Ẩm thực Thụy Sĩ: 10+ món ăn truyền thống nhất định phải thử

Ẩm thực Thụy Sĩ là sự kết hợp đầy hấp dẫn của các truyền thống ẩm thực nước Đức, Pháp và Ý. Nền ẩm thực phong phú và đặc sắc đó khiến bất cứ ai du lịch hay du học Thụy Sĩ đều tự hỏi: Mình nhất định phải thử món ăn nào?

Chào mừng bạn khám phá ẩm thực nước Thụy Sĩ, một hành trình đầy ắp sự bất ngờ như những đỉnh núi Alps hùng vĩ. Đây không chỉ là một chuyến du ngoạn của các giác quan mà còn là một bức tranh sống động đầy tự hào về truyền thống lâu đời, nguyên liệu tươi ngon và triết lý “farm to table” nổi tiếng. Hãy để vị giác của bạn khám phá sự phong phú, đậm đà của nền ẩm thực Thụy Sĩ, vẽ nên một bức chân dung đầy mê hoặc về những món ăn “must try” và chia sẻ những tọa độ ăn uống lý tưởng. Dù bạn là một tín đồ ẩm thực, một người yêu thích nấu ăn tại nhà hay chỉ đơn giản là tò mò về văn hóa ẩm thực nước Thụy Sĩ, thì đây chính là cẩm nang giúp bạn hiểu và thưởng thức trọn vẹn những hương vị tuyệt vời.

Cheese fondue

Cheese fondue là món lẩu phô mai nức tiếng của Thụy Sĩ. Tên gọi của nó xuất phát từ “fondre” trong tiếng Pháp, có nghĩa là “làm tan chảy”. Có nhiều cách chế biến với nhiều loại phô mai khác nhau, nhưng sự kết hợp phổ biến nhất là phô mai Gruyère bào nhuyễn, Vacherin Fribourgeois và/hoặc Appenzeller. Phô mai được đun chảy cùng với rượu vang trắng và được phục vụ trong một chiếc nồi nước sốt, gọi là caquelon. Khi thưởng thức, thực khách dùng dĩa cán dài để xiên những viên bánh mì nhỏ rồi nhúng vào nồi phô mai nóng chảy. Nồi fondue được đặt trên bếp nhỏ có thể điều chỉnh độ lửa để giữ phô mai luôn ấm và mịn màng.

Vì là một món ăn khá béo, bạn có thể thưởng thức cùng với rượu vang trắng không ngọt, trà nóng hoặc thậm chí là một ly kirsch/kirschwasser (một loại rượu mạnh được chưng cất hai lần từ quả anh đào morello). Theo truyền thống Thụy Sĩ, trong lúc khuấy nếu ai đó làm rơi miếng bánh mì của mình vào nồi fondue, họ sẽ phải chịu một hình phạt nào đó. Hình phạt này thường khá nhẹ nhàng và vui vẻ, nhưng cũng không có quy tắc cố định, chẳng hạn như bạn có thể phải chạy chân trần trên tuyết lạnh vào ban đêm đấy!

Ẩm thực Thụy Sĩ
© Taste France Website

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Rosti

Rosti là một loại bánh khoai tây có thể dùng như món chính hoặc món ăn kèm. Khoai tây luộc nguyên vỏ, sau đó bóc vỏ, bào sợi rồi chiên với bơ để tạo thành một chiếc bánh tròn, dẹt. Khi dùng rosti như món chính, bạn có thể ăn kèm với trứng chiên, phô mai, rau củ, nấm hoặc thịt. Ngoài ra, rosti cũng là món ăn kèm hoàn hảo cho nhiều món chính như xúc xích, Geschnetzeltes (món thịt hầm kem) hoặc cá.

Hiện nay, mỗi vùng ở Thụy Sĩ đều có công thức chế biến riêng. Chẳng hạn, tại Bern, rosti thường được ăn kèm với phô mai, hành tây và thịt xông khói. Ở Zurich, người ta không nấu chín khoai tây trước khi bào. Là một món ăn đặc trưng của khu vực nói tiếng Đức, rosti còn được dùng để đặt tên cho Röstigraben – “ranh giới văn hóa” tượng trưng cho sự khác biệt ngôn ngữ giữa vùng nói tiếng Đức và tiếng Pháp của Thụy Sĩ. Ngày nay, rosti đã trở thành một trong những món ăn nổi tiếng nhất đại diện cho nền ẩm thực nước Thụy Sĩ.

Món ăn ngon ở Thụy Sĩ
© Sergii Koval

Raclette

Nếu bạn là một người yêu thích phô mai thì đây là món ăn ngon tuyệt khác không nên bỏ lỡ khi khám phá ẩm thực đất nước Thụy Sĩ .

Raclette là một loại phô mai bán cứng được làm từ sữa bò vùng Alpine. Tên món ăn này bắt nguồn từ “racler” trong tiếng Pháp, có nghĩa là “cạo”. Trong lịch sử, nó là món ăn chính của nông dân sống ở vùng Valais. Một bánh phô mai nguyên vẹn sẽ được làm nóng ​​trước ngọn lửa, sau đó người ta sẽ cạo phần phô mai tan chảy ra đĩa, ăn kèm với khoai tây, hành ngâm chua cùng dưa chuột muối.

Món ăn này ngon nhất khi dùng với rượu vang trắng địa phương, chẳng hạn như Fendant. Để trải nghiệm hương vị raclette truyền thống nhất, bạn nên thưởng thức tại bang Valais, nơi món ăn này ra đời. Trong khi fondue thường được coi là món ăn mùa đông thì raclette có thể thưởng thức quanh năm.

Raclette
© Switzerland Tourism Website

Muesli

Muesli, ở Thụy Sĩ gọi là Birchermüesli, là một món ăn sáng đơn giản nhưng bổ dưỡng. Nó là minh chứng cho triết lý đơn giản và lành mạnh của người Thụy Sĩ.

Muesli do nhà dinh dưỡng học người Thụy Sĩ Max Bircher-Benner sáng tạo ra vào đầu thế kỷ 20. Món ăn có tên “apple diet dish” này được ông phát triển như một phần của chế độ ăn thực phẩm tươi mới, ban đầu được phục vụ cho bệnh nhân tại các viện điều dưỡng như một bữa ăn tối dễ tiêu hóa.

Muesli là sự kết hợp tươi mát giữa yến mạch cán mỏng với sữa hoặc sữa chua ngâm qua đêm, tạo nên kết cấu mềm mịn, béo ngậy. Nguyên liệu quan trọng của món ăn này là táo bào sợi nguyên vỏ. Bạn có thể thêm một ít nước cốt chanh để táo không bị thâm, cân bằng vị ngọt tự nhiên của món ăn. Để thay đổi hương vị, bạn cũng có thể mix với những nguyên liệu bổ dưỡng khác như trái cây tươi cắt nhỏ hoặc trái cây khô, các loại hạt, thay thế sữa bằng mật ong.

Ngày nay, muesli đã trở thành một món ăn sáng phổ biến ở các nước phương Tây và đặc biệt được các vận động viên ưa chuộng nhờ giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.

Muesli
© Mrs Jones Kitchen Website

Socola

Không có quốc gia nào trên thế giới tiêu thụ socola nhiều như Thụy Sĩ, trung bình 11kg/người mỗi năm!

Socola Thụy Sĩ không chỉ là một món ăn, còn là một hình thức nghệ thuật, một ngành công nghiệp và một biểu tượng quốc gia. Các bậc thầy làm socola của Thụy Sĩ đóng vai trò tiên phong trong một số cải tiến giúp định hình nên ngành công nghiệp thú vị này, bao gồm phát minh ra socola sữa của Daniel Peter và Rodolphe Lindt sáng tạo ra quy trình conching mang lại cho socola kết cấu mềm, mịn khó lòng cưỡng lại.

Đặc trưng của socola Thụy Sĩ là có hàm lượng ca cao cao, sử dụng bột sữa nguyên chất chất lượng cao và kết cấu kem không gì sánh bằng. Đây là kết quả của các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt và sử dụng các phương pháp truyền thống đã được tinh chỉnh qua nhiều thế hệ.

Mỗi loại socola Thụy Sĩ đều mang đến trải nghiệm giác quan độc đáo nhất, dù đó là socola sữa mềm mịn, socola đen đắng đậm đà hay loại socola kem có hương hạt. Thưởng thức socola không chỉ là thỏa mãn sở thích ăn đồ ngọt mà còn là khoảnh khắc đồng điệu tuyệt đối với di sản và nghề thủ công nổi tiếng của người Thụy Sĩ. Sức hấp dẫn không thể phủ nhận này khiến nó trở thành một món quà được trân trọng, được mua về làm quà tặng người thân, bạn bè khi du lịch Thụy Sĩ.

Chocolate Thụy Sĩ
© Culinary Arts Academy Switzerland Fanpage

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Phô mai Thụy Sĩ

Không có gì thể hiện sự xuất sắc của ẩm thực nước Thụy Sĩ rõ ràng hơn những loại phô mai biểu tượng của quốc gia này. Với hơn 700 loại khác nhau, phô mai Thụy Sĩ không chỉ là một phần quan trọng trong văn hóa mà còn là di sản ẩm thực đáng tự hào.

Địa hình, khí hậu đa dạng đã tạo điều kiện để Thụy Sĩ sản xuất ra nhiều loại phô mai, mỗi loại mang một nét riêng. Trong số đó, Emmental, ở nhiều quốc gia thường gọi là Swiss cheese, có lẽ là loại nổi tiếng nhất thế giới. Điểm đặc trưng của Emmental là những lỗ lớn (hay còn gọi là “mắt phô mai”), hương vị hơi ngọt, béo bùi và kết cấu chắc nhưng mịn. Gruyère, một loại phô mai được yêu thích khác, có kết cấu kem mịn, vị thơm béo, càng ủ lâu càng đậm đà.

Ngoài ra còn có Appenzeller, một loại phô mai bán cứng được ngâm trong dung dịch thảo mộc bí truyền, tạo nên hương vị chua nhẹ, nồng đậm. Không thể không kể đến Vacherin Mont d’Or, một loại phô mai mềm béo ngậy, hay Sbrinz, một loại phô mai cực cứng với hương vị mạnh, thường được sử dụng giống như Parmesan.

Dù được thưởng thức trong fondue, bào nhỏ rắc lên rosti, kết hợp với rượu vang hảo hạng hay ăn riêng từng lát một, phô mai Thụy Sĩ mang đến cho bạn một trải nghiệm ẩm thực độc đáo, gắn liền với truyền thống lâu đời và là một phần không thể thiếu trong nền ẩm thực Thụy Sĩ.

Bạn biết không, người Thụy Sĩ cũng ăn rất nhiều phô mai, trung bình 23kg/người mỗi năm.

Phô mai Thụy Sĩ
© Shutterstock

Älplermagronen

Älplermagronen, hay còn gọi là Alpine Macaroni, là một kiệt tác kinh điển của ẩm thực Thụy Sĩ. Đây là một món ăn đặc trưng của vùng Alps, kết hợp khéo léo giữa mì ống, khoai tây, phô mai, hành tây và thường dùng kèm với sốt táo, tạo nên sự hòa quyện độc đáo của hương vị.

Theo công thức truyền thống, người ta luộc chung mì ống và khoai tây thái hạt lựu cho đến khi mềm. Hỗn hợp này sau đó được xếp thành từng lớp trong khay nướng với một lượng lớn phô mai béo ngậy. Khi nướng, lớp phô mai tan chảy, tạo thành lớp phủ vàng óng như gratin, thơm ngon hấp dẫn. Trong khi đó, hành tây được caramel hóa để làm lớp topping, giúp món ăn có vị ngọt nhẹ và chua thanh, cân bằng hoàn hảo với vị béo ngậy của phô mai. Một điểm đặc biệt khác là Älplermagronen thường được ăn kèm với sốt táo, mang lại một chút ngọt thanh, giúp món ăn thêm phần thú vị.

Ban đầu, Älplermagronen là một bữa ăn giàu năng lượng dành cho những người chăn nuôi gia súc ở vùng Alps, nhưng theo thời gian, nó đã trở thành món ăn quốc dân được yêu thích nhờ sự đơn giản, dễ làm, giá thành hợp lý và hương vị thơm ngon đặc trưng. Dù được phục vụ trong nhà hàng cao cấp hay chế biến tại nhà, món mì ống kiểu Alpine này vẫn là một minh chứng cho di sản ẩm thực Thụy Sĩ, với sự đề cao những nguyên liệu đơn giản, nhưng kết hợp đầy tinh tế và bổ dưỡng.

Văn hóa ẩm thực nước Thụy Sĩ
© Swissmilk Website

Saffron risotto

Saffron risotto là một viên ngọc ẩm thực đến từ bang Ticino của Thụy Sĩ, phản ánh sự giao thoa giữa ảnh hưởng ẩm thực Ý và sự tinh tế của Thụy Sĩ. Được biết đến ở Ý với tên gọi “Risotto alla Milanese”, món ăn này đã được người Thụy Sĩ biến tấu và trở thành một phần không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực của Ticino.

Quá trình chế biến saffron risotto kiểu Thụy Sĩ bắt đầu với việc xào hành tây trong chảo cho đến khi chúng trở nên mềm và trong suốt. Tiếp đến là rang nhẹ Arborio, một loại gạo hạt ngắn giàu tinh bột, để khóa lại hương vị và chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo: thêm rượu vang trắng chất lượng cao để tạo độ đậm đà cho món ăn.

Bí quyết làm nên kết cấu kem mịn hoàn hảo của risotto chính là việc thêm nước dùng nóng từng chút một, để hạt gạo từ từ hấp thụ chất lỏng và giải phóng tinh bột. Ở giai đoạn này sẽ thêm nghệ tây (saffron) – thành phần chủ đạo của món ăn. Những sợi nghệ tây rực rỡ không chỉ mang đến màu vàng óng bắt mắt mà còn tạo nên mùi thơm quyến rũ.

Khâu hoàn thiện món ăn này gồm rắc phô mai Parmesan để tăng chiều sâu hương vị và đôi khi thêm một chút bơ để tạo độ béo ngậy. Thành phẩm là một món saffron risotto kiểu Thụy Sĩ mềm mịn nhưng vẫn giữ được độ “al dente” (vừa chín tới) đặc trưng, thơm béo và tràn đầy hương vị. Bạn có thể dùng saffron risotto như món chính, ăn kèm với osso buco (chân bê hầm).

© World Food.Guide Website

Zurcher Geschnetzeltes

Zurich Ragout, hoặc Zürcher Geschnetzeltes, là một món thịt bê hầm sốt kem mang đậm hương vị ẩm thực Đức-Thụy Sĩ, với những nguyên liệu đặc trưng như mùi tây và vỏ chanh bào.

Dù có vẻ ngoài cầu kỳ nhưng Zürcher Geschnetzeltes lại rất dễ chế biến và nhanh chóng chiếm trọn cảm tình của thực khách ngay từ lần nếm thử đầu tiên. Món ăn này xuất hiện lần đầu tiên trong sách dạy nấu ăn vào năm 1947. Công thức ban đầu gồm thịt bê thái lát mỏng, rượu vang trắng, kem và demiglace (nước sốt cô đặc từ nước dùng thịt). Một số phiên bản hiện đại ngày nay có thể thêm nấm hoặc thận bê thái lát để tăng hương vị. Người Thụy Sĩ thường ăn kèm với bánh khoai tây rosti và uống cùng một ly rượu vang trắng Thụy Sĩ (hoặc có thể thử Pinot Grigio hay Grüner Veltliner).

Zürcher Geschnetzeltes không chỉ là niềm tự hào của người dân Zurich mà còn là một trong những món đặc trưng nhất của ẩm thực Thụy Sĩ, mang đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo và đầy lôi cuốn.

Văn hóa ẩm thực Thụy Sĩ
© hlphoto

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Riz Casimir

Ẩm thực Thụy Sĩ dù mang đậm bản sắc truyền thống vẫn không ngừng tiếp thu những ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới. Riz Casimir là một ví dụ, minh chứng cho sự giao thoa giữa ẩm thực Thụy Sĩ và Châu Á.

Ra đời vào những năm 1950 bởi chuỗi nhà hàng Thụy Sĩ nổi tiếng Mövenpick, Riz Casimir mang đến một trải nghiệm ẩm thực độc đáo, phản ánh xu hướng hội nhập ẩm thực toàn cầu của thời kỳ đó. Món ăn này gồm thịt gà mềm được phủ lên lớp cà ri sốt kem béo ngậy, ăn kèm với cơm trắng tơi xốp.

Điểm đặc biệt của Riz Casimir so với các món cà ri khác chính là phần trái cây trang trí. Những miếng dứa, chuối, đôi khi thêm chút cherry hoặc đào tạo nên sự đối lập thú vị giữa vị ngọt tự nhiên của trái cây tươi nhiệt đới và độ cay nhẹ của cà ri khiến bạn không ngừng phải xuýt xoa.

Dù được nấu tại nhà hay được thưởng thức tại một nhà hàng sang trọng, món ăn này sẽ đưa bạn vào một hành trình ẩm thực lý thú, từ những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng của dãy Alps hùng vĩ đến những khu chợ gia vị đầy sắc màu của Châu Á.

© Helvetic Kitchen Website

Zuger Kirschtorte

Zuger Kirschtorte, hay còn gọi là Zug Cherry Cake, là một biểu tượng của nghệ thuật làm bánh Thụy Sĩ. Xuất xứ từ thị trấn Zug nổi tiếng với rượu kirschwasser hảo hạng, chiếc bánh này thể hiện sự kết hợp hoàn hảo giữa hương vị, kết cấu và truyền thống, khiến nó trở thành một đặc sản trứ danh trong thế giới bánh ngọt Thụy Sĩ.

Không giống như những chiếc bánh trái cây thông thường, Zuger Kirschtorte có phần cốt bánh chính là genoise sponge, một loại bánh bông lan nhẹ và xốp được chia thành nhiều lớp, mỗi lớp đều được tẩm đẫm rượu kirschwasser giúp bánh có hương thơm đặc trưng và độ ẩm hoàn hảo. Xen giữa các lớp bánh là kem bơ mịn màng pha chút kirschwasser và một lớp mứt anh đào, mang đến vị chua ngọt để cân bằng độ béo của kem.

Bên ngoài, bánh được phủ một lớp marzipan (hạnh nhân nghiền mịn với đường), tạo nên một chút hậu vị bùi béo. Mặt trên của bánh thường được rắc đường bột và trang trí bằng socola, trong khi phần viền bánh được bao phủ bởi hạnh nhân lát rang giòn.

Sự kết hợp đầy đẳng cấp giữa các nguyên liệu đã tạo nên một bản giao hưởng hương vị: độ nhẹ của cốt bánh, độ béo mịn của kem bơ, vị chua ngọt từ anh đào và hương thơm ấm áp từ rượu kirschwasser, tất cả hòa quyện để lại hương vị thơm ngon nơi đầu lưỡi.

Dù được dùng trong những dịp lễ hội hay chỉ đơn giản là thưởng thức cùng một tách cà phê, Zuger Kirschtorte luôn mang đến một trải nghiệm ẩm thực tinh tế, đậm chất Thụy Sĩ.

© Mathias Neubauer

Bündner Nusstorte

Bündner Nusstorte, hay còn gọi là Engadiner Nusstorte, là món tráng miệng truyền thống được nhiều người yêu thích có xuất xứ từ bang Graubünden, Thụy Sĩ.

Điểm nhấn của Bündner Nusstorte là phần nhân, một giấc mơ dành cho những tín đồ của caramel. Hỗn hợp đường, kem tươi và mật ong được đun nhỏ lửa đến khi đạt màu vàng óng tạo nên hương vị đậm đà, ngọt ngào. Sau đó, trộn hạt óc chó băm nhỏ vào lớp caramel sánh mịn, giúp phần nhân có độ giòn bùi và hương vị thơm đặc trưng.

Phần nhân béo ngậy này được bọc trong một lớp vỏ bánh shortcrust bơ giòn tan. Bột bánh được cán mỏng, lót vào khuôn tart, sau đó đổ đầy phần nhân caramel-hạt óc chó. Bên trên bao phủ lớp bột bánh thứ hai, tạo thành một chiếc bánh tart hoàn chỉnh với nhân mềm dẻo bên trong và vỏ bánh giòn rụm bên ngoài. Bánh sau khi nướng có màu vàng nâu bắt mắt.

Dù không cầu kỳ, Bündner Nusstorte vẫn chiếm trọn tình cảm của người yêu bánh bởi sự hài hòa trong kết cấu và hương vị. Đây không chỉ là một món tráng miệng thơm ngon mà còn thể hiện sự trân trọng nguyên liệu địa phương và kỹ thuật làm bánh truyền thống của Thụy Sĩ.

© Kitchen Stories Website

Basler Mehlsuppe

Người ta từng nói rằng, một cô gái ở Basel chưa thể kết hôn nếu chưa biết cách nấu súp bột rang. Dù có nhiều cách chế biến khác nhau, nhưng công thức cơ bản nhất của món súp này chỉ gồm bột mì, bơ, hành tây và nước hầm xương bò, cuối cùng là rắc thêm một ít phô mai Gruyère để tăng thêm hương vị.

Theo truyền thuyết, súp bột rang được tạo ra một cách tình cờ khi một đầu bếp mải trò chuyện và để bột trên bếp quá lâu, khiến nó có màu nâu vàng. Thay vì bỏ đi, người đầu bếp này quyết định tận dụng và biến nó thành một món ăn ngon miệng, từ đó, món súp bột rang đã trở thành một phần của di sản ẩm thực Basel.

Món súp này là một phần không thể thiếu của Lễ hội Basel Carnival. Đúng 3 giờ sáng, lễ hội chính thức bắt đầu, mọi người cùng nhau thưởng thức những bát súp bột rang nóng hổi, đậm đà hương vị, trong không khí nhộn nhịp.

© qoqa.ch

Basler Läckerli

Basler Läckerli là một loại bánh quy truyền thống có nguồn gốc từ thành phố Basel, do những người buôn bán gia vị địa phương tạo ra cách đây hơn 700 năm. Bánh được làm từ mật ong, hạt phỉ, hạnh nhân, vỏ cam/vỏ chanh sấy khô và rượu kirsch. Bánh sau khi nướng có màu nâu, trông có vẻ khô cứng như thể chúng cần được ngâm trong sữa hoặc cà phê, nhưng điều tuyệt vời là chúng cực kỳ mềm, dai và đầy hương vị. Bánh sau khi nướng còn nóng sẽ được áo một lớp đường trắng bắt mắt và cắt thành từng miếng hình chữ nhật.

Ở Basel, bánh Basler Läckerli được sử dụng phổ biến nhất trong mùa lễ hội, mọi người dùng để làm quà tặng cho nhau. Tuy vậy, nó vẫn được sản xuất quanh năm nên bất kỳ khi nào bạn cũng có thể thưởng thức. Nếu muốn tăng mùi vị, bạn có thể nếm thử món bánh này cùng với rượu vang Pinot Gris hoặc Riesling.

Thụy Sĩ có đặc sản gì
© Culinary Wonderland Website

Có thể nói ẩm thực Thụy Sĩ luôn có thứ gì đó độc đáo, mới lạ nhưng vô cùng thú vị. Mỗi món ăn đều kể một câu chuyện, mỗi hương vị đều chứa đựng một phần di sản của Thụy Sĩ, mỗi thành phần đều nói lên cam kết của đất nước về chất lượng và truyền thống vô song. Nhưng để thực sự đánh giá ẩm thực Thụy Sĩ, bạn không chỉ đọc về nó, mà phải nếm thử nó. Vì vậy, hãy hòa mình vào bối cảnh ẩm thực đặc sắc này. Hãy tự tay nấu một số món ăn truyền thống này ở nhà, ghé thăm một nhà hàng Thụy Sĩ, hoặc tốt hơn nữa là lên kế hoạch cho chuyến đi đến Thụy Sĩ để thưởng thức những món ngon này trong khung cảnh tráng lệ của thiên nhiên, khai mở tâm hồn và đắm mình trong lòng hiếu khách đẳng cấp của Thụy Sĩ.

Và nếu bạn muốn đi du học Thụy Sĩ ngành Ẩm thực, Quản trị Dịch vụ Khách sạn, Du lịch & Dịch vụ khách hàng, Sự kiện, hãy liên hệ INEC để được hỗ trợ ngay hôm nay nhé!

  • Tổng đài: 1900 636 990
  • Hotline KV miền Bắc & Nam: 093 409 2662 – 093 409 9948 – 093 409 9984
  • Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
  • Email: [email protected]
  • Chat ngay với tư vấn viên của INEC: me/tuvanduhocinec

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Tin tức

Xem thêm