Đầu tháng 9/2012, thông tin về Lê Hà Thanh Mai, cô sinh viên Việt Nam được Thủ tướng Singapore khen ngợi xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng của Singapore.
Những nỗ lực trong việc hòa nhập với môi trường mới, đang cùng lúc theo học hai văn bằng (cử nhân quản trị kinh doanh và cử nhân kinh tế) với thành tích học tập tốt, tích cực trong nhiều hoạt động sinh viên và cộng đồng, là những điểm cuốn hút ở cô sinh viên năm 3 đồng thời là chủ tịch Hội sinh viên quốc tế Trường đại học Quản trị Singapore (SMU).
Lê Hà Thanh Mai (bìa phải) trò chuyện cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (bìa trái) tại Văn phòng thủ tướng nhân dịp Quốc khánh Singapore.
Cảm xúc của Thanh Mai khi được gặp gỡ Thủ tướng Lý Hiển Long và khi được nhắc đến trong bài diễn văn của Thủ tướng?
-Tôi rất vui khi được Thủ tướng Lý Hiển Long nhắc đến trong bài phát biểu của ông. Tôi nghĩ rằng mục đích đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi đề cập đến câu chuyện của tôi là truyền cảm hứng và động viên các sinh viên nước ngoài nói chung đang sống và học tập tại Singapore, vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình thích nghi, hòa nhập với môi trường sống mới.
– Khi nhiều điều mới mẻ đến với cuộc sống của tôi, tôi phải nỗ lực nhiều để thích nghi và tôi đã có những người đồng hành tuyệt vời trên hành trình ấy đến tận hôm nay. Tôi muốn cảm ơn gia đình, bạn bè, các giảng viên – những người đã dạy dỗ tôi và cho tôi cơ hội để học tập, cống hiến.
– Dĩ nhiên, như bao người con, tôi rất vui khi trở thành niềm tự hào của gia đình. Các bậc cha mẹ hi sinh cho con cái rất nhiều và còn niềm hạnh phúc nào hơn khi được chứng kiến con cái thành công. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm không ngừng cố gắng để mang lại niềm hạnh phúc giản dị ấy cho đấng sinh thành.
– Và cuối cùng, tôi thật sự vinh dự khi những nỗ lực của bản thân có thể góp phần ghi dấu ấn đẹp về Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Lê Hà Thanh Mai – chủ tịch Hội sinh viên quốc tế Trường đại học Quản trị Singapore (SMU).
Thủ tướng Lý Hiển Long có nhận xét rằng Thanh Mai là sinh viên nước ngoài có quá trình học tập và hòa nhập đầy năng động trên đất nước Singapore. Những thử thách lớn nhất với bạn trong quá trình học tập và sống tại Singapore khi bạn đến nơi này năm 15 tuổi?
– Những thử thách đầu tiên tôi phải vượt qua là ngôn ngữ, văn hóa và học cách sống độc lập. Khi đến Singapore, tôi có thể viết tiếng Anh, nhưng kỹ năng nghe và nói tiếng Anh chưa thật tốt, đặc biệt là theo giọng tiếng Anh của người Singapore.
– Tôi không thể hiểu họ nói gì và cũng không diễn đạt được điều tôi muốn nói. Vì vậy, tôi nghĩ đến điều tôi muốn nói bằng tiếng Việt, dịch trong đầu rồi sau đó mới nói thành lời. Vậy nên phản xạ nói của tôi hơi chậm. Những khác biệt tế nhị trong cách nói và ứng xử của người Singapore cũng là thách thức với tôi trong quá trình hòa nhập.
– Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy ở trường cũng khiến tôi chật vật thích nghi trong năm đầu tiên. Còn trong sinh hoạt, tôi phải tự xử lý nhiều việc mà trước đây hầu như bố mẹ tôi lo hết như: giặt giũ, lau dọn nhà cửa…
Nếu chọn ba điều để chia sẻ với các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ du học, về bí quyết hòa nhập với môi trường sống, Thanh Mai sẽ chia sẻ những điều gì?
– Thứ nhất, hãy có một tâm hồn rộng mở để sẵn sàng học hỏi. Khi đến một đất nước khác học tập, bạn sẽ chứng kiến những ứng xử, những suy nghĩ khác với nếp nghĩ của bạn. Song, đừng vội kết luận điều gì mà hãy cố gắng giữ tâm hồn mình rộng mở để khám phá, trải nghiệm để hiểu về cuộc sống, văn hóa, lịch sử và tìm kiếm những động lực cho chính mình từ những người xung quanh và hoàn cảnh sống mới.
– Thứ hai, hãy chủ động! Bạn hãy chủ động trò chuyện, tương tác, tham dự các hoạt động cùng cư dân bản xứ.
– Thứ ba, hãy quyết tâm! Cuộc sống chắc chắn có nhiều thách thức. Nơi chúng ta học được nhiều điều nhất chính là những thất bại. Vì vậy, hãy vui mừng khi bạn gặp bất cứ thử thách nào vì khi đối diện với chúng, bạn sẽ rèn luyện tính kiên trì và khám phá những tố chất của bản thân. Những gì không thể khiến bạn gục ngã thì sẽ đồng thời giúp bạn mạnh mẽ hơn.
“Gia đình không ép buộc Mai bất cứ điều gì, từ việc chọn trường, chọn ngành đến cả chọn… người yêu. Nhưng trước những quyết định quan trọng, Mai thường nhờ ba mẹ tư vấn. Lúc đó, chúng tôi luôn cố gắng cùng Mai phân tích những thuận lợi và khó khăn, còn phần quyết định như thế nào là của Mai.
– Khi Mai giữ chức chủ tịch Hội sinh viên quốc tế Trường đại học Quản trị Singapore (SMU), Mai có hỏi ý kiến ba mẹ vì lo rằng sẽ ảnh hưởng đến điểm số học tập làm ba mẹ buồn. Tôi động viên con rằng nếu vì các hoạt động đó mà điểm thấp đi một chút thì cũng không sao vì tôi biết rằng tuy con sẽ bận rộn nhưng chắc chắn những phần việc ấy sẽ giúp con hòa nhập cuộc sống tốt hơn”, ông Lê Hữu Kiệm, ba của Lê Hà Thanh Mai.
“Mai tự lập và mạnh mẽ từ bé nên khi con du học năm 15 tuổi, gia đình rất yên tâm và tin tưởng vào con. Tôi cũng động viên con tiếp tục tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để giúp ích cho xã hội cũng như có thêm nhiều trải nghiệm quý giá trong cuộc sống, dù thực lòng thấy con đen nhẻm, gầy guộc sau những chuyến tình nguyện đến vùng sâu vùng xa thì xót lắm”, bà Hà Thị Liên, mẹ của Lê Hà Thanh Mai.
Một số thành tích và hoạt động của Lê Hà Thanh Mai
- Học bổng ASEAN
- Giải thưởng Mazarin cho top 5% sinh viên của trường khi theo học Trường Temasek Junior College (TJC) năm 2008-2009.
- Học bổng A*Star
- Hiện là thư ký ban sinh viên quốc tế, thuộc Hội sinh viên Trường đại học Quản trị Singapore (SMU).
- Tham gia tổ chức chương trình tình nguyện cho sinh viên quốc tế tại Huế năm 2010 (xây dựng sân chơi cho trẻ em mồ côi), tại Lâm Đồng năm 2011 (đào giếng cho người dân, xây nhà bếp cho nhà trẻ).
Theo Tuổi Trẻ