Thụy Sĩ, một quốc gia nhỏ bé nhưng có ảnh hưởng nằm ở trung tâm Châu Âu, nổi tiếng với cảnh quan đẹp tựa những tấm bưu thiếp, những ngọn núi ngoạn mục, pho mát ngon lành, socola béo ngậy, những chiếc đồng hồ chính xác và ngành dịch vụ đẳng cấp. Nhưng liệu đó có phải là tất cả về đất nước Thụy Sĩ?
Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch Thụy Sĩ, du học Thụy Sĩ hoặc đơn giản là chỉ muốn biết thêm về đất nước tuyệt vời này, chúng tôi đã tổng hợp tất cả thông tin về Thụy Sĩ mà bạn cần biết.
THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐẤT NƯỚC THỤY SĨ
Tên chính thức | Swiss Confederation (Liên bang Thụy Sĩ) |
Diện tích | 41.285 km² |
Thủ đô | Bern |
Thành phố lớn nhất | Zurich |
Chế độ chính trị |
Mô hình nhà nước liên bang. Cấu trúc nhà nước liên bang được phân thành ba cấp gồm: chính quyền liên bang (confederation), chính quyền bang (canton) và chính quyền xã (commune). |
Dân số | 8.825.536 người (09/01/2024) |
Ngôn ngữ chính thức | Tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, và tiếng Romansh |
Múi giờ | UTC+1 (CET)
Mùa hè (DST) UTC+2 (CEST) |
Đơn vị tiền tệ | Swiss Franc, 1 CHF = 28.670 VNĐ (10/01/2024) |
Với tổng diện tích 41.285 km², đất nước Thụy Sĩ chỉ nhỏ bằng 1/8 so với Việt Nam, và chỉ gần bằng diện tích bang New Jersey của Mỹ. Phần lớn diện tích Thụy Sĩ là đồi núi và cao nguyên, chỉ riêng dãy Alps chiếm đến khoảng 65% diện tích đất nước. Dân số Thụy Sĩ rất khiêm tốn, chỉ khoảng 8,8 triệu người, thế nhưng, Thụy Sĩ lại nằm trong top 20 quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh nhất trên thế giới.
Thụy Sĩ là quốc gia không giáp biển nằm trên ngã tư đường của Châu Âu, phía bắc giáp Đức, phía nam giáp Ý, phía tây giáp Pháp, giáp Áo cùng Liechtenstein về phía đông. Nước này thường xuyên dẫn đầu một vài số liệu về thành tựu quốc gia, bao gồm tính minh bạch chính phủ, tự do dân sự, chất lượng sinh hoạt, tính cạnh tranh kinh tế và phát triển con người.
Theo Educations Media Group, Thụy Sĩ được xếp hạng trong top 10 điểm đến học tập tốt nhất thế giới. Các lý do hàng đầu để sinh viên chọn du học Thụy Sĩ gồm có: sinh viên muốn đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình; để phát triển bản thân; trải nghiệm một nền văn hóa hoặc lối sống mới; tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao với phương pháp giảng dạy độc đáo; có một cuộc phiêu lưu mới; để kết bạn mới hoặc mở rộng mạng lưới kết nối nghề nghiệp của bản thân; học một ngôn ngữ mới.
Tham khảo: Trọn bộ thông tin du học Thụy Sĩ
Một quốc gia trung lập
Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập được biết đến nhiều nhất trên thế giới, dù trong quá khứ họ nổi tiếng với những đội quân đánh thuê thiện chiến nhất Châu Âu. Trong nhiều thế kỷ, quốc gia này đã tuân thủ chính sách trung lập về vũ trang trong các vấn đề toàn cầu. Tuy không phải là quốc gia trung lập duy nhất trên thế giới nhưng đây vẫn là quốc gia trung lập lâu đời nhất và được kính trọng nhất.
Suốt hơn 5 thế kỷ Thụy Sĩ gần như đứng ngoài mọi cuộc chiến, kể cả hai cuộc Chiến tranh Thế giới. Vào năm 1815, Thụy Sĩ chính thức được công nhận là một quốc gia trung lập vĩnh viễn. Mặc dù có vị thế trung lập lâu đời nhưng Thụy Sĩ vẫn duy trì lực lượng quân đội cho mục đích quốc phòng, yêu cầu tất cả nam giới trong độ tuổi từ 18-34 thực hiện nghĩa vụ quân sự bán thời gian.
Nhờ vị thế trung lập, nhiều tổ chức quốc tế lớn đã chọn đặt trụ sở tại Thụy Sĩ như Liên Hợp Quốc, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… Các tổ chức thường chọn Thụy Sĩ để ký kết các hiệp ước, nghị định, tổ chức các hội nghị, diễn đàn. Đặc biệt, trạng thái trung lập là bệ phóng cho ngành ngân hàng Thụy Sĩ phát triển và đạt danh tiếng như ngày nay. Thụy Sĩ vẫn là trung tâm số 1 thế giới giữ tiền cho các tài phiệt và giới nhà giàu, chiếm 1/4 tổng số tài sản toàn cầu.
Quốc khánh Thụy Sĩ
Quốc khánh Thụy Sĩ (Swiss National Day) là ngày lễ quốc gia của Thụy Sĩ, được ấn định vào ngày 1 tháng 8. Nó có những tên gọi chính thức khác nhau: Schweizer Bundesfeier (tiếng Đức), Fête Nationale Suisse (tiếng Pháp), Festa Nazionale Svizzera (tiếng Ý) và Fiasta naziunala Svizra (tiếng Romansh).
Thụy Sĩ là quốc gia trung lập, vì vậy ở đất nước này Quốc khánh không phải là ngày Độc lập mà nó gắn liền với Hiến chương Liên bang năm 1291, trong đó ba bang là Uri, Schwyz và Unterwalden đã ký một hiệp ước liên minh hỗ trợ lẫn nhau chống lại Đế chế Habsburg ngày càng hùng mạnh. Liên minh này đánh dấu sự khởi đầu rất sớm của cái mà ngày nay chúng ta gọi là Confoederatio Helvetica (Liên bang Thụy Sĩ).
Tuy nhiên, bất chấp nguồn gốc (rất) sớm này, phải mất một thời gian dài người Thụy Sĩ mới dành cho mình một ngày nghỉ để kỷ niệm ngày Quốc khánh của chính họ. Phải tới năm 1994, Schweizer Bundesfeier cuối cùng mới được coi là ngày nghỉ lễ trên toàn đất nước Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ nổi tiếng vì điều gì?
Từ địa danh đến xuất khẩu, Thụy Sĩ nổi tiếng với rất nhiều thứ. Điều này bao gồm:
- Socola Thụy Sĩ: Lindt, Nestlé, Milka, Toblerone…
- Phô mai Thụy Sĩ: Emmental và Gruyère, fondue và raclette
- Đồng hồ Thụy Sĩ: Rolex, Omega, Swatch, TAG Heuer…
- Dao quân đội Thụy Sĩ: được sản xuất từ năm 1897
- Dãy Alps: với những ngọn núi tuyết tuyệt đẹp Matterhorn, Jungfrau, Eiger
- Trượt tuyết: tại những khu nghỉ mát nổi tiếng như St. Moritz và Zermatt
- Các chuyến tàu ngắm cảnh: như Glacier Express và Bernina Express
Ý NGHĨA TÊN GỌI CỦA ĐẤT NƯỚC THỤY SĨ
Bạn có biết nguồn gốc của chữ viết tắt CH – tên miền internet cấp cao nhất của Thụy Sĩ và nhãn dán bắt buộc phải có trên tất cả các xe ô tô của Thụy Sĩ? CH có nghĩa là gì và tại sao chúng ta có thể đọc HELVETIA trên tiền xu và tem bưu chính Thụy Sĩ? Tại sao Sz và SUI đôi khi được sử dụng làm tên viết tắt của Thụy Sĩ?
Ngôn ngữ | Tên chính thức | Tên rút gọn | Tên viết tắt |
Tiếng Đức | Schweizerische Eidgenossenschaft | Schweiz | Sz |
Tiếng Pháp | Confédération Suisse | Suisse | SUI |
Tiếng Ý | Confederazione Svizzera | Svizzera | |
Tiếng Romansh | Confederaziun Svizzer | Svizra | |
Tiếng Anh | Swiss Confederation | Switzerland | |
Tiếng Latin | Confoederatio Helvetica | Helvetia | CH |
Ý nghĩa của Eidgenossenschaft là gì?
Trong tiếng Đức, Thụy Sĩ chủ yếu được nhắc đến bằng Schweiz (và schweizerisch cho người Thụy Sĩ), nhưng những người Đức gốc Thụy Sĩ thích cái tên chính thức Schweizerische Eidgenossenschaft (và eidgenössisch cho người Thụy Sĩ). Thuật ngữ tiếng Đức Eidgenonssenschaft/eidgenössisch trên thực tế chỉ được sử dụng ở Thụy Sĩ, nó được ghép từ các từ Eid (có nghĩa là lời thề) và Genossenschaft (có nghĩa là hiệp hội hợp tác hoặc cùng có lợi), vì vậy tên tiếng Đức chính thức của Thụy Sĩ Schweizerische Eidgenossenschaft đề cập đến sự khởi đầu huyền thoại của đất nước với lời thề tại Rütli.
Nguồn gốc tên hiện đại của Thụy Sĩ
Schweiz, Suisse, Svizzera, Svizra, Switzerland, Suiza, Svizrija… chỉ là một vài bản phiên âm bằng các ngôn ngữ khác nhau của Schwyz, từng là bang đứng đầu trong ba bang sáng lập nên vùng lãnh thổ quốc gia vào năm 1291.
Chữ viết tắt dựa trên tên hiện đại của Thụy Sĩ
- SUI [Suisse] (thể thao), có lẽ chữ viết tắt bằng tiếng Pháp này xuất phát từ việc ngôn ngữ chính thức đầu tiên của Ủy ban Olympic là tiếng Pháp
- Sz [Schweiz] (thỉnh thoảng được thấy trên các đài truyền hình Đức)
Helvetia (CH)
Để tránh thiên vị bất kỳ một ngôn ngữ nào trong bốn ngôn ngữ của đất nước, tiền xu, hóa đơn và tem bưu chính của Thụy Sĩ sử dụng thuật ngữ Latin Helvetia. Helvetia cũng là nhân vật nữ mang tính biểu tượng (tương tự như Nữ thần Tự do của Hoa Kỳ) xuất hiện từ cuối những năm 1600 và cũng được khắc họa trên số một số đồng xu Thụy Sĩ.
Confoederatio Helvetica (Helvetic Confederation) là tên đầy đủ của quốc gia theo tiếng Latin. Cái tên đó có nguồn gốc từ người Celtic Helvetii, những người đầu tiên đến khu vực này vào khoảng năm 100 trước Công nguyên. Helvetia cũng là tên La Mã của khu vực ngày nay là miền tây Thụy Sĩ. Chữ viết tắt quốc tế của Thụy Sĩ, CH, cũng xuất phát từ tiếng Latin Confoederatio Helvetica.
Thụy Sĩ hiện đại
Thụy Sĩ hiện đại đã duy trì thái độ trung lập bằng cách từ chối gia nhập Liên minh Châu Âu hoặc sử dụng đồng tiền Euro. Đồng franc Thụy Sĩ (CHF) đã được sử dụng từ năm 1850. Là một trong những loại tiền tệ mạnh nhất thế giới, 1 CHF từ lâu đã duy trì giá trị cao hơn 1 đô la Mỹ (USD).
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NƯỚC THỤY SĨ
Thụy Sĩ như chúng ta biết ngày nay đã phát triển chậm rãi qua nhiều thế kỷ, dần dần hình thành từ một vùng lãnh thổ chắp vá.
Lịch sử sơ khởi
Năm 58 trước Công Nguyên: Helvetii, một cư dân bộ tộc Celtic ở nơi ngày nay là Thụy Sĩ, bị quân đoàn La Mã dưới sự chỉ huy của Julius Caesar chặn lại khi cố gắng di cư vào miền Tây nước Pháp.
Năm 15 trước Công Nguyên: Quân đoàn của Augustus chinh phục bộ lạc Rhaeti trên núi cao ở vùng ngày nay là miền đông Thụy Sĩ. Trong những năm tiếp theo, toàn bộ lãnh thổ Thụy Sĩ được sáp nhập vào Đế quốc La Mã.
400-1000: Sự kết thúc của sự cai trị của người La Mã và sự xâm nhập của các bộ tộc người Đức kéo theo thời kỳ thường được gọi là Thời Trung cổ. Trong một khoảng thời gian ngắn khoảng năm 800, Charlemagne cai trị phần lớn Tây Âu, bao gồm cả Thụy Sĩ, nhưng đế chế của ông lại nhanh chóng tan rã. Một chế độ phong kiến phát triển. Các tu viện duy trì di sản cổ điển của việc học tiếng Latinh và phát triển các phương pháp nông nghiệp mới.
Thời Trung cổ
1291: Ngày truyền thống thành lập Liên bang Thụy Sĩ: ba cộng đồng nông thôn Uri, Schwyz và Unterwalden ở miền trung Thụy Sĩ cam kết thành lập một liên minh lâu dài để bảo vệ các quyền tự do của họ trước các lãnh chúa Habsburg. Liên minh này được xác lập bằng việc ký kết một văn kiện mà sau này được biết đến với tên gọi Hiến chương Liên bang. Lời thề thần thoại Rütli được cho là diễn ra vào năm 1307 nhưng không được đề cập trong văn bản cho đến năm 1470.
1307: Theo truyền thuyết, William Tell bị thống đốc Habsburg ép bắn một quả táo trên đầu con trai mình. Việc Tell giết chết thống đốc sau đó đã trở thành một phần huyền thoại về sự thành lập Liên bang.
1513: Thụy Sĩ giai đoạn đầu thành lập gồm 13 bang.
Sự cải cách
1523: Cuộc cải cách ở Zurich, do Huldrych Zwingli lãnh đạo. Zwingli bị giết trong trận chiến chống lại quân Công giáo từ miền trung Thụy Sĩ vào năm 1531.
1536: Cuộc cải cách ở Geneva, do người tị nạn tôn giáo người Pháp Jean Calvin lãnh đạo, người có học thuyết nghiêm khắc đã ảnh hưởng đến các nhà thờ Tin Lành ở nhiều quốc gia khác.
1618-48: Chiến tranh 30 năm tàn phá phần lớn Châu Âu, nhưng Thụy Sĩ vẫn giữ thái độ trung lập. Graubünden, lúc này không phải là thành viên của Liên minh, là chiến trường giữa quân đội Pháp và Áo-Tây Ban Nha vì tầm quan trọng chiến lược của nó.
1648: Hiệp ước Westphalia chấm dứt chiến tranh 30 năm; Các cường quốc Châu Âu chính thức công nhận nền độc lập của Thụy Sĩ.
Nhà nước liên bang
1798: Thụy Sĩ ngày nay bị quân đội cách mạng Pháp chiếm đóng và các trận chiến diễn ra trên đất Thụy Sĩ liên quan đến quân đội Áo và Nga. Cộng hòa Helvetic, một nước cộng hòa nghị viện tập trung dựa trên mô hình của Pháp, được thành lập với sự hậu thuẫn của Pháp.
1803: “Đạo luật hòa giải” của Napoléon khôi phục phần lớn hệ thống bang cũ sau khi Cộng hòa Helvetic tỏ ra không thể hoạt động được.
1815: Nền độc lập và trung lập của Thụy Sĩ được Quốc hội Vienna công nhận.
1848: Thành lập nhà nước Liên bang Thụy Sĩ, với hiến pháp mới và nghị viện liên bang.
1863: Doanh nhân người Anh Thomas Cook tổ chức chuyến du lịch “trọn gói” đầu tiên tới Thụy Sĩ – đó là sự khởi đầu của ngành du lịch hiện đại.
Thế kỷ 20
1914: Thụy Sĩ giữ thái độ trung lập trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
1939: Thụy Sĩ vẫn giữ thái độ trung lập trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
1963: Thụy Sĩ gia nhập Ủy hội Châu Âu.
1971: Thụy Sĩ trao quyền tuyển cử cho nữ giới.
1979: Một số khu vực của bang Bern giành được độc lập và hình thành bang Jura.
1989: Người dân và các bang bỏ phiếu tán thành thay đổi hoàn toàn Hiến pháp Liên bang.
2002: Thụy Sĩ trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc.
Thụy Sĩ là một thành viên sáng lập của Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu, song không phải là thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu. Tuy nằm ở trung tâm khu vực nhưng Thụy Sĩ không phải là thành viên của Liên minh Châu Âu. Dù vậy, pháp luật Thụy Sĩ dần được điều chỉnh để phù hợp với pháp luật Liên minh Châu Âu, và chính phủ đã ký kết một số thỏa thuận song phương với tổ chức này. Cho đến nay, Liên minh Châu Âu vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của đất nước Thụy Sĩ.
2005: Thụy Sĩ tham gia Hiệp ước Schengen.
CỜ THỤY SĨ VÀ Ý NGHĨA QUỐC KỲ CỦA ĐẤT NƯỚC THỤY SĨ
Cờ Thụy Sĩ hình vuông, nền màu đỏ với một chữ thập màu trắng nằm ngay trung tâm lá cờ. Bốn nhánh của chữ thập có chiều dài bằng nhau và không mở rộng ra đến tận mép lá cờ. Đây là một trong những lá cờ dễ nhận biết nhất trên thế giới, vì chỉ có Vatican và Thụy Sĩ là hai quốc gia có chủ quyền duy nhất được Liên Hợp Quốc công nhận sử dụng cờ hình vuông thay vì chữ nhật. Nó cũng ngược màu với cờ chính thức của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.
Lá cờ đỏ chữ thập trắng được công nhận là quốc kỳ Thụy Sĩ vào năm 1889, theo quyết định của Hội đồng Liên bang.
Theo Worldatlas, nguồn gốc của lá cờ đỏ với chữ thập trắng bắt nguồn từ trận chiến Laupen ở bang Bern năm 1339. Để phân biệt quân mình với quân địch trên chiến trường, binh lính Thụy Sĩ đã khâu một cây thánh giá màu trắng lên áo giáp. Vào năm 1815, người Thụy Sĩ đã tạo ra một lá cờ với phần nền màu đỏ, hình thập tự trắng nổi bật ở giữa. Khi đó, dấu hiệu hình chữ thập trên áo giáp, vũ khí của binh sĩ là hình vuông, nên họ đã lấy luôn hình vuông để tạo thành hình cho lá cờ. Cho đến sau này, Thụy Sĩ vẫn giữ nguyên thiết kế nhằm thể hiện sự tôn vinh với quá khứ.
Quốc kỳ Thụy Sĩ theo truyền thống tượng trưng cho tự do, danh dự và lòng trung thành. Trong thời hiện đại, thông qua sự liên kết với chính sách nhất quán của Thụy Sĩ, lá cờ cũng mang ý nghĩa trung lập, dân chủ, hòa bình và nơi trú ẩn.
Trên thực tế, không phải lúc nào lá cờ Thụy Sĩ cũng là hình vuông. Vào các kỳ Olympic, quốc kỳ Thụy Sĩ sẽ tung bay trong gió dưới hình dạng chữ nhật. Lý do là Ủy ban Olympic Quốc tế yêu cầu quốc kỳ của mọi quốc gia phải có cùng kích thước. Lá cờ hình vuông từng khiến Thụy Sĩ gặp rắc rối khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 2002, vì tất cả quốc kỳ được treo ở trụ sở phải có cùng kích thước. Hiện nay, cờ dân sự được các tổ chức phi chính phủ sử dụng hoặc treo trên các con tàu có thể biến tấu thành hình chữ nhật với tỷ lệ 2:3.
NƯỚC THỤY SĨ CÓ BAO NHIÊU BANG?
Thụy Sĩ là một quốc gia liên bang bao gồm 26 bang. Mỗi bang (canton) có quyền tự trị rất cao, với hiến pháp, chính phủ và có tòa án riêng. Các bang đều có cơ quan lập pháp đơn viện. Tùy theo mỗi bang, số lượng nghị viên có thể từ 58 tới 200 người. Tùy theo diện tích và dân số mà chức năng hành chính phân cấp cho mỗi bang sẽ khác nhau.
Mỗi bang được chia ra thành nhiều huyện (đơn vị hành chính giữa bang và xã). Tuy nhiên, có 12 bang không có đơn vị hành chính huyện.
Mỗi bang đều có nền văn hóa, tập quán truyền thống, ẩm thực, cờ và thậm chí cả những ngày lễ riêng. Tên của mỗi bang có chữ viết tắt gồm hai chữ cái (ví dụ Zurich = ZH) cũng như huy hiệu, cả hai đều có hình trên biển số xe ô tô.
Danh sách các bang của Thụy Sĩ
Bang / Viết tắt | Thủ phủ | Ngôn ngữ chính thức |
Aargau (AG) | Aarau | Đức |
Appenzell Ausserrhoden (AR) | Herisau / Trogen | Đức |
Appenzell Innerrhoden (AI) | Appenzell | Đức |
Basel-Stadt (BS) | Basel | Đức |
Basel-Landschaft (BL) | Liestal | Đức |
Bern (BE) | Bern | Đức, Pháp |
Fribourg (FR) | Fribourg | Pháp, Đức |
Genève (GE) | Genève | Pháp |
Glarus (GL) | Glarus | Đức |
Graubünden (GR) | Chur | Đức, Romansh, Ý |
Jura (JU) | Delémont | Pháp |
Luzern (LU) | Luzern | Đức |
Neuchâtel (NE) | Neuchâtel | Pháp |
Nidwalden (NW) | Stans | Đức |
Obwalden (OW) | Sarnen | Đức |
Schaffhausen (SH) | Schaffhausen | Đức |
Schwyz (SZ) | Schwyz | Đức |
Solothurn (SO) | Solothurn | Đức |
Sankt Gallen (SG) | St. Gallen | Đức |
Thurgau (TG) | Frauenfeld / Weinfelden | Đức |
Ticino (TI) | Bellinzona | Ý |
Uri (UR) | Altdorf | Đức |
Valais (VS) | Sion | Pháp, Đức |
Vaud (VD) | Lausanne | Pháp |
Zug (ZG) | Zug | Đức |
Zürich (ZH) | Zürich | Đức |
CÁC THÀNH PHỐ LỚN CỦA THỤY SĨ
Gần 3/4 người dân Thụy Sĩ sống trong hoặc xung quanh các trung tâm đô thị. Đất nước này có nhiều thành phố nhỏ hơn là những thành phố lớn (quy mô dân số trên 100.000 người). Hầu hết các thành phố của Thụy Sĩ đều nằm gần các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết hoặc ở những nơi có cảnh đẹp tự nhiên tráng lệ.
Zurich
Zurich nằm trên hồ cùng tên ở phía bắc miền trung Thụy Sĩ, cách biên giới Đức 24 km. Tiếng Đức là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong thành phố.
Zurich là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới, mặc dù nhỏ hơn nhiều so với các đối thủ trong lĩnh vực này như New York, London, Singapore và Hong Kong. ABB, UBS, Credit Suisse, Swiss Re, Zürich Financial Services có trụ sở chính tại thành phố và đây là một trong những thành phố nổi bật nhất toàn cầu khi nói đến ngành tài sản tư nhân.
Zurich cũng là nơi đặt Sở giao dịch chứng khoán Thụy Sĩ và là địa điểm hàng đầu thế giới về giao dịch vàng. Ngoài tài chính, Zurich nắm giữ thế mạnh công nghiệp trong các lĩnh vực như công nghiệp nhẹ, công nghiệp máy móc, dệt may và du lịch. Thành phố này nổi tiếng với môi trường an toàn, sạch sẽ, mang lại chất lượng cuộc sống cao. Nó cũng được đánh giá cao về chất lượng giáo dục, với Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ và Đại học Zürich được coi là một trong những cơ sở giáo dục đại học tốt nhất trên thế giới.
Geneva
Geneva được xem là một thành phố chính trị và ngoại giao, với Công ước Geneva là hiệp ước đặt ra các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về đối xử nhân đạo trong chiến tranh. Thành phố nằm ở phía tây Thụy Sĩ, gần biên giới Pháp (tiếng Pháp là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở đó). Giống như Zurich, Geneva nổi tiếng với chất lượng cuộc sống ấn tượng và nền giáo dục.
Geneva là nơi “đóng đô” của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có tổng hành dinh Châu Âu của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và Hội Chữ thập đỏ.
Ngoài chính trị, Geneva còn là một thành phố toàn cầu quan trọng về dịch vụ tài chính, đặc biệt là quản lý tài sản tư nhân và buôn bán hàng hóa (chủ yếu là cà phê, điện, ngũ cốc, dầu, thép và đường). Các thế mạnh công nghiệp khác của thành phố là chế tạo đồng hồ, mỹ phẩm, phần mềm, tổ chức sự kiện, du lịch và nông nghiệp.
Basel
Nằm ở mũi phía bắc của Thụy Sĩ gần biên giới Đức và trên sông Rhine, Basel nổi tiếng với các trường đại học (là nơi lâu đời nhất trong nước) và các bảo tàng. Vì thế, du lịch đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Basel. Tuy nhiên, giống như các thành phố quan trọng khác của Thụy Sĩ, tài chính là ngành quan trọng nhất, với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có trụ sở ở Basel.
Basel là trung tâm công nghiệp dược và hóa chất quốc gia, là nơi đặt trụ sở chính cho những công ty như Novartis, Roche và Lonza. Các ngành công nghiệp chủ chốt khác là nông nghiệp (đặc biệt là sản xuất lâm nghiệp hoặc gỗ), truyền thông, du lịch hàng không (Swiss International Air Lines nằm ở ngoại ô thành phố), hội chợ thương mại và sản xuất. Tiếng Đức là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Basel.
Bern
Thủ đô trên thực tế của Thụy Sĩ, Bern, là thành phố đông dân thứ tư cả nước, nơi có khu phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và được xếp hạng trong số 10 thành phố có chất lượng cuộc sống tốt nhất toàn cầu. Nơi đây có nền giáo dục được đánh giá cao, với các trường nổi tiếng là Đại học Bern và Đại học Khoa học Ứng dụng Bern.
Là thủ đô, Bern là trung tâm của các dịch vụ chính phủ quốc gia. Ngoài khu vực công, nền kinh tế của Bern phụ thuộc vào bán lẻ, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, du lịch, sản xuất, xây dựng, khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe.
Bern nằm ở trung tâm phía tây Thụy Sĩ, nằm giữa Zurich và Geneva. Tiếng Đức là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trong thành phố.
Lausanne
Lausanne nằm bên bờ hồ Geneva ở phía tây Thụy Sĩ, gần biên giới nước Pháp. Cũng như các thành phố lớn khác của Thụy Sĩ, nền kinh tế của thành phố phụ thuộc vào ngành dịch vụ tài chính, nhưng các thế mạnh khác là sản xuất, vận tải, CNTT, công nghệ sinh học và bán lẻ. Lausanne được coi là một trong những địa điểm phát triển nhanh nhất ở Thụy Sĩ.
Thành phố nằm giữa một vùng sản xuất rượu vang và là nơi quy tụ nhiều trường đại học cấp quốc tế, điển hình là Đại học Lausanne và trường Hospitality lâu đời nhất thế giới – EHL Hospitality Business School.
Bạn có thể xem thêm những thành phố khác:
KINH TẾ ĐẤT NƯỚC THỤY SĨ
Nền kinh tế Thụy Sĩ là một trong những nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao và thịnh vượng nhất thế giới. Quốc gia này đã đứng đầu thế giới kể từ năm 2015 về Chỉ số Đổi mới Toàn cầu và thứ ba về Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Thụy Sĩ là quốc gia không giáp biển giàu thứ ba trên thế giới sau Liechtenstein và Luxembourg. Thụy Sĩ là một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới theo xếp hạng GDP bình quân đầu người (92.000 USD vào năm 2022).
Chính sách an ninh tiền tệ và giữ kín bí mật ở ngân hàng làm cho Thụy Sĩ trở thành một địa điểm an toàn cho các nhà đầu tư. Do diện tích nhỏ và chuyên môn hóa trong lao động cao nên khoảng 74% GDP của Thụy Sĩ được tạo ra bởi ngành dịch vụ, chủ yếu là kinh doanh, tài chính và du lịch; 25% đến từ ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm và cơ khí/kim loại.
Ngành công nghiệp đồng hồ
Là nước xuất khẩu đồng hồ đeo tay cao cấp hàng đầu, các công ty Thụy Sĩ sản xuất hầu hết đồng hồ cao cấp trên thế giới. Những thương hiệu nổi tiếng có thể kể đến như Rolex, Patek Philippe, Swatch hoặc Richemont.
Các ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm, máy móc
Thụy Sĩ còn có một ngành công nghiệp rộng lớn với các công ty cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực khác nhau. Đáng chú ý nhất là chế biến thực phẩm như Nestlé, các nhà sản xuất máy móc và robot như ABB, Bobst SA và Stadler Rail, hóa chất sử dụng trong công nghiệp và xây dựng như Sika AG, hoặc thiết bị quân sự như Ruag. Thụy Sĩ cũng có một ngành công nghiệp dược phẩm cạnh tranh nhất trên thế giới. Các công ty dược phẩm lớn của Thụy Sĩ bao gồm Novartis và Roche.
Ngành dịch vụ tài chính
Một lĩnh vực khác tạo nên thương hiệu của Thụy Sĩ phải nhắc đến là tài chính và ngân hàng. Phần lớn lĩnh vực tài chính tập trung ở Zurich và Geneva. Zurich chuyên về ngân hàng (UBS, Credit Suisse, Julius Baer) bảo hiểm (Swiss Re, Zurich Insurance); trong khi Geneva chuyên về quản lý tài sản (Pictet Group, Lombard Odier, Union Bancaire Privée) và kinh doanh hàng hóa, tài trợ thương mại, vận chuyển. Các ngân hàng lớn trên thế giới, các công ty đa quốc gia chọn đặt trụ sở tại Thụy Sĩ vì tính trung lập và sự an toàn của đất nước.
Ngành nông nghiệp
Thụy Sĩ rất bảo hộ ngành nông nghiệp của mình. Phô mai và sữa là sản phẩm tiêu biểu của nền nông nghiệp Thụy Sĩ. Bên cạnh đó còn có ngành sản xuất rượu vang thượng hạng.
Ngành du lịch
Thụy Sĩ có tất cả những yếu tố thuận lợi nhất để có một ngành du lịch phát triển hàng đầu thế giới: các địa điểm đẹp, quốc gia an toàn luôn rộng cửa chào đón du khách, nhân viên chuyên nghiệp, dịch vụ đẳng cấp, cơ sở hạ tầng du lịch phát triển cao… Lĩnh vực này đóng góp cho nền kinh tế Thụy Sĩ khoảng 53,1 tỷ USD (chiếm 7,5% tổng GDP), tạo ra gần 485.000 việc làm (chiếm 9,5% tổng việc làm toàn quốc), theo World Travel & Tourism Council 2020.
Giao dịch hàng hóa
Thụy Sĩ là một trong những trung tâm giao dịch hàng hóa quan trọng nhất thế giới. Nó chiếm 4% GDP Thụy Sĩ (năm 2022). Thương mại dầu mỏ, kim loại, khoáng sản và nông sản của đất nước chủ yếu được điều phối ở các khu vực Geneva, Zug và Lugano. Đây cũng là một trung tâm giao dịch vàng lớn với một số nhà tinh chế lớn nhất bao gồm Valcambi, PAMP/MKS, Argor-Heraeus và Metalor.
Thụy Sĩ là thành viên của một số tổ chức kinh tế quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
GIAO THÔNG Ở THỤY SĨ
Giao thông công cộng Thụy Sĩ hiệu quả, đáng tin cậy, sạch sẽ, quan trọng nhất là an toàn. Bạn có thể đến hầu hết mọi nơi trên đất nước bằng xe buýt hoặc tàu hỏa – ngay cả những vùng núi xa xôi. Mọi người cũng thích đi bộ hoặc đi xe đạp.
Thụy Sĩ có mạng lưới đường sắt lớn và rộng khắp Châu Âu, với tổng chiều dài khoảng 5.100 km. Hầu hết các tuyến (khoảng 3.200 km) được vận hành bởi Đường sắt Liên bang Thụy Sĩ (CFF/SBB). Tàu Thụy Sĩ nổi tiếng với dịch vụ thường xuyên, an toàn và đúng giờ. Đây là phương tiện tốt nhất để di chuyển quãng đường dài. Bạn cũng có thể dễ dàng đi đến các nước khác nhờ kết nối đường sắt cao tốc, chẳng hạn như các chuyến tàu trực tiếp đến Paris, Nice của Pháp; Milan của Ý; Frankfurt, Berlin ở Đức; Amsterdam Hà Lan; Vienna Áo; Barcelona và Rome của Tây Ban Nha…
Mọi người thường sử dụng xe buýt để đến những nơi mà họ không thể đến được bằng tàu hỏa. Ở khu vực thành thị, mạng lưới xe buýt khu vực bổ sung cho dịch vụ đường sắt. Mặc dù không được sử dụng nhiều nhưng xe buýt ở Thụy Sĩ vẫn ở tình trạng tốt; họ có máy điều hòa và tùy thuộc vào hãng xe buýt, họ cũng có wifi. Giao tiếp sẽ không thành vấn đề vì tài xế xe buýt nói được ít nhất một ngoại ngữ.
Xe điện (trams) khá phổ biến ở các thành phố lớn của Thụy Sĩ như Zurich, Bern, Basel và Geneva. Chúng siêu tiện lợi và khá đúng giờ. Thuyền và phà là một phần không thể thiếu trong hệ thống giao thông công cộng và là một cách khác để bạn có thể di chuyển thuận tiện đến một địa điểm cụ thể, đặc biệt là khi du ngoạn trên sông, hồ.
Sử dụng taxi ở Thụy Sĩ khá đắt và rất khó để gọi taxi trên đường phố. Vì vậy, nếu bạn định đi taxi, bạn nên bắt xe ở bến taxi công cộng. Thành phố có giá vé taxi cao nhất là Zurich. Tuy nhiên, taxi Thụy Sĩ vẫn là một lựa chọn tốt, đặc biệt khi muốn đến nơi nào đó một cách nhanh chóng.
Mặc dù cáp treo không phải là một phần của hệ thống giao thông công cộng, nhưng có thể giúp bạn có một trải nghiệm trọn vẹn khi khám phá cảnh đẹp núi cao Thụy Sĩ.
Đất nước Thụy Sĩ có các sân bay quốc tế lớn là Zurich và Geneva, có ga tàu ngay tại sân bay và cách nhau chưa đầy 4 giờ. Các thành phố Basel, Bern và Lugano cũng có sân bay đón các chuyến bay quốc tế, nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Ý thức của người dân cao, văn hóa tham gia giao thông rất văn minh. Họ tôn trọng không gian chung, không gian cá nhân trên các phương tiện giao thông công cộng. Ở phần lớn khu vực, khi bạn muốn sang đường và đang đứng ở phần vạch qua đường dành cho người đi bộ, các phương tiện giao thông, xe cộ sẽ tự động dừng lại, nhường đường và chờ bạn qua đường hoàn toàn rồi mới tiếp tục chuyển bánh.
THỜI TIẾT VÀ KHÍ HẬU NƯỚC THỤY SĨ
Thụy Sĩ có khí hậu lục địa với mùa đông lạnh và mùa hè ấm áp.
Mùa xuân bắt đầu vào tháng 3 đến tháng 5, nhiệt độ từ 8°C đến 15°C. Thời tiết không chỉ ôn hòa và dễ chịu mà phong cảnh còn ngoạn mục với những cánh đồng hoa dại rực rỡ và những ngọn núi phủ tuyết trắng tạo nên phông nền hoàn hảo cho những bức ảnh đẹp như tranh vẽ. Vào thời điểm này, bạn có thể tham dự Lễ hội hoa tulip ven hồ Geneva, Lễ hội âm nhạc cổ điển ở Interlaken, và Zermatt Unplugged.
Mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình 18°C đến 28°C. Thụy Sĩ vào mùa hè là sân chơi cho vô số hoạt động. Bạn có thể lên kế hoạch cho nhiều hoạt động ngoài trời như đi bộ đường dài, đi xe đạp leo núi, đi cáp treo lên các điểm ngắm cảnh núi non hùng vĩ hoặc bơi trong những hồ nước đầy mời gọi, chơi dù lượn…
Mùa thu kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng 11, Thụy Sĩ khoác lên mình chiếc áo màu sắc của quả chín và những rừng cây thay lá. Những con đường mòn trở nên ăn ảnh hơn với những chiếc lá ngả vàng, không khí trở nên trong lành hơn và mọi thứ giống như một câu chuyện cổ tích. Tiết trời sang thu mang đến cảm giác như đồ ăn trở nên ngon hơn và rượu trở nên thơm ngọt hơn.
Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, nhiệt độ trung bình từ -2°C đến 7°C. Thụy Sĩ vào mùa đông biến thành xứ sở thần tiên với dãy Alps phủ đầy tuyết, những khu chợ Giáng sinh sôi động, vô số điểm tham quan và các hoạt động thể thao mùa đông đặc sắc.
Đừng bỏ qua: Những điều cần biết về bốn mùa Thụy Sĩ
TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI NƯỚC THỤY SĨ
Nhiều người gọi Thụy Sĩ là “small village”, nơi hầu hết mọi người đều thân thiện và thường xuyên chào hỏi nhau. Có nhiều yếu tố để định nghĩa Thụy Sĩ là một quốc gia, từ ẩm thực truyền thống, những hồ nước đẹp như tranh vẽ, những ngọn núi cho đến con người nơi đây. Vậy người Thụy Sĩ như thế nào và đặc điểm của họ là gì?
Đúng giờ: Đối với người Thụy Sĩ, người đúng giờ là người ân cần, và với sự đúng giờ của mình, họ thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Các chuyến tàu ở đây chính là hình ảnh thu nhỏ của sự đúng giờ.
Lịch sự và thân thiện: Người Thụy Sĩ coi việc chào hỏi những người họ gặp ở nơi công cộng là lịch sự. Tuy nhiên, họ tôn trọng quyền riêng tư, và những người lạ thường không phải nói chuyện với nhau.
Môi trường và hoạt động: Thụy Sĩ là nơi có có chất lượng cuộc sống cao, do đó, người dân thích đất nước họ sạch sẽ. Vứt rác ra đường là một hành vi bị pháp luật trừng phạt, nhai kẹo cao su ở nơi công cộng được coi là một hành động thô lỗ. Phần lớn người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ hoặc đi xe đạp để giữ không khí trong lành. Họ tôn trọng người cao tuổi, giữ trật tự và tôn trọng không gian chung.
Động vật và thú cưng: Thụy Sĩ có luật pháp và quy định chặt chẽ về bảo vệ động vật và họ không dung thứ cho bất kỳ hành vi tàn ác nào. Một trong những luật này là việc nuôi giữ các động vật “xã hội” – cá, chồn, chuột, vẹt, chuột lang, heo và các loài khác – là bất hợp pháp trừ khi chúng là một cặp. Nguyên tắc cơ bản là không ai được phép khiến động vật phải chịu đau đớn, tổn hại, khổ sở hoặc sợ hãi.
Dân cư
- Dân số hiện tại của Thụy Sĩ là 8.825.536 người, tương đương 0,11% tổng dân số toàn cầu (tính đến ngày 09/01/2024 dựa trên dữ liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc trên Worldometer)
- Mật độ dân số ở Thụy Sĩ là 223 người trên một km²
- 74,6% dân số tập trung ở thành thị
- Khoảng 25% dân số Thụy Sĩ sinh ra bên ngoài Thụy Sĩ
- Thụy Sĩ cũng có tỷ lệ nhập tịch cao, với khoảng 40.000 người trở thành công dân Thụy Sĩ mỗi năm
- Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có tuổi thọ người dân cao nhất trên thế giới – 84 tuổi
Ngôn ngữ
Do đặc trưng vị trí địa lý nên Thụy Sĩ là một quốc gia đa ngôn ngữ, với bốn ngôn ngữ chính thức: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Romansh.
Gần 64% dân số Thụy Sĩ nói tiếng Đức. Gần 23% người dân nói tiếng Pháp (chủ yếu ở phía tây Thụy Sĩ). Hơn 8% người nói tiếng Ý (phổ biến nhất ở miền nam bang Ticino. Chỉ một số ít (dưới 1%) người Thụy Sĩ nói tiếng Romansh.
Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở các khách sạn, nhà hàng và tại các địa điểm du lịch. Nó cũng được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy chính thức trong nhiều trường học.
Với ưu thế của một quốc gia đa ngôn ngữ nên đa số người dân Thụy Sĩ có thể sử dụng thành thạo ít nhất hai ngôn ngữ.
Ẩm thực
Ẩm thực Thụy Sĩ là sự kết hợp của ẩm thực Pháp, Đức và Ý. Chúng được đặc trưng bởi các nguyên liệu có nguồn gốc địa phương, chất lượng cao. Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như phô mai và sữa, đóng một vai trò quan trọng do truyền thống chăn nuôi bò sữa mạnh mẽ của Thụy Sĩ. Các thành phần chủ yếu khác bao gồm khoai tây, thịt (đặc biệt là thịt heo, thịt bò và thịt bê) và nhiều loại ngũ cốc. Ẩm thực Thụy Sĩ còn có sự phong phú của trái cây và rau quả tươi nhờ khí hậu đa dạng và đất đai màu mỡ của đất nước.
Thụy Sĩ nổi tiếng với nhiều món ăn đa dạng. Fondue – một món ăn được làm từ phô mai tan chảy, và rượu vang là một trong những món ăn mang tính biểu tượng nhất. Các món ăn Thụy Sĩ nổi tiếng khác bao gồm Raclette, Rösti và Zürcher Geschnetzeltes. Các loại bánh ngọt Thụy Sĩ như Bündner Nusstorte và Zuger Kirschtorte cũng được công nhận trên toàn cầu. Hơn nữa, socola và phô mai Thụy Sĩ đã nhận được sự hoan nghênh của quốc tế về chất lượng và hương vị đặc biệt.
Khi nói đến đồ uống, người Thụy Sĩ không khác nhiều so với các nước láng giềng. Họ yêu rượu vang như người Pháp và họ yêu thích bia như người Đức. Nhưng có một điểm khác biệt nhỏ ở rượu là họ thích rượu mới. Đồ uống nổi tiếng khác ở Thụy Sĩ là Liqueur.
Bữa sáng điển hình của Thụy Sĩ thường bao gồm Birchermüesli, một món ăn lành mạnh và thịnh soạn được làm từ yến mạch cán, táo nghiền, sữa đặc, nước chanh và các loại hạt. Ngoài ra còn có bánh mì mới nướng, bánh sừng bò và các loại bánh ngọt khác thường được thưởng thức với bơ, mật ong hoặc nhiều loại pho mát và mứt Thụy Sĩ. Họ dùng kèm với cà phê, trà hoặc socola nóng.
Người Thụy Sĩ yêu thích ẩm thực đến mức họ tổ chức các lễ hội ẩm thực, chẳng hạn như Lễ hội ẩm thực đường phố diễn ra ở Zurich.
Lễ hội
Thụy Sĩ không phải chỉ có lễ hội ẩm thực. Grindelwald World Snow Festival là lễ hội tôn vinh nghệ thuật băng giá, với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế trên khắp thế giới tạo ra các hình tượng và tác phẩm điêu khắc từ những khối tuyết cao ba mét. Sự kiện thường kéo dài trong 6 ngày.
Một lễ hội khác là International Balloon Festival được tổ chức tại làng Château-d’Oex. Trong 8 ngày, hơn 80 khinh khí cầu từ 20 quốc gia khác nhau bay trên dãy Alps đầy tuyết. White Turf là lễ hội đua ngựa, phục vụ đồ ăn ngon, âm nhạc sống động và lễ hội triển lãm nghệ thuật đầy cảm hứng, diễn ra ở St Moritz.
Những tháng ấm áp hơn là thời điểm rất hấp dẫn và sôi động trong năm. Bắt đầu từ tháng 3 cho tới tận tháng 9, có rất nhiều lễ hội mùa hè. Interlaken Music Festival là một lễ hội âm nhạc cổ điển quy tụ dàn nhạc và nghệ sĩ độc tấu từ khắp nơi trên thế giới. Lucerne Festival được tổ chức ba lần một năm nhưng phổ biến nhất là vào tháng 7, quy tụ hơn 120.000 du khách. Những lễ hội mùa hè khác là Montreux Jazz Festival, National Yodelling Festival ở Basel, Gstaad Menuhin Festival, Paléo Festival Nyon…
Cho đến nay, những lễ hội phổ biến nhất và thu hút nhiều người nhất là lễ hội ngoài trời ở Frauenfeld và Lumnezia, từng là nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ hiện đại nổi tiếng như Depeche Mode, The Killers, Gorillaz, Eminem…
Thể thao
Thể thao đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân Thụy Sĩ. Khoảng 75% người dân Thụy Sĩ thường xuyên luyện tập thể thao. Thụy Sĩ nằm trong số 10 quốc gia giành được nhiều huy chương nhất tại Thế vận hội Mùa đông và nằm trong top 25 tại Thế vận hội Olympic Mùa hè.
Người Thụy Sĩ thích chơi và xem bóng đá. Ước tính có 10.000 trận đấu diễn ra vào mỗi cuối tuần. Có hai giải đấu chính: Swiss Super League và Swiss Challenge. Thật không may, Thụy Sĩ vẫn chưa đạt được thành công lớn trên trường quốc tế nhưng thường xuyên lọt vào vòng chung kết World Cup. Có thể ít người biết rằng hai liên đoàn bóng đá quốc tế quan trọng nhất đã đặt trụ sở ở quốc gia Châu Âu này: FIFA ở Zürich và UEFA ở Nyon. Hơn nữa, Bảo tàng Bóng đá Thế giới FIFA cũng có trụ sở tại Zürich.
Phong cảnh và khí hậu là một điểm cộng lớn để Thụy Sĩ phát triển môn thể thao mùa đông là trượt tuyết. Quốc gia này đã có một số điểm đến trượt tuyết được nhiều người lui tới nhất trên thế giới, như Zermatt, Verbier, St. Mortiz, Andermatt, Saas-Fee, Arosa, Davos… Khoảng 37% dân số Thụy Sĩ thường xuyên trượt tuyết, tỷ lệ cao nhất trong số các nước Châu Âu khác. Tổng cộng, các vận động viên trượt tuyết Thụy Sĩ đã mang về nhà 59 huy chương Olympic.
Bạn có muốn biết trận đấu nào quy tụ gần 7.000 người hâm mộ Thụy Sĩ không? Các trận đấu khúc côn cầu trên băng của Thụy Sĩ đảm bảo sẽ lấp đầy các sân vận động và khiến khán giả phải ngồi theo dõi chăm chú trước TV. Đây là môn thể thao được yêu thích vào mùa đông nhưng cũng diễn ra vào mùa xuân và cuối mùa hè, với 16.000 trận đấu được diễn ra mỗi năm.
Ba môn phối hợp ở Thụy Sĩ là môn thể thao phổ biến bao gồm bơi lội, đạp xe và chạy. Một số sự kiện ba môn phối hợp nổi tiếng nhất ở Thụy Sĩ là Ironman Switzerland, Swiss Triathlon Series và Zurich Triathlon. Ba môn phối hợp là môn thể thao đòi hỏi sức bền, sức mạnh và kỹ năng, được nhiều người yêu thích như một cách để giữ dáng và khỏe mạnh.
Thụy Sĩ là quê hương của Roger Federer – cựu vận động viên quần vợt chuyên nghiệp, người được gọi với biệt danh là Tàu tốc hành. Đây cũng là nơi đặt “đại bản doanh” của Liên đoàn quần vợt quốc tế. Bộ môn quần vợt đang được người Thụy Sĩ ưa chuộng trong nhiều năm trở lại đây. Giải được nhiều người tham dự nhất là giải Swiss Indoor được tổ chức tại Basel.
Schwingen và Hornussen là những môn thể thao truyền thống của Thụy Sĩ, đặc biệt hấp dẫn du khách do các giá trị văn hóa. Schwingen có nguồn gốc từ các lễ hội đấu vật của thế kỷ 19, tôn vinh sự trưởng thành và tôn trọng của các cầu thủ. Hornussen là sự kết hợp giữa golf và bóng chày, bắt nguồn từ một cách để xua đuổi tà ma bằng cách đập những khúc gỗ đang cháy xuống thung lũng từ xa xưa.
Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ khác nhau tùy theo bang và kỷ niệm các sự kiện tôn giáo, lịch sử, văn hóa khác nhau. Một số ngày lễ được tổ chức trên khắp Thụy Sĩ, chẳng hạn như Lễ Phục sinh, Giáng sinh, Năm mới và Quốc khánh Thụy Sĩ.
Đây là những ngày lễ đặc trưng ở Thụy Sĩ:
- New Year’s Day: ngày 1 tháng 1
- Easter Monday (Oster Montag): ngày 13 tháng 4
- Ascension Day (Auffahrt): ngày 21 tháng 5
- Swiss National Day (Bundesfeier): ngày 1 tháng 8
- The Federal Fast (Buß-und Bettag): ngày 20 tháng 9
- Christmas Day (Weihnachten): ngày 25 tháng 12
Bài viết liên quan: 30+ sự thật thú vị về đất nước Thụy Sĩ
NỀN GIÁO DỤC CỦA NƯỚC THỤY SĨ
Thụy Sĩ là quốc gia có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel bình quân đầu người, sức cạnh tranh và hệ thống giáo dục thuộc hàng cao nhất thế giới. Vì không giàu có về tài nguyên nên giáo dục và kiến thức đã trở thành những nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Giáo dục tại Thụy Sĩ rất đa dạng, việc quản lý và điều hành hệ thống trường học ở Thụy Sĩ do các bang thực hiện. Có các trường học công lập, tư thục, trong đó có nhiều trường học tư nhân và quốc tế.
Giáo dục bắt buộc
Trẻ em ở Thụy Sĩ đi học mẫu giáo từ 4 tuổi, đánh dấu sự khởi đầu của chương trình giáo dục bắt buộc ở trường, thường kéo dài 11 năm, bao gồm giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Theo truyền thống, ngoại ngữ thứ nhất trong trường học luôn là một trong các ngôn ngữ chính thức khác của Thụy Sĩ, song gần đây tiếng Anh được đưa vào làm ngoại ngữ thứ nhất tại một số bang.
Các trường đại học và Viện Công nghệ Liên bang
Ở Thụy Sĩ, có 12 trường đại học được công nhận: 10 trường đại học cấp bang và 2 Viện Công nghệ Liên bang (FIT). Đây là những trường đại học hàn lâm truyền thống và chủ yếu tiến hành nghiên cứu cơ bản, trái ngược với các trường đại học khoa học ứng dụng chú trọng hơn vào giáo dục thực tiễn và chuyên nghiệp.
Đại học đầu tiên của Thụy Sĩ là Basel được thành lập vào năm 1460, có truyền thống nghiên cứu hóa học và y học. Đại học lớn nhất là Zurich với khoảng 25.000 sinh viên. Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich (ETHZ) và Đại học Zurich được xếp thứ 20 và 59 theo bảng xếp hạng học thuật ARWU 2023.
Ngoài các trường đại học định hướng nghiên cứu còn có các đại học khoa học ứng dụng (Fachhochschule). Trong nghiên cứu kinh doanh và quản trị, Đại học St. Gallen được xếp hạng 39 trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS 2023.
Cái nôi đào tạo ngành Hospitality
Thụy Sĩ có danh tiếng vượt trội về giáo dục đào tạo ngành Hospitality. Sở hữu trường Hospitality đầu tiên trên thế giới và chiếm phần lớn vị trí trong top 10 trường Hospitality tốt nhất toàn cầu: EHL Hospitality Business School (#1), SHMS Swiss Hotel Management School (#3), Les Roches Global Hospitality Management Education (#4), Glion Institute of Higher Education (#5), César Ritz Colleges Switzerland (#6), Hotel Institute Montreux (#7), Culinary Arts Academy Switzerland (#8), theo QS 2023.
Bài viết liên quan:
- Vì sao nên học ngành Hospitality ở Thụy Sĩ?
- Dự trù chi phí du học Thụy Sĩ
- ‘Săn’ học bổng du học Thụy Sĩ
- Quy trình xin visa du học Thụy Sĩ
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN DU HỌC THỤY SĨ TẠI INEC
Nếu bạn yêu mến đất nước Thụy Sĩ và muốn đến đây học tập, hãy liên hệ Du học INEC để được:
- Tư vấn chọn trường, chọn khóa học dựa trên sở thích và thế mạnh của bản thân
- Tư vấn xây dựng lộ trình du học tiết kiệm chi phí và thời gian
- Giới thiệu học bổng phù hợp và hỗ trợ săn học bổng
- Hướng dẫn nộp đơn, theo dõi hồ sơ, nhận thư mời nhập học
- Hỗ trợ tiến hành hồ sơ xin visa du học với tỷ lệ thành công đến 95%; nhiều sinh viên INEC được cấp visa du học Thụy Sĩ chỉ trong vòng 2-3 tuần làm việc (thay vì 8-12 tuần theo quy định của Lãnh sự)
- Luyện phỏng vấn visa, học bổng (nếu có)
- Hỗ trợ đặt vé máy bay, đăng ký đón sân bay cho tân du học sinh
- Hướng dẫn kỹ năng cho du học sinh trước khi lên đường
- Hỗ trợ thủ tục cho phụ huynh sang thăm du học sinh
- Kết nối và đồng hành với học sinh trong suốt quá trình học
Hãy tìm trường và khóa học phù hợp với bạn thông qua Công ty Du học INEC với 17+ năm kinh nghiệm tư vấn và tuyển sinh du học Thụy Sĩ!
Thông tin liên hệ:
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline KV miền Bắc & Nam: 093 409 2662 – 093 409 9948 – 093 409 9984
- Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
- Email: inec@inec.vn
- Chat ngay với tư vấn viên của INEC: me/tuvanduhocinec
Bài viết có tham khảo thông tin từ SWI swissinfo.ch, Studying in Switzerland, eda.admin.ch, Wikipedia