Hệ thống tín chỉ là cách gọi tắt của phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Đây là phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Người ta còn gọi là Học chế tín chỉ để phân biệt với Học chế niên chế, Học chế học phần. Trên thế giới, phương pháp này được áp dụng ở cả bậc phổ thông và đại học. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chỉ có bậc đại học mới được áp dụng phương pháp này.
Lịch sử hình thành
Học chế tín chỉ được hình thành xuất phát từ việc đòi hỏi một quy trình đào tạo giúp mỗi sinh viên tìm được cách học thích hợp nhất cho mình, đồng thời, trường đại học cũng phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Khởi xướng cho hệ thống đào tạo mới này là Đại học Harvard vào năm 1872 với việc thay thế hệ thống chương trình đào tạo theo niên chế cứng nhắc thành hệ thống chương trình mềm dẻo cấu thành bởi các mô-đun mà mỗi sinh viên có thể lựa chọn một cách rộng rãi.
Đầu thế kỷ 20, hệ thống tín chỉ được áp dụng rộng rãi ở hầu như mọi trường đại học tại Mỹ. Sau đó, nhiều nước áp dụng hệ thống này trong toàn bộ hoặc một bộ phận của trường đại học của mình: các nước Bắc Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Singapore… Vào năm 1999, 29 bộ trưởng đặc trách giáo dục đại học ở các nước trong Liên minh châu Âu đã ký Tuyên ngôn Boglona nhằm hình thành Không gian Giáo dục đại học Châu Âu (European Higher Education Area) thống nhất vào năm 2010, một trong các nội dung quan trọng của Tuyên ngôn đó là triển khai áp dụng học chế tín chỉ (European Credit Transfer System – ECTS) trong toàn hệ thống giáo dục đại học để tạo thuận lợi cho việc cơ động hóa, liên thông hoạt động học tập của sinh viên trong khu vực châu Âu và trên thế giới.
>> Châu Âu: Lục địa của nền giáo dục chất lượng và cuộc sống đáng mơ ước.
Ưu điểm của Học chế tín chỉ
Hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên đạt được văn bằng đại học thông qua việc tích lũy các loại tri thức giáo dục khác nhau được đo lường bằng một đơn vị xác định, căn cứ trên khối lượng lao động học tập trung bình của một sinh viên, gọi là tín chỉ (credit).
Định nghĩa chính thức về tín chỉ phổ biến ở Mỹ và một số nước như sau: Khối lượng học tập gồm 1 tiết học lý thuyết (50 phút) trong một tuần lễ và kéo dài 1 học kỳ (15 – 18 tuần) thì được tính 1 tín chỉ. Các tiết học loại khác như: thực tập thí nghiệm, đi thực địa, vẽ, nhạc, thực hành nghệ thuật, thể dục… thì thường cứ 3 tiết trong một tuần kéo dài một học kỳ được tính một tín chỉ. Ngoài định nghĩa nói trên, người ta còn quy định: để chuẩn bị cho 1 tiết lên lớp, sinh viên phải bỏ ra ít nhất 2 giờ làm việc ở ngoài lớp.
Tín chỉ theo định nghĩa nói trên gắn với học kỳ 4 tháng (semester) được sử dụng phổ biến nhất ở Mỹ. Ngoài ra còn có định nghĩa tương tự cho tín chỉ theo học kỳ 10 tuần (quarter) được sử dụng ở một số ít trường đại học. Tỷ lệ khối lượng lao động học tập của hai loại tín chỉ này là 3/2.
Để có được bằng Cử nhân (Bachelor) sinh viên thường phải tích luỹ đủ 120 – 136 tín chỉ (Mỹ), 120 – 135 tín chỉ (Nhật Bản), 120 – 150 tín chỉ (Thái Lan)… Để đạt bằng thạc sĩ (Master) sinh viên phải tích luỹ 30 – 36 tín chỉ (Mỹ), 30 tín chỉ (Nhật Bản), 36 tín chỉ (Thái Lan)…
Theo ECTS của EU người ta quy ước khối lượng lao động học tập ước chừng của một sinh viên chính quy trung bình trong một năm học được tính bằng 60 tín chỉ.
Khi tổ chức giảng dạy theo tín chỉ, đầu mỗi học kỳ, sinh viên được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực và hoàn cảnh của họ và phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo một chuyên môn chính (major) nào đó. Sự lựa chọn các môn học rất rộng rãi, sinh viên có thể ghi tên học các môn liên ngành nếu họ thích. Sinh viên không chỉ giới hạn học các môn chuyên môn của mình mà còn cần học các môn học khác lĩnh vực, chẳng hạn sinh viên các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn cần phải học một ít môn khoa học xã hội, nhân văn và ngược lại.
Về việc đánh giá kết quả học tập, hệ thống tín chỉ dùng cách đánh giá thường xuyên, và dựa vào sự đánh giá đó đối với các môn học tích luỹ được để cấp bằng cử nhân. Đối với các chương trình đào tạo sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) ngoài các kết quả đánh giá thường xuyên còn có các kỳ thi tổng hợp và các luận văn.
Học chế tín chỉ cho phép ghi nhận kịp thời tiến trình tích luỹ kiến thức và kỹ năng của sinh viên để dẫn đến văn bằng. Với học chế này, sinh viên được chủ động thiết kế kế hoạch học tập cho mình, được quyền lựa chọn cho mình tiến độ học tập thích hợp với khả năng, sở trường và hoàn cảnh riêng của mình. Điều đó đảm bảo cho quá trình đào tạo trong các trường đại học trở nên mềm dẻo hơn, đồng thời cũng tạo khả năng cho việc thiết kế chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo đại học và giữa các ngành đào tạo khác nhau.
Học chế tín chỉ cho phép ghi nhận cả những kiến thức và khả năng tích luỹ được ngoài trường lớp để dẫn tới văn bằng, khuyến khích sinh viên từ nhiều nguồn gốc khác nhau có thể tham gia học đại học một cách thuận lợi. Về phương diện này có thể nói học chế tín chỉ là một trong những công cụ quan trọng để chuyển từ nền đại học mang tính tinh hoa (elitist) thành nền đại học mang tính đại chúng (mass).
Với học chế tín chỉ, sinh viên có thể chủ động ghi tên học các học phần khác nhau dựa theo những quy định chung về cơ cấu và khối lượng của từng lĩnh vực kiến thức. Nó cho phép sinh viên dễ dàng thay đổi ngành chuyên môn trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết mà không phải học lại từ đầu.
Với học chế tín chỉ, các trường đại học có thể mở thêm ngành học mới một cách dễ dàng khi nhận được tín hiệu về nhu cầu của thị trường lao động và tình hình lựa chọn ngành nghề của sinh viên.
Học chế tín chỉ cung cấp cho các trường đại học một ngôn ngữ chung, tạo thuận lợi cho sinh viên khi cần chuyển trường cả trong nước cũng như ngoài nước.
Với học chế tín chỉ, kết quả học tập của sinh viên được tính theo từng học phần chứ không phải theo năm học, do đó việc hỏng một học phần nào đó không cản trở quá trình học tiếp tục, sinh viên không bị buộc phải quay lại học từ đầu. Chính vì vậy giá thành đào tạo theo học chế tín chỉ thấp hơn so với đào tạo theo niên chế.
Nếu triển khai học chế tín chỉ các trường đại học lớn đa lĩnh vực có thể tổ chức những môn học chung cho sinh viên nhiều trường, nhiều khoa, tránh các môn học trùng lặp ở nhiều nơi; ngoài ra sinh viên có thể học những môn học lựa chọn ở các khoa khác nhau. Cách tổ chức nói trên cho phép sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi nhất và phương tiện tốt nhất cho từng môn học. Kết hợp với học chế tín chỉ, nếu trường đại học tổ chức thêm những kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng của người học tích luỹ được bên ngoài nhà trường hoặc bằng con đường tự học để cấp cho họ một tín chỉ tương đương, thì sẽ tạo thêm cơ hội cho họ đạt văn bằng đại học.
(Theo GS. Lâm Quang Thiệp)
Công ty Du học INEC
Tổng đài: 1900 636 990
Email: inec@inec.vn
Đăng ký tư vấn du học: https://goo.gl/VCAC6M