Sở hữu một bộ hồ sơ tốt và đầy đủ được xem là tiền đề vững chắc để xin visa du học thành công. Và visa chính là chìa khoá mở ra cánh cửa mới cho các bạn học sinh sinh viên bước vào cuộc sống du học đầy hứng khởi. Thế nhưng, theo con số thống kê của báo điện tử Dân trí thì cứ 1.000 sinh viên học sinh nộp hồ sơ xin visa thì có khoảng 300 bạn phải tạm hoãn ước mơ du học vì nhiều lý do, mà 80% trong số đó là do rớt phỏng vấn xin visa. Vậy những sai lầm thường gặp khi apply hồ sơ xin visa du học là do đâu?
Chuẩn bị hồ sơ không tốt
Hồ sơ du học được xem là yếu tố mang tính quyết định rất lớn để Lãnh sự quán xem xét việc bạn có được cấp visa du học hay không. Nguyên nhân thường gặp nhất khiến cho hồ sơ visa của bạn bị đánh trượt chính là thông tin không rõ ràng. Thông tin không rõ ràng ở đây nghĩa là thông tin không đúng, không khớp với những gì khai báo; hồ sơ học bạ chưa được công chứng; ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà… không chính xác.
Thông thường hồ sơ của bạn sẽ phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc thứ ngôn ngữ nơi bạn sẽ theo học. Bản học bạ thường được dịch theo một hình thức nhất định và nếu bạn tự tin với khả năng tiếng Anh của mình có thể tự dịch, nhưng phải chú ý là đúng theo mẫu sẵn có để hồ sơ được xem xét nhanh chóng hơn. Còn nếu bạn không tự tin thì có thể nhờ đến công ty du học để được hỗ trợ dịch thuật. Hồ sơ sau khi dịch cần phải được công chứng đầy đủ.
Điều đặc biệt là bạn nên nộp hồ sơ xin visa trước khi khóa học bắt đầu ít nhất là 3 tháng, đề phòng Lãnh sự yêu cầu bạn bổ sung thêm giấy tờ hay cần phải xác minh lại thông tin chính xác. Nộp hồ sơ sớm sẽ giúp bạn có thời gian để chuẩn bị và có sự điều chỉnh kịp thời.
“Nguyên nhân thường gặp nhất khiến cho hồ sơ visa của bạn bị đánh trượt chính là thông tin không rõ ràng.”
Không chứng minh được tài chính
Với nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, New Zealand… thì việc chứng minh tài chính là điều bắt buộc và ngày càng siết chặt do tình trạng mượn danh nghĩa đi du học để đi làm việc hoặc định cư bất hợp pháp ngày càng tăng cao. Chứng minh tài chính cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nguồn cung cấp kinh phí đầy đủ để chi trả các khoản học phí và chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học tập tại nước ngoài, đảm bảo việc bạn có thể tập trung vào việc học thay vì lo lắng đi làm thêm để có thêm thu nhập.
Chứng minh tài chính được thể hiện qua sổ tiết kiệm, thu nhập hằng tháng cũng như tài sản sở hữu. Bạn phải chứng minh được mối quan hệ giữa bạn và người chi trả tài chính cho bạn đi du học, số tiền hiện hữu trong sổ tiết kiệm… Thông thường, Đại Sứ Quán/ Lãnh Sự Quán sẽ yêu cầu số tiền trong sổ tiết kiệm tối thiểu phải bằng chi phí cho một năm học đầu tiên của bạn tại nước ngoài.
“Chứng minh tài chính ngày càng siết chặt do tình trạng mượn danh nghĩa đi du học để đi làm việc hoặc định cư bất hợp pháp ngày càng tăng cao.”
Ngoại ngữ chưa tốt
Tùy thuộc vào ngôi trường và quốc gia mà bạn chọn học thì yêu cầu đầu vào Anh ngữ là khác nhau. Thông thường để được xem là đủ điều kiện đi du học tại các nước nói tiếng Anh thì trình độ tiếng Anh của bạn cần ít nhất là IELTS 5.0 – 5.5 cho khóa tiền đại học và IELTS 6.0 cho chương trình sau đại học. Ví dụ như để đi du học Anh Quốc bạn buộc phải có IELTS và yêu cầu tối thiểu là 5.5 với những khóa học trước đại học, IELTS 6.0 cho chương trình Cử nhân và IELTS 6.5 cho khóa Thạc sỹ.
Một điểm nữa cần lưu ý đó là dù điểm tổng cao nhưng chỉ cần một trong số bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết có điểm thấp quá cũng ảnh hưởng đến việc xin visa. Nếu không tự tin với vốn ngoại ngữ của trường, bạn nên tham dự thêm khóa tiếng Anh ngắn hạn tại trường và một số khóa học dự bị phù hợp với chương trình học.
Chuẩn bị bài luận, bài giới thiệu bản thân không tốt
Một bộ hồ sơ xin visa được xem là tốt là khi bài luận giới thiệu bản thân hay kế hoạch học tập của bạn thể hiện thật tốt và logic. Những đề tài thường gặp nhất là tại sao bạn chọn học ngành đó? Tại sao bạn chọn học ở trường chúng tôi? Dự định của bạn sau khi hoàn thành khóa học là gì…? Bạn cần phải tìm hiểu kỹ về khóa học, về trường cũng như thể hiện thông tin thật chính xác và phù hợp. Hãy viết theo suy nghĩ thật của mình bằng nội dung chân thành nhất để gây ấn tượng với Lãnh sự, với trường.
Chọn ngành học không phù hợp với năng lực bản thân
Bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ và chọn ngành, chọn trường phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân mình. Bạn phải chứng minh được rằng mình thật sự yêu thích ngành học đó và bản thân mình phù hợp với ngành đã chọn. Bên cạnh đó, bạn cũng phải tìm hiểu kỹ về yêu cầu đầu vào của ngành tại trường dự định theo học để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ nhất. Ai cũng muốn học tại Đại học Havard, Cambridge, Oxford… nhưng không phải hồ sơ học tập nào cũng đạt tiêu chuẩn. “Biết người biết ta” sẽ giúp bạn “trăm trận trăm thắng”, nâng cao khả năng được cấp visa du học. Đừng chọn đại chọn bừa để rồi bị đánh rớt visa sẽ gây khó khăn cho việc xin visa du học sau đó.
“Ai cũng muốn học tại Đại học Havard, Cambridge, Oxford… nhưng không phải hồ sơ học tập nào cũng đạt tiêu chuẩn.”
Trả lời phỏng vấn không đạt yêu cầu
Tùy từng trường hợp và quốc gia chọn học mà bạn có bị yêu cầu phỏng vấn hay không (ví dụ bạn xin visa du học Anh Quốc thì nếu trên 18 tuổi, ngay khi nộp hồ sơ bạn sẽ phải trải qua vòng phỏng vấn với Lãnh Sự Quán). Kết quả phỏng vấn visa du học là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến visa của bạn có được cấp hay không. Do vậy, bạn cần chuẩn bị tâm lý, tinh thần thật tốt, vốn ngôn ngữ tốt, trả lời đúng trọng tâm, lưu loát, đầy nhiệt huyết về dự định và giấc mơ du học của mình nhằm gây ấn tượng tốt với người phỏng vấn.
Để hạn chế tối đa những sai sót không đáng có và nâng cao tỷ lệ thành công khi apply hồ sơ du học, bạn hãy nhờ đến công ty du học để được hỗ trợ tốt nhất, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí. INEC là công ty tư vấn du học uy tín với 10 năm kinh nghiệm, đã chắp cánh ước mơ du học cho biết bao học sinh sinh viên trên con đường học thuật của mình và được nhiều khách hàng tin tưởng. Liên hệ với chúng tôi qua:
- Hotline Tp.HCM: 093 938 1081
- Hotline Đà Nẵng: 093 409 9070
- Email:inec@inec.vn