lập gia đình. Một điều thú vị là các công ty, doanh nghiệp sẽ xóa một phần hoặc toàn bộ các khoản nợ như một cách để mang lại may mắn cho người khác và cầu mong may mắn đến với mình. Tết là ngày mà các tổ chức từ thiện hoạt động để mang đến niềm vui cho những hoàn cảnh bất hạnh.
Đến chơi nhà một người Malaysia vào dịp Tết, bạn sẽ được tiếp đãi bằng rất nhiều món ăn và đồ uống ngon, và, đặc biệt là không thể thiếu những trái quýt!
Mặc dù Malaysia chỉ có 2 ngày nghỉ chính thức cho Tết Nguyên Đán nhưng các lễ hội thì có thể kéo dài tới 15 ngày sau đó!
>> Tips cần biết để nhanh chóng hòa nhập với văn hóa Malaysia
Bữa ăn đoàn tụ
Đêm trước năm mới, người Malaysia có một bữa ăn tất niên rất lớn được gọi là “Bữa ăn Đoàn tụ”. Bữa ăn này bao gồm tất cả các thành viên trong gia đình và bà con gần (cô, dì, chú, bác, anh chị em họ). Nhiều nhà hàng Trung Quốc có phục vụ các bữa ăn này cho những gia đình không muốn tổ chức tại nhà. Họ phục vụ một loạt các món ăn đặc sản và truyền thống của Trung Quốc từ thịt lợn, vịt, gà và các món ngọt. Các bữa ăn này luôn rất đông vui, náo nhiệt.
Múa lân, sư, rồng
Với du khách, đây là thời gian tốt nhất để thưởng thức không khí lễ hội truyền thống miễn phí và hoàng tráng nhất trong năm. Bên cạnh những món ăn ngon, nhiều gia đình mời những đoàn múa lân, sư, rồng để chào đón năm mới. Đó là một hoạt động sôi động với rất nhiều chũm chọe, cồng chiêng và ca hát, nhảy múa vào ban ngày và bắn pháo hoa vào ban đêm.
Mua sắm
Tết Nguyên Đán nói riêng và những ngày đầu năm nói chung là dịp để người ta mua sắm, vui chơi và giải trí. Cùng với các lễ hội, các trung tâm mua sắm cũng hoạt động sôi nổi vào những ngày này. Tuy nhiên, vào ngày đầu tiên và thứ 2 của năm mới, nhiều cửa hàng có thể đóng cửa và giao thông có thể hơi khó khăn một chút do lượng người rất lớn đổ ra đường.
(Theo malaysia-hotels.net)
Xem thêm về Du học Malaysia.
Liên hệ với đại diện tuyển sinh các trường Malaysia tại Việt Nam:
- Hotline KV miền Nam, miền Bắc: 093 409 4411
- Hotline KV miền Trung: 093 409 9070