Khám phá văn hóa ăn uống, ẩm thực của nước Đức

Khi du học Đức, HSSV sẽ đến với một quốc gia hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ, thời tiết, văn hóa và ẩm thực. Lúc này, sinh viên phải tạm biệt những món ăn quen thuộc để nếm thử những hương vị mới, có thể sẽ lạ lẫm khiến các em bối rối. Mỗi một quốc gia đều có những món ăn được xem là “quốc hồn quốc túy”, vì vậy sẽ vô cùng đáng tiếc nếu không thể vượt qua chướng ngại mà thưởng thức trọn vẹn hương vị. Muốn nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi không hề khó, quan trọng là sinh viên có chuẩn bị đầy đủ hiểu biết cơ bản để sẵn sàng đối mặt với thử thách ban đầu hay không. Bài viết dưới đây sẽ giúp các em làm được điều đó khi đề cập đến những nét chính về văn hóa ẩm thực của Vương quốc Bia!

Phần 1: Người Đức thường dùng những bữa nào trong ngày?

Bữa sáng (Frühstück)

Bữa sáng đặc trưng ở Đức là sẽ bắt đầu với các đồ uống nóng như cafe, trà hoặc cacao. Tiếp theo đó là bánh mì ăn kèm với bơ, mứt, mật ong, phomai hay xúc xích. Một số người dân thích thưởng thức nước ép hoặc ngũ cốc với nhiều loại hình đa dạng. Trong đó, Müsli – hỗn hợp với thành phần chính là ngũ cốc, trái cây sấy khô rất được yêu thích. Món này thường được trộn với sữa chua hoặc sữa và trái cây tươi. Đây là thực phẩm không chỉ ngon mà còn vô cùng lành mạnh và là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích ngũ cốc có đường.

Bữa sáng kiểu mới

Với lối sống bận rộn ngày nay thì càng lúc càng nhiều người dân tại Đức muốn thưởng thức bữa ăn sáng đơn giản hơn. Trong thời gian du học Đức, sinh viên có thể dễ dàng nhìn thấy những người trẻ tuổi thưởng thức ngũ cốc nhiều hơn là có một bữa ăn sáng phong phú với bánh mì, phomai và xúc xích. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bữa sáng truyền thống mất dần chỗ đứng mà nó vẫn hiện hữu mạnh mẽ trong cuộc sống của người Đức, đặc biệt là vào dịp cuối tuần khi mà mọi người có nhiều thời gian hơn. Các cửa hàng bánh mì luôn có ở mỗi góc phố nên sinh viên có thể mua được bánh mì mới nướng vào thứ Bảy và Chủ nhật để thưởng thức trọn vẹn vị ngon nóng hổi. Bên cạnh đó, người Đức cũng thích ăn trứng vào buổi sáng, thường gặp nhất là trứng luộc chín, trứng chiên hoặc trứng omlet.

Điểm tâm nhẹ giữa buổi (Zweites Frühstück / Pausenbrot)

Người Đức có rất nhiều từ để mô tả bữa ăn giữa các bữa chính. Không giống những bữa ăn nhanh không lành mạnh, ăn nhẹ được khuyến khích để ngăn việc ăn quá nhiều vào bữa chính và vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho người dân. Một bữa ăn nhẹ giữa thời gian buổi sáng và trưa là truyền thống từ lâu của các trường học ở Đức, được gọi là Pausenbrot hoặc Zweites Frühstück có nghĩa là “bữa sáng thứ hai”. Lý do là vì các học sinh ở Đức không ăn bữa chính tại trường, vì vậy sẽ khá lâu để các em trở về nhà và ăn trưa.Vì vậy, những bữa ăn này để đảm bảo học sinh có đủ năng lượng để tập trung vào việc học với những món ăn thường thấy là sandwich, trái cây, sữa chua hoặc ngũ cốc.

Bữa ăn nhanh (Zwischenmahlzeit)

Cũng như trẻ em, người lớn ở Đức cũng có nhu cầu lưu giữ năng lượng luôn ở mức cao để lao động hiệu quả. Nếu như các bé có Pausenbrot thì người lớn có Zwischenmahlzeit hay còn được gọi là Brotzeit, Vesper để lấy lại sức lực trong những giờ làm việc trước khi đến với bữa ăn chính.

Bữa trưa (Mittagessen)

Theo truyền thống thì người Đức sẽ ăn bữa trưa trong thời gian từ 12-14g mỗi ngày với những món ăn điển hình là khoai tây chiên và xúc xích để khai vị, theo sau là mì rau xay Spätzle hoặc cá và khoai tây nghiền. Thịt được ăn hầu hết các ngày trong tuần, đặc biệt là thịt lợn và gà. Rau cũng có sức ảnh hưởng tương tự trong ẩm thực của đất nước này với những loại tiêu biểu là đậu xanh, cà rốt, cải bắp và đậu Hà Lan. Người dân nơi đây đặc biệt thích khoai tây và chế biến khá đa dạng ở nhiều hình thức như chiên, nghiền hay làm bánh.

Bữa tối (Abendbrot)

Đây là một bữa ăn nhẹ thường diễn ra từ lúc 18-19g mỗi ngày. Nguyên nhân là vì người Đức ăn khá nhiều vào cả ngày nên bữa tối không còn được quá chú trọng. Một bữa tối nhệ điểm hình sẽ gồm bánh mì, phomai, phile cá, xúc xích, mù tạt và dưa chua (phổ biến nhất là dưa leo). Đồ ăn kèm sẽ có salad hoặc canh, tùy theo mùa. Bên cạnh đó, người Đức cũng thường dùng thêm đồ uống có gas, nước trái cây cho trẻ em và bia, rượu vang cho người lớn.

Cafe và bánh ngọt (Kaffee und Kuchen)

Đây là nét văn hóa khá giống với thói quen dùng trà chiều của người Anh, khi người dân Đức dành thời gian từ khoảng giữa đến cuối buổi chiều để thưởng thức các món bánh tự làm và trò chuyện cùng bạn bè, gia đình. Những loại bánh tiêu biểu sinh viên thường thấy nhất là là Black Forest, Bee Sting, Tart táo hoặc mận và bánh phomai. Nếu mọi người không có thời gian tự nướng bánh thì có thể mua ở những cửa hàng bánh ngọt đa dạng trên phố, nơi nổi tiếng với những loại bánh tiêu biểu của nước Đức là bánh hạt dẻ và bánh táo.

Đi kèm với những loại bánh ngọt hấp dẫn thì còn gì tuyệt vời hơn một tách cafe nóng hổi. Tại Đức, sinh viên sẽ được thưởng thức hương vị của cafe đen hòa quyện với vị ngọt béo của kem hoặc sữa đặc. Trong một thập kỉ gần đây thì trà đã phổ biến hơn, đặc biệt là ở Ostfriesland. Tại thành phố này, trà đã trở thành một nét đẹp truyền thống và đây chính là nơi tiêu thụ một ¼ sản lượng trà của Đức.

Thức ăn nhanh

Như nhiều quốc gia khác, giới trẻ khá thích đồ ăn nhanh được bày bán trên khắp nước Đức. Các loại thức ăn nhanh điển hình nhất tại đây là bánh mì kẹp thịt, pizza và khoai tây chiên của những chuỗi cửa hàng nổi tiếng như McDonald’s, Burger King và Pizza Hut. Một số bạn trẻ khác thì lại thích những lựa chọn truyền thống hơn như xúc xích Bratwurst ăn kèm với bánh mì cuộn. Bên cạnh đó là các món ăn được tiêu thụ khá nhiều như Currywurst, một loại xúc xích được cắt lát dùng chung với cà chua cari và khoai tây chiên, sau này còn được ăn cùng với sốt cà chua hoặc mayonnaise. Những món ăn này có thể mua được dễ dàng ở các quầy hàng ngoài trời được gọi là Würstchenbuden.

Khi du học Đức, bạn có thể được thưởng thức một món ăn nhanh mà độ phổ biến của nó còn vượt hơn tất cả chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ ở đây hợp lại: Doner Kebab. Được giới thiệu lần đầu tiên ở Vương quốc bia bởi những người nhập cư Thổ Nhĩ Kì và có thể dễ dàng tìm mua ở mọi góc phố ở thị trấn và thành phố lớn. Một chiếc bánh Kebab điển hình là được làm từ thịt cắt lát (thường là cừu, bê hoặc gia cầm) được cắt từ khay nướng quay theo chiều dọc và được xếp thành một chiếc túi tam giác có rau diếp, hành tây, dưa chuột, cà chua và nước sốt sữa chua.

Quy tắc khi dùng bữa của người Đức

Bên cạnh những nét khác biệt về nguyên liệu, cách chế biến thì nước Đức cũng có nhiều điểm cần chú ý trong văn hóa ăn uống. Để tránh những tình huống khó xử và giữ hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè, sinh viên du học Đức nên chú ý các quy tắc cơ bản sau:

Quy tắc khi ăn tối

Người Đức rất ít khi trực tiếp dùng tay để cầm thức ăn vì vậy nếu có ăn khoai tây chiên đi nữa thì sinh viên cũng nên dùng nĩa. Dao và nĩa đều được sử dụng trong bữa tối của người Đức, nếu không muốn bị xem là bất lịch sự thì đừng bao giờ dùng dao cắt hết thức ăn rồi mới dùng nĩa để ăn mà hãy phối hợp nhịp nhàng với nhau. Tại Đức, các em sẽ bị xem là thô lỗ khi đặt tay lên đùi hoặc chống cùi chỏ lên bàn ăn. Khi thưởng thức món ăn tại nhà, đừng quên khen tặng người nấu bằng câu: “das schmeckt/gut/lecker/wunderbar” có nghĩa là “hương vị rất ngon/tuyệt vời”. Trong lúc ăn hoặc nhấm nháp đồ uống cùng nhau thì hãy đợi ai đó nói: “Guten Appetit” hoặc “Anstossen” nghĩa là (“cạn ly”).

Quy tắc ở nhà hàng

Khi đi đến các nhà hàng tại Đức, sinh viên không cần phải đứng đợi chỗ ngồi trừ khi đó là một điểm đến cực kì được yêu thích. Các em dễ dàng tìm thấy một chiếc bàn trống ở vị trí yêu thích để ngồi xuống, trò chuyện cùng bạn bè và thưởng thức những món ăn ngon. Tại quán bar, quán cafe và trong các nhà hàng đang giờ cao điểm thì không có bất kì vấn đề gì khi ngồi vào chỗ trống bên cạnh người lạ. Sinh viên chỉ cần bước đến và lịch sự hỏi: “Ist hier noch frei?” (Có phải ghế này trống không?”)

Nếu muốn thưởng thức đồ uống có đá thì đừng nên mong đợi điều này là mặc định mà các em cần phải yêu cầu với phục vụ. Không nhà hàng nào ở Đức châm nước nhiều lần miễn phí và đồ ăn được đặt sẵn trên bàn như bánh mì, bánh quy thường sẽ được tính riêng. Vì vậy nếu lúc kiểm tra hóa đơn thì đừng nên quá ngạc nhiên khi những món này không được tính kèm sẵn. Phục vụ không mang nước uống đến cho khách hàng nếu như không nhận được yêu cầu khi gọi món. Nếu bạn muốn uống nước thì họ sẽ hỏi rằng: “mit oder ohne Kohlensäure” có nghĩa là ‘Quý khách muốn dùng nước thường hay nước có gas”. Nếu bạn muốn dùng nước lọc thì có sẽ trả lời rằng: “Leitungswasser” vì thông thường các nhà ở vương quốc Bia không có thói quen phục vụ nước lọc.

Trong quá trình dùng bữa, nếu các em bắt chéo dao, nĩa trên đĩa thì chỉ đơn thuần là dừng lại, đặt dao và nĩa bên cạnh nhau nghĩa là đã dùng bữa xong. Lúc này, người phục vụ có thể đến dọn đĩa đi. Một số người có thói quen mang đồ ăn thừa về cho vật nuôi ở nhà, nhưng người Đức lại cho rằng hai việc này hoàn toàn không liên quan với nhau. Do đó, nếu khách hàng muốn mang đồ ăn thừa về nhà thì người phục vụ sẽ vô cùng ngạc nhiên vì vậy nên chú ý điều này để không rơi vào những tình huống khó xử.

Tiền tip tại các nhà hàng của Đức không hào phóng như ở Mỹ bởi vì nhân viên tại Vương quốc bia có mức lương tăng theo giờ làm việc. Nguyên tắc chung được áp dụng rộng rãi ở đây là làm tròn hóa đơn và số tiền dư ra sẽ là tiền tip. Ví dụ, các em dùng bữa hết 22,5 Euro thì có thể trả số tiền là 24 Euro hoặc 25 Euro với giá trị khoảng 10% hóa đơn. Không giống như ở Mỹ, người phục vụ vẫn đứng ở bàn khi khách hàng trả tiền, vì vậy cần phải rõ ràng với họ về số tiền muốn đưa. Ví dụ, nếu hóa đơn là 15,7 Euro và các em muốn đưa thêm tiền tip là 1,3 Euro là tổng cộng 17 Euro thì khi đưa cho họ 20 Euro, ta cần nói: “Siebzehn bitte” có nghĩa: “17 Euro, xin cảm ơn” và nhận lại tiền thừa. Phần lớn các nhà hàng tại Đức đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng nhưng phổ biến nhất vẫn là tiền mặt nên để tiện lợi hơn thì các em nên chuẩn bị đầy đủ tiền khi dùng bữa tại đây.

Những quy tắc trên là điều du học sinh Đức cần chú ý trong quá trình học tập và nghiên cứu tại đây. Là một trong những nền giáo dục điển hình với các chương trình đào tạo chất lượng cùng nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn, Đức luôn nằm trong danh sách tìm hiểu của HSSV dự định học tập ở châu Âu. Nếu muốn tìm hiểu thông tin và được tư vấn chọn ngành, chọn trường phù hợp với nguyện vọng, khả năng của bản thân, vui lòng liên hệ:

Công ty Du học INEC

  • Tổng đài: 1900 636 990
  • Miền Bắc & miền Nam: 093 409 9984
  • Miền Trung: 093 409 9983
  • Email: inec@inec.vn