Philippines, tên chính thức là Cộng hòa Philippines, là một đảo quốc có chủ quyền tại Đông Nam Á. Philippines cách Đài Loan qua eo biển Luzon ở phía bắc; cách Việt Nam qua biển Đông ở phía tây, cách đảo Borneo qua biển Sulu ở phía tây nam, và các đảo khác của Indonesia qua biển Celebes ở phía nam; phía đông quốc gia là biển Philippines và đảo quốc Palau.
Philippines có diện tích 300.000 kilômét vuông (115.831 sq mi), là quốc gia rộng lớn thứ 64 trên thế giới, bao gồm 7.107 hòn đảo được phân loại phổ biến thành ba vùng địa lý lớn: Luzon, Visayas, và Mindanao. Thủ đô của Philippines là Manila, còn thành phố đông dân nhất là Quezon; cả hai thành phố đều thuộc Vùng đô thị Manila. Philippines có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học ở mức độ cao.
Thành phố Manila – Thủ đô của Philippines
Ngôn ngữ
Vào thời gian chuyển giao giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, liên tiếp diễn ra cách mạng Philippines; chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ; và Chiến tranh Philippines–Mỹ. Kết quả là Hoa Kỳ trở thành thế lực thống trị quần đảo. Vì vậy, tiếng Anh trở thành một trong những ngôn ngữ được nói nhiều nhất ở Philippines. Theo Hiến pháp Philippines 1987, tiếng Filipino và tiếng Anh là những ngôn ngữ chính thức của quốc gia này. Cả tiếng Filipino và tiếng Anh đều được sử dụng trong chính quyền, giáo dục, xuất bản, truyền thông, và kinh doanh. Philippines còn là quốc gia nói tiếng Anh tốt nhất Đông Nam Á.
Giáo dục
Văn phòng thống kê quốc gia báo cáo rằng tỷ lệ biết chữ giản đơn là 93,4% và tỷ lệ biết chữ chức năng là 84,1% vào năm 2003. Tỷ lệ biết chữ đối với nam và nữ là ngang bằng.[52] Chi tiêu cho giáo dục là khoảng 2,5% GDP. Ủy ban Giáo dục Đại học (CHED) liệt kê 2.180 cơ sở giáo dục bậc đại học, 607 trong đó là trường công và 1.573 là trường tư. Trường học khai giảng vào tháng 6 và bế giảng vào tháng 3. Đa số các trường bậc đại học theo lịch học kỳ từ tháng 6 đến tháng 10 và từ tháng 11 đến tháng 3. Có một số trường nước ngoài với các chương trình học tập.[82] Đạo luật Cộng hòa số 9155 cung cấp khuôn khổ giáo dục cơ bản tại Philippines và quy định giáo dục tiểu học bắt buộc và giáo dục trung học miễn phí.
Một số cơ quan của chính phủ có liên hệ với giáo dục. Bộ Giáo dục quản lý giáo dục tiểu học, trung học, và phi chính thức; Cơ quan phát triển chuyên môn giáo dục và kỹ năng (TESDA) quản lý đào tạo và phát triển giáo dục trung cấp sau trung học; và Ủy ban giáo dục đại học (CHED) giám sát các trường bậc đại học và chương trình.
Thiên nhiên xinh đẹp ở Cebu, Philippines
Đô thị
Vùng đô thị Manila đông dân nhất trong số 12 vùng đô thị được xác định tại Philippines và là vùng đô thị đông dân thứ 11 trên thế giới. Theo điều tra dân số năm 2007, vùng đô thị Manila có dân số là 11.553.427, chiếm 13% tổng dân số toàn quốc. Đại đô thị Manila bao gồm cả các tỉnh lân cận (Bulacan, Cavite, Laguna, và Rizal) có dân số khoảng 21 triệu.
Tổng sản phẩm khu vực của Vùng đô thị Manila theo ước tính vào tháng 7 năm 2009 là 468,4 tỷ peso (theo giá so sánh 1985) và chiếm 33% GDP của quốc gia. Năm 2011, nó được xếp hạng là quần thể đô thị thịnh vượng thứ 28 trên thế giới và đứng thứ hai tại Đông Nam Á, theo PricewaterhouseCoopers.
Kinh tế
Nền kinh tế quốc gia của Philippines lớn thứ 41 thế giới, theo ước tính, GDP vào năm 2013 là 272.207 triệu USD (2012 đạt 250.182 triệu USD và 2009 đạt 161.196 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Philippines bao gồm các sản phẩm bán dẫn và điện tử, thiết bị vận tải, hàng may mặc, các sản phẩm đồng, các sản phẩm dầu mỏ, dầu dừa, và quả. Các đối tác thương mại lớn của Philippines bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Hong Kong, Đức, Đài Loan và Thái Lan. Đơn vị tiền tệ quốc gia là peso Philippines (₱ hay PHP).
Philippines là một quốc gia công nghiệp mới, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ dựa vào nông nghiệp sang dựa vào các ngành dịch vụ và chế tạo. Tổng lực lượng lao động trên toàn quốc là khoảng 38,1 triệu, lĩnh vực nông nghiệp sử dụng gần 32% lực lượng lao động song chỉ đóng góp 14% GDP. Lĩnh vực công nghiệp thu hút gần 14% lực lượng lao động và đóng góp 30% GDP. 47% lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực dịch vụ và đóng góp 56% GDP.
Nền kinh tế của Philippines ngày một phát triển
Kinh tế Philippines dựa nhiều vào kiều hối, nguồn ngoại tệ từ kiều hối vượt qua cả đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các khu vực phát triển không đồng đều, đảo Luzon mà đặc biệt là Vùng đô thị Manila giành được hầu hết tăng trưởng kinh tế so với các khu vực khác, song chính phủ có những bước đi để phân phối tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng đầu tư vào các khu vực khác của quốc gia. Bất chấp các hạn chế, các ngành dịch vụ như du lịch và gia công quy trình nghiệp vụ, được xác định là các khu vực có một số cơ hội tăng trưởng tốt nhất. Goldman Sachs xếp Philippines vào danh sách các nền kinh tế “Next Eleven”.
Goldman Sachs ước tính rằng vào năm 2050, Philippines sẽ là nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới. HSBC cũng phác thảo rằng nền kinh tế của Philippines sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới, lớn thứ 5 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2050.Philippines là thành viên của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Phát triển châu Á với trụ sở tại Mandaluyong, Kế hoạch Colombo, G-77, và G-24. ( Xem thêm du học Philippines)
(Nguồn: Wikipedia)