Du học New Zealand THPT chi phí khoảng 500 triệu/năm. Môi trường an toàn, chú trọng hướng nghiệp. Cơ hội nhận học bổng Chính phủ New Zealand NZSS 50%.
New Zealand là quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu thế giới về chuẩn bị kỹ năng tương lai cho học sinh trong nhiều năm liền (theo bình chọn của tổ chức Economist Intelligence Unit). Đó là lý do số lượng du học sinh đến New Zealand học tập gia tăng mỗi năm. Trong đó, du học New Zealand bậc Trung học phổ thông được ngày càng nhiều phụ huynh, học sinh Việt Nam quan tâm. Vì sao học Trung học phổ thông ở New Zealand được săn đón đến vậy? Cùng INEC tìm hiểu nhé.
Tổng quan du học New Zealand bậc Trung học phổ thông
Khác với chương trình Phổ thông tại Việt Nam, học sinh New Zealand bắt đầu đi học ngay sau sinh nhật 5 tuổi. Vì bắt đầu học Tiểu học từ 5 tuổi nên chương trình Phổ thông ở New Zealand kéo dài từ lớp 1 đến lớp 13 (tương ứng từ 5-18 tuổi) và cũng tương đương hệ 12 lớp tại Việt Nam (từ 6-18 tuổi).
Hệ thống Trung học New Zealand được chia thành 3 bậc: Tiểu học (Lớp 1-6, học sinh từ 5-10 tuổi), Trung học cơ sở (Lớp 7-8, học sinh từ 11-12 tuổi) và Trung học phổ thông.
Chương trình Trung học phổ thông New Zealand gồm các khối lớp 9 đến 13, dành cho học sinh 13-18 tuổi. Hoàn thành cấp học này, học sinh được cấp Chứng nhận Quốc gia về Thành tích Giáo dục (NCEA) – một văn bằng được công nhận quốc tế giúp học sinh thuận lợi học tiếp lên bậc Đại học tại New Zealand cũng như các nước tiên tiến khác. Ngoài ra, một số trường học cũng có chương trình Cambridge hoặc Tú tài quốc tế (IB).
Các loại trường Trung học tại New Zealand
New Zealand có ba loại trường học, bao gồm:
- Trường công lập: được chính phủ quản lý và tài trợ ngân sách, có khoảng 85% học sinh theo học
- Trường bán công (hay trường công tích hợp): là loại hình đặc biệt, có thể do một đức tin tôn giáo điều hành hoặc sử dụng phương pháp giảng dạy chuyên biệt
- Trường tư thục
Đặc biệt, New Zealand còn có các trường Trung học dành riêng cho nam sinh và nữ sinh. Hệ thống giáo dục New Zealand tin rằng việc thành lập các ngôi trường dành riêng cho nam và nữ sẽ giúp thiết kế, cung cấp trải nghiệm học tập phù hợp nhất với mỗi giới tính. Các trường sẽ phát huy thế mạnh về giới thông qua cung cấp các môn học phù hợp với tâm lý, thể trạng của từng giới, đồng thời khuyến khích học sinh tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm lĩnh vực không phải ưu thế của mình nhưng sẽ cần thiết cho việc thiết lập các kỹ năng quan trọng cho tương lai.

Giải mã lý do phụ huynh Việt muốn cho con du học New Zealand THPT
Môi trường an toàn, dễ hòa nhập
Có thể nói rằng, cho con đi du học ở độ tuổi từ 13, 14 là quyết định không dễ dàng với các bậc cha mẹ. Bởi vì với cha mẹ, các con trong độ tuổi này vẫn chưa đủ khả năng để tự lập, sống tách biệt khỏi sự bảo bọc của gia đình. Vì con du học xa nhà nên cha mẹ sẽ luôn cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của con.
Khi cân nhắc cho con du học New Zealand THPT, phụ huynh có thể nhẹ gánh nỗi lo này. Bởi vì luật lệ về học sinh quốc tế của New Zealand bắt buộc học sinh phải có người giám hộ khi đi đến các thành phố nằm ngoài phạm vi trường cấp 3 mà học sinh theo học.
Không những vậy, New Zealand xếp thứ 4 thế giới khi nói về an toàn và an ninh xã hội, vượt qua Singapore, Thụy Sĩ, Đan Mạch (theo Chỉ số hòa bình toàn cầu 2024 của Viện Kinh tế & Hòa bình). Mặc dù là quốc gia đa văn hóa nhưng người dân ở New Zealand rất thân thiện và không có sự phân biệt màu da, sắc tộc hay tôn giáo. Họ rất hồn hậu, mến khách, luôn sẵn sàng giúp đỡ du học sinh, giúp các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống mới, thích nghi văn hóa cũng như mạnh dạn kết giao bạn bè.
Chăm sóc toàn diện cho học sinh từ nhà đến trường
New Zealand là quốc gia đầu tiên xây dựng Bộ quy chế Bảo trợ và Chăm sóc du học sinh. Bộ quy chế này yêu cầu tất cả các trường học phải tuân thủ nhiều yêu cầu để đảm bảo du học sinh được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất – dù là bên trong hay bên ngoài khuôn viên trường. Chẳng hạn, du học sinh dưới 18 tuổi không được phép ở một mình hay trong ký túc xá mà bắt buộc ở với homestay parents hoặc homestay family (ở trọ nhà dân) để nhanh chóng hòa nhập môi trường mới, được chăm sóc tận tình.
Các trường xem xét và lựa chọn rất kỹ danh sách gia đình chủ nhà (host family). Trường sẽ gửi bảng hỏi chi tiết, yêu cầu chủ nhà phải liệt kê cụ thể số người, quốc tịch, thói quen ăn uống và nấu nướng, thói quen sinh hoạt, các tiện nghi trong gia đình, thậm chí là có ai hút thuốc lá hay không. Trường tới tận nơi gặp chủ nhà, vào xem xét từng phòng, từng tiện ích, xem trường có gần chợ hay bến xe buýt hay không… Việc này được kiểm tra nhiều lần trước khi trường đưa một gia đình nào đó vào danh sách đợi đón du học sinh. Sau đó, trường họp với các gia đình để hướng dẫn cách hỗ trợ cho học sinh.
Triết lý giáo dục xem người học là trung tâm của New Zealand được xem là nhân tố “bản lề” giúp học sinh thành công ghi dấu ấn cá nhân. Triết lý này được hiện thực hóa thông qua nhiều hoạt động như hỗ trợ ngay lập tức khi học sinh có dấu hiệu “hụt hơi”, cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý, thể chất miễn phí, duy trì kết nối, sẵn sàng giới thiệu việc làm dù học sinh đã tốt nghiệp nhiều năm… Học sinh được khuyến khích phát huy ưu điểm của bản thân và trên hành trình đó luôn có sự đồng hành của thầy cô, bạn cùng tiến (buddy) lẫn host family.
Bạn cùng tiến (buddy)
Bạn sẽ được chỉ định một bạn đồng hành cùng khối lớp. Người này sẽ hướng dẫn bạn làm quen với trường, gặp bạn vào giờ giải lao và giờ ăn trưa, đồng thời giới thiệu bạn với nhóm bạn của họ. Các trường thường khuyến khích du học sinh gắn bó với bạn đồng hành ít nhất trong 3 tuần đầu tiên tại trường cho đến khi bạn kết bạn với những người khác. |
Học sinh được định hướng nghề nghiệp từ sớm
Lợi thế lớn nhất của chương trình THPT New Zealand là học sinh được hướng nghiệp 1-1 từ sớm, giúp các em hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Ngoài các môn học cốt lõi như STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), chương trình THPT New Zealand có rất nhiều lựa chọn môn học tự chọn mới lạ, như Kinh doanh, Kế toán, Kinh tế, Tâm lý học, Luật, Thiết kế thời trang, Quản trị Du lịch & Khách sạn, Nghiên cứu Truyền thông, Công nghệ số, Kỹ năng sống; các môn Nghệ thuật như Âm nhạc, Công nghệ âm nhạc, Kịch, Nhiếp ảnh… Các em có thể chọn các môn học phù hợp với sở thích và mục tiêu tương lai.
Việc tìm hiểu những môn học này từ sớm sẽ giúp học sinh có cơ hội cọ xát với rất nhiều tài năng trong các lĩnh vực khác nhau, phát triển bản thân và xác định ngành học tương lai. Mặt khác, được trải nghiệm nhiều nhóm kiến thức khác nhau giúp học sinh có vốn kiến thức và kỹ năng phong phú để theo đuổi bất cứ điều gì mình muốn sau này. Điều này cũng giúp nâng cao cơ hội học tập khi lên đại học và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Đảm bảo chất lượng, chọn trường theo sở thích
Hệ thống trường THPT New Zealand được phân bổ rộng khắp từ đảo Bắc đến đảo Nam. Mỗi trường có thế mạnh khác nhau nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy đồng đều giữa các vùng. Điều này giúp việc chọn trường du học New Zealand THPT trở nên đơn giản hơn. Mặt khác, cơ sở vật chất của các trường không có khác biệt lớn, thậm chí các trường vùng ngoại ô còn có phần nhỉnh hơn so với trường ở những thành phố lớn như Auckland, Wellington khi sở hữu nhiều sân bóng rộng và xưởng mộc ngay trong trường.
Xem thêm: Du học New Zealand nên chọn thành phố nào?
Học từ thực tiễn và thay đổi phù hợp tốc độ phát triển riêng của từng học sinh
Nếu học sinh chứng tỏ được năng lực của bản thân, nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện để các em học vượt lớp, giúp các em có môi trường phát triển phù hợp năng lực và tiềm năng. Giáo dục cá nhân hóa, phong cách giảng dạy giúp mọi học sinh đạt được kết quả tốt nhất trong khả năng của mình là một điểm đặc biệt khác của du học New Zealand bậc Trung học phổ thông.
Bên cạnh các giờ học lý thuyết, học sinh được học từ thực hành, thực tế. Ví dụ, với môn Vật lý và Robotics, bạn được học cách lập trình để những chú robot có thể cử động và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu; với môn Kinh doanh, bạn có cơ hội lập nhóm điều hành, quản lý tài chính, lên chiến dịch bán hàng, marketing và đưa sản phẩm ra ngoài thị trường.
Thể thao hiện diện mạnh mẽ ở các trường học
Không chỉ là một môn học chính trong chương trình giảng dạy THPT New Zealand, các trường còn cho rằng việc chơi thể thao sẽ giúp học sinh nuôi dưỡng các kỹ năng giao tiếp, trí thông minh, tự tin về mặt cảm xúc và các kỹ năng xã hội, phát triển sự kiên trì và lòng quyết tâm.
Tại hầu hết các trường có danh sách môn thể thao vô cùng phong phú, từ bắn cung, chèo thuyền, bóng đá, bóng bầu dục, quần vượt, cầu lông, bóng rổ, đến trượt tuyết, cưỡi ngựa, khúc côn cầu… thậm chí cả golf, multi-sport. Chính vì số lượng môn học đa dạng như thế nên hầu như trường nào cũng sở hữu những sân tập rộng lớn được ví như những sân vận động chuyên nghiệp.
Mỗi trường sẽ cung cấp những cơ hội trải nghiệm khác nhau. Ví dụ Trường Trung học Hillcrest High School có chương trình Health Minds + Health Bodies giúp học sinh tìm hiểu về thực phẩm, giấc ngủ, cách phục hồi tinh thần và thể chất. Môn học Health and Physical Education của Trường Trung học Wellington College giúp học sinh hiểu về cơ thể người, xương khớp, vận động, giáo dục giới tính và cả bài học về sự cho phép (consent) trong các mối quan hệ. Môn học Outdoor Education tại Trường Trung học Pakuranga College cho phép học sinh rời trường tham gia các hoạt động ngoài trời như leo núi, chèo thuyền, lặn biển, hiking, thám hiểm hang động, xây dựng chiến lược quản lý an toàn thiết bị đối với các kỹ năng sinh tồn ngoài trời…
Các trường cũng khuyến khích học sinh xuất sắc tham gia vào đội tuyển của trường để thi đấu chuyên nghiệp. Bộ phận Bóng đá của Trường Trung học King’s College còn hợp tác với Ellerslie AFC để học sinh có cơ hội được huấn luyện và thi đấu chuyên nghiệp, thậm chí được ra nước ngoài cọ xát.
Được vận động hết mình, được thử sức với những môn thể thao mới lạ sẽ giúp học sinh có tinh thần, thể lực, tốt để học tốt hơn mỗi ngày. Chưa kể, tham gia các hoạt động thể thao cũng giúp học sinh nhanh chóng kết bạn, xây dựng đội nhóm, mở rộng kết nối.
Mỗi du học sinh đều được trân trọng, đối xử tử tế
Tại đất nước New Zealand, bạn được là chính bạn, được mọi người tôn trọng và đối xử tử tế.
Một điều được nhiều du học sinh và cựu du học sinh công nhận đó là dù chỉ học tại trường trong thời gian ngắn, cả thầy cô và bạn bè New Zealand đều cố gắng phát âm đúng tên tiếng Việt của học sinh, dù cho cái tên đó khá nhạy cảm trong tiếng Anh hay thay vì gọi bằng tên tiếng Anh “cho xong”. Điều này giúp các em thấy được tôn trọng, được chào đón và cảm thấy thân thuộc như ở nhà từ những ngày đầu tiên đặt chân đến một môi trường mới.
Để lý giải điều này không khó, bởi đó là một đặc điểm nổi bật trong văn hóa bản địa New Zealand, việc tìm hiểu câu chuyện cá nhân của một người rất được coi trọng trước khi bắt đầu một mối quan hệ nào. Đó là lý do trường học New Zealand không muốn học sinh phải thay đổi để “hòa tan”, thay vào đó họ học hỏi, tương tác. Học cách phát âm đúng tên hay tìm hiểu văn hóa của nhau là điều vô cùng quan trọng.

Điều kiện du học New Zealand THPT
Học sinh muốn du học THPT tại New Zealand cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Học sinh học hết lớp 8 tại Việt Nam, GPA 7.0 trở lên
- Bậc học này thường không yêu cầu IELTS, thay vào đó trường tiến hành phỏng vấn hoặc cho học sinh làm bài kiểm tra trình độ tiếng Anh (trường hợp học sinh muốn nộp Học bổng Chính phủ New Zealand bậc THPT NZSS nên có IELTS từ 5.0 hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương)
- Chứng minh có đủ tài chính và nguồn thu nhập hợp pháp để chi trả cho khóa học tại New Zealand (phí sinh hoạt tham khảo cho mục đích xin visa du học New Zealand THPT là 17.000 NZD)
- Chứng minh có sức khỏe đạt yêu cầu
Chi phí du học New Zealand bậc THPT
Chi phí du học New Zealand bậc Trung học phổ thông khá phải chăng, phụ huynh và học sinh cần lưu ý các khoản chi phí sau đây:
- Học phí: trung bình 16.000 đến 22.000 NZD/năm
- Chi phí ăn ở: trung bình 17.000 NZD mỗi năm
- Tổng 1 năm: từ 33.000 NZD/năm (khoảng 500 triệu VNĐ)
Ngoài ra, còn có một số khoản phí khác như sau:
- Bảo hiểm (bắt buộc theo quy định của Sở Di trú New Zealand): ước tính 585 NZD đến 800 NZD mỗi năm (tùy nhà cung cấp)
- Phí hành chính (Administration Fee): 575 NZD đến 1.000 NZD/năm (tùy trường)
- Đồng phục: 300 NZD đến 1.000 NZD (tùy trường)
Học bổng du học New Zealand bậc Trung học
New Zeland Schools Scholarships (NZSS) là chương trình học bổng Chính phủ New Zealand dành riêng cho học sinh Việt Nam muốn du học THPT tại xứ Kiwi. Chương trình NZSS 2025 cấp 45 suất học bổng, cao nhất kể từ khi học bổng được triển khai vào năm 2019. Mỗi suất học bổng trị giá 50% học phí năm học đầu tiên tại New Zealand.
Học bổng dành cho học sinh đang học lớp 8, 9, 10 tại Việt Nam, có điểm trung bình học tập từ 8.0 và trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.0 trở lên. Học sinh đạt học bổng sẽ bắt đầu theo học tại các trường THPT New Zealand vào kỳ nhập học tháng 7/2025.
Một điểm mới của chương trình học bổng chính phủ NZSS 2025 là cơ chế xét tuyển kép giúp học sinh tối đa hóa cơ hội nhận học bổng chỉ với một lần ứng tuyển. Cụ thể, học sinh được đăng ký 2 nguyện vọng trường từ danh sách 45 trường cấp học bổng NZSS 2025 và xét học bổng dựa trên cả 2 nguyện vọng này. Nếu chưa thành công với NZSS, học sinh sẽ tiếp tục được cân nhắc cho các học bổng khác do các trường THPT New Zealand cấp riêng.
Học bổng Chính phủ New Zealand bậc Trung học đang nhận hồ sơ đến hết ngày 16/03/2025.
Du học New Zealand thuận lợi cùng INEC
Liên hệ INEC ngay hôm nay để nhận được hỗ trợ toàn diện về:
- Tư vấn ngành học, trường học phù hợp định hướng giáo dục tương lai
- Tư vấn học bổng đáp ứng đúng mong muốn và khả năng của bạn
- Hướng dẫn hồ sơ xin thư mời, xin học bổng (bao gồm góp ý chỉnh sửa portfolio, hướng dẫn bài luận, video, phỏng vấn…)
- Hướng dẫn hỗ sơ xin visa (bao gồm hướng dẫn chứng minh tài chính với trường, với Lãnh sự quán; luyện phỏng vấn visa…)
- Hỗ trợ dịch thuật hồ sơ du học New Zealand
- Hỗ trợ đăng ký homestay, đặt vé máy bay, sắp xếp đón sân bay…
- Hướng dẫn thủ tục cho phụ huynh sang thăm du học sinh
- Hỗ trợ du học sinh trong suốt quá trình du học
Thông tin liên hệ Du học INEC:
- Tổng đài: 1900 636 990
- Hotline KV miền Bắc & Nam: 093 409 2662 – 093 409 9948 – 093 409 9984
- Hotline KV miền Trung: 093 409 9070 – 093 409 4449
- Email: [email protected]
- Chat ngay với tư vấn viên của INEC: me/hoiduhocnewzealand
*Bài viết có tham khảo thông tin từ cuốn sách “Đến New Zealand đón bình minh mới” do Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) và báo Hoa Học Trò phát hành năm 2024.