Việc thực tập có thể mang lại cho bạn (và CV của bạn) lợi thế để đạt được công việc mong muốn. Thực tập ở Hà Lan như thế nào, cùng INEC tìm hiểu nhé!
Thực tập tại Hà Lan: có khó tìm không?
Ở Hà Lan, đào tạo tại chỗ hoặc thực tập được gọi là stage. Công bằng mà nói thì không có tình trạng thiếu chỗ thực tập vì nhiều công ty liên tục tìm kiếm thực tập sinh. Vì vậy nếu tích cực tìm kiếm, rất có thể bạn sẽ tìm thấy một công việc chính thức chứ không chỉ một vị trí thực tập.
Quá trình phỏng vấn cũng khá đơn giản, thường bao gồm một cuộc phỏng vấn và họ sẽ cho bạn biết ngay tại chỗ hoặc trong vòng vài ngày là bạn có được thực tập hay không. Cách dễ nhất để tìm công việc thực tập ở Hà Lan là truy cập LinkedIn hoặc chỉ cần kiểm tra trang web của công ty. 😉
Luật về thực tập ở Hà Lan
Để đăng ký thực tập tại Hà Lan, bạn phải là công dân châu Âu HOẶC là sinh viên đang theo học tại một cơ sở giáo dục. Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ không thể thực tập dựa trên việc học ở Hà Lan. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhất định không áp dụng quy tắc này, bạn có thể trao đổi với công ty về điều đó.
Nếu bạn muốn thực tập nhưng không có không gian hoặc thời gian để chọn trong khi học? Ở Hà Lan, việc sinh viên kéo dài thời gian học thêm nửa năm để có thể hoàn thành khóa thực tập khi kết thúc chương trình học là điều tương đối phổ biến! Nếu bạn cần kinh nghiệm liên quan trước khi tham gia thị trường việc làm Hà Lan, hãy cân nhắc trao đổi với cố vấn học tập của bạn về điều này.
Thực tập ở Hà Lan có được trả lương không?
Nhìn chung, việc thực tập ở Hà Lan không bắt buộc phải được trả lương. Tuy nhiên, hầu hết các công ty Hà Lan đưa ra một số hình thức “trả công” từ 100 – 500 euro mỗi tháng hoặc nhiều hơn. Một số công ty cũng sẽ đài thọ chi phí đi lại của bạn, tùy thuộc vào khoảng cách đến nơi ở của bạn. Tất cả điều này có thể được thảo luận giữa bạn và công ty!
Thực tập ở Hà Lan như thế nào?
Mặc dù văn hóa làm việc của Hà Lan nói chung rất thoải mái và thân mật, nhưng điều đó không có nghĩa là một sinh viên – thực tập sinh có thể lười biếng hay làm việc kém hiệu quả. Công ty kỳ vọng bạn sẽ tạo ra chất lượng công việc cao và cố gắng hết sức mình. Về cơ bản thì thực tập là thời gian học việc, vì vậy bạn hãy tận dụng thật tốt!
Tuy nhiên bạn không ở đó một mình và không ai mong đợi bạn phải biết mọi thứ. Là một sinh viên thực tập, bạn thường sẽ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ sếp và trường đại học của mình. Họ sẽ giúp bạn hiểu rõ về những chi tiết lớn nhỏ của công ty. Nhưng hãy lưu ý rằng, sau một thời gian, công ty có thể kỳ vọng bạn đủ sức đảm nhận ít nhất một vai trò trong công ty. Vì vậy hãy làm việc chăm chỉ và tất cả sẽ được đền đáp.
Giờ làm việc và thời gian thực tập tại Hà Lan
Lịch trình làm việc của một thực tập sinh tại Hà Lan có thể từ vài lần hoặc toàn thời gian mỗi tuần. Thông thường, thực tập là toàn thời gian và bạn làm việc như một nhân viên bình thường. Đây là một điều tốt vì nếu họ muốn giữ bạn lại sau kỳ thực tập thì bạn đã quen với lịch trình và hoạt động hàng ngày của công ty.
Tuy nhiên đây có thể là “tin xấu” với những sinh viên toàn thời gian. Vì vậy các kỳ thực tập toàn thời gian cả tuần chủ yếu dành cho những sinh viên có một năm hoặc một học kỳ được sử dụng để làm việc như một phần của chương trình học. Nhưng bạn đừng lo, một số công việc thực tập có thể được thảo luận với công ty và họ có thể bố trí công việc theo lịch học của bạn nếu điều đó phù hợp với họ.
Thời gian thực tập cũng có thể khác nhau. Các kỳ thực tập tại Hà Lan có thể kéo dài từ ba tháng đến một năm. Điều này cũng sẽ phải được thảo luận với nhà tuyển dụng của bạn.
Sự khác biệt giữa internship, placement, traineeship và volunteer work ở Hà Lan
Thực tập trong quá trình học
Đây là một kỳ thực tập (internship) mà bạn sẽ thực hiện khi vẫn đăng ký vào một cơ sở giáo dục. Vì vậy, bạn có thể làm thực tập vài lần một tuần trước các lớp học, hoặc bạn có thể có một học kỳ để làm việc (nghỉ hoàn toàn hoặc thực tập sẽ là một phần của tín chỉ tự chọn của bạn). Dù bằng cách nào, bạn vẫn đang trong quá trình hoàn thành chương trình học của mình. Những kỳ thực tập này là cơ hội tuyệt vời vì “một công đôi việc”. Sau khi tốt nghiệp, bạn không chỉ có bằng cấp mà còn có kinh nghiệm để sử dụng nó ngay từ ngày đầu tiên bước vào công việc chính thức.
Luận án tốt nghiệp hoặc dự án nghiên cứu năm cuối
Đây là một loại vị trí làm việc mà bạn sẽ hoàn thành như một phần của sản phẩm cuối cùng để nhận bằng cấp của mình. Nghiên cứu có thể được thực hiện cho một công ty cụ thể và chủ đề do công ty đó hoặc chính bạn lựa chọn. Kết quả của nghiên cứu được đưa vào một báo cáo và thường được trình bày cho công ty.
Thực tập sau đại học
Những công việc thực tập này thường là toàn thời gian và dành cho những người vừa hoàn thành bằng cấp. Thực tập sẽ dành cho các ứng viên vừa tốt nghiệp trong lĩnh vực đó, chưa có tất cả kinh nghiệm cần thiết để có được một công việc đúng ngành nghề của họ.
Một số công việc dạng này cũng giúp sinh viên được tuyển dụng chính thức sau khi kết thúc thực tập (thường là 6 tháng). Nếu không, bạn vẫn sẽ tích lũy được một số kinh nghiệm giúp ích cho bạn khi nộp đơn cho công việc mong muốn.
Tập sự
Traineeship là nơi bạn kết hợp làm việc với đào tạo. Vì vậy nhà tuyển dụng về cơ bản đào tạo bạn để bạn đạt được một số phẩm chất, năng lực. Thực tập sinh có thể toàn thời gian hoặc bán thời gian. Nhiều vị trí không được trả lương nhưng bạn vẫn có thể may mắn tìm được công việc tập sự có lương. Các chương trình thực tập sinh thường dành cho sinh viên các trường đại học khoa học ứng dụng.
Công việc tình nguyện
Volunteer work là công việc mà bạn tình nguyện làm và không được trả công. Nghe có vẻ điên rồ nhưng nó được đánh giá cao khi nằm trong sơ yếu lý lịch của bạn. Hãy đảm bảo bạn có đủ tài chính để trang trải chi phí sinh hoạt khi thực hiện công việc này nhé.
Cần lưu ý những gì khi đăng ký thực tập tại Hà Lan?
Nếu bạn là một công dân không thuộc Liên minh Châu Âu, bạn cần tuân theo các quy tắc tương tự như đối với một công việc bình thường. Tuy nhiên, loại hình thực tập bạn thực hiện sẽ quyết định loại giấy phép bạn cần để có thể thực hiện công việc thực tập đó một cách hợp pháp.
Bạn cần xác định xem thực tập sẽ là một phần của chương trình học hay giống như một công việc được trả lương? Nếu đó là một phần của quá trình học tập, bạn không cần giấy phép lao động và có thể tiếp tục làm việc với thị thực sinh viên của mình. Bạn sẽ cần mua bảo hiểm y tế Hà Lan cho việc này nhưng do mức chi trả thấp, bạn sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp chăm sóc sức khỏe – khoản này sẽ trang trải chi phí chăm sóc sức khỏe của bạn.
Nếu thực tập không nằm trong chương trình cấp bằng của bạn thì bạn sẽ phải tuân theo các quy tắc làm việc thông thường. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn có giấy phép hợp lệ cho việc này và ghi nhớ điều đó trước khi nộp đơn.
Làm sao để tìm và đăng ký thực tập tại Hà Lan?
Bạn thường có thể tìm thấy các vị trí thực tập thông qua trường đại học của mình hoặc tìm kiếm đơn giản trên Google! Tại Hà Lan, các công việc thực tập cũng được đăng tải trên các trang web việc làm thường xuyên của Hà Lan. Khi sử dụng những điều này, chỉ cần nhớ gõ thêm “thực tập” trong thanh tìm kiếm. Lưu ý rằng nhiều công ty quảng cáo sẽ yêu cầu bạn phải có trình độ tiếng Hà Lan nhất định để làm việc ở đó.
Các cách khác để tìm công việc thực tập ở Hà Lan là tham gia hội chợ việc làm hoặc thông qua LinkedIn. Ngày càng có nhiều công ty Hà Lan sử dụng LinkedIn để đăng tin tuyển dụng thực tập. Đó là một cách tuyệt vời để bạn kiểm tra xem họ có thuê những người có kiến thức học vấn như bạn hay không.
Khi bạn tìm thấy một nơi nào đó phù hợp để ứng tuyển, hãy gửi một bản sơ yếu lý lịch và một motivation letter – như đối với một công việc chính thức. Rất có thể bạn sẽ được mời tham gia một cuộc phỏng vấn vì họ muốn đảm bảo rằng họ đã tìm được đúng người cho công việc.
(Theo dutchreview.com)
Để được tư vấn chi tiết về du học Hà Lan, bạn hãy liên hệ:
Hotline 093 938 1081 hoặc Đăng ký tại đây
Công ty Tư vấn Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline miền Bắc và miền Nam: 093 938 1081
- Hotline miền Trung: 093 409 9070
- Email: inec@inec.vn
- Chat ngay với tư vấn viên tại: /duhochalan