Học đại học là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Khoảng thời gian này, việc tiếp thu kiến thức không chỉ dừng lại ở sách vở, lớp học hay nhà trường. Đây là lúc chúng ta gần như đã hoàn toàn trưởng thành, quá trình tích lũy kiến thức đạt đến giai đoạn cao nhất và ngưỡng cửa bước vào đời rộng mở, sự nghiệp cũng có thể bước đầu được tạo dựng. Một trong những cách giúp sự “học hỏi” ấy trở nên tốt hơn mà nhiều sinh viên chọn đó là đi làm thêm. Tuy nhiên, đây là một “con dao 2 lưỡi” mà bạn cần cân nhắc cả mặt lợi và mặt hại của nó trước khi quyết định.
Làm thêm, bạn được gì?
Làm thêm bản thân nó là một công việc, vì vậy bạn sẽ được trả lương. Thực tế là công việc làm thêm giúp nhiều du học sinh trang trải được một khoản chi phí sinh hoạt đáng kể, thậm chí là dư dả. Tất cả các nước mà HSSV Việt Nam chọn du học, giá trị đồng tiền đều cao hơn tiền Việt. Do đó mà chi phí đối với những gia đình có hoàn cảnh không khá giả lắm là một vấn đề lớn.
Bên cạnh đó, dù gia đình hoàn toàn có khả năng chi trả toàn bộ học phí và sinh hoạt phí trọn khóa học thì có thêm một nguồn thu nhập dù là nhỏ cũng có thể giúp các em tự mua được những món quà nhỏ cho bạn bè và người thân hay phục vụ những nhu cầu riêng của mình như mua vé xem biểu diễn của thần tượng chẳng hạn!
Thực tế là ngay từ những năm phổ thông và khi còn học tập ở Việt Nam thì không ít học sinh đã bắt đầu với những công việc làm thêm như giao hàng, phục vụ hay cộng tác viết bài cho báo… Đi du học là cơ hội để các em thụ hưởng một nền học thuật tiên tiến và trải nghiệm một cuộc sống mới. Vậy thì những công việc làm thêm ở một đất nước khác sẽ như thế nào, đây hẳn là điều mà các em muốn trải nghiệm.
Ngoài một khoản thu nhập nho nhỏ, làm thêm sẽ mang lại cho bạn vô số trải nghiệm thú vị từ công việc, những con người bạn tiếp xúc, từ đó, giúp bạn tích lũy được nhiều kỹ năng tốt cho cuộc sống và công việc sau này. Tất nhiên, nếu công việc làm thêm có liên quan đến ngành nghề của bạn, nó sẽ góp phần làm cho CV của bạn “đẹp” hơn khi mà ở thời điểm ra trường, nhà tuyển dụng sẽ phải cân nhắc bạn giữa rất nhiều các sinh viên cùng tốt nghiệp, người nào có tố chất tốt hơn, kinh nghiệm nhiều hơn chắc chắn sẽ được cân nhắc hơn. Tuy nhiên, đừng lơ là việc học nhé!
Vậy có gì để mất không?
Câu trả lời là có. Bởi, nếu không thì bài viết này đã không có tiêu đề như vậy!
Đầu tiên là mất thời gian, làm thêm, dù chỉ vào khoảng 20 giờ mỗi tuần cũng chiếm một phần không nhỏ trong quỹ thời gian của bạn. Thêm vào đó, công việc làm thêm cũng sẽ khiến bạn phải dành sức khỏe, trí tuệ cho nó. Nếu không có một kế hoạch quản lý thời gian hợp lý, công việc làm thêm có thể làm ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của bạn.
Thêm vào đó, sức hút của việc kiếm được một số tiền không nhỏ có thể khiến bạn sa đà vào việc làm thêm, “chạy nhiều job”, làm quá giờ, làm chui… Hãy nhớ, đi du học thì việc chính của bạn là học, “làm thêm” chỉ là việc “thêm” mà thôi. Một công việc làm thêm có liên quan sẽ khiến CV của bạn “đẹp” hơn trong trường hợp bạn có một kết quả học tập tốt. Vì thế, hãy nhớ nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là học tâp nhé.
Việc làm thêm cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Thật vậy, một du học sinh Mỹ đã chia sẻ với người viết nỗi sợ hãi của em mỗi lần em phải đi sớm, về khuya ở những trạm xe bus vắng vẻ vào ban đêm. Những công việc làm thêm dày đặc và bất hợp pháp lấy đi thời gian và sức lực của em khiến em phải bỏ dở việc học ở ngay năm đầu tiên, trở về nước do vấn đề sức khỏe. Thực tế là số tiền bạn kiếm được nhờ làm thêm chưa chắc đã bù lại được số tiền mà bạn phải đóng để học lại những môn thi rớt vì không học tập đầy đủ. Thêm vào đó, rất nhiều công việc làm thêm như làm móng, phục vụ tại quán ăn… sẽ chẳng thể xuất hiện trong CV của bạn. Vì thế, thay vì đi làm thêm, bạn nên danh thời gian cho những câu lạc bộ, tham gia vào những hoạt động ngoại khóa. Những hoạt động này được tổ chức trong hoặc ngoài khuôn viên trường đại học bởi giáo viên, nhân viên hoặc sinh viên trong trường với mục đích tạo nên những sinh viên toàn diện. Chúng phục vụ cho những ở thích cá nhân của sinh viên hoặc mục đích phục vụ cộng đồng. Như vậy, bạn sẽ vừa có thể phát triển toàn diện bản thân giúp cho quãng đời sinh viên của mình ý nghĩa hơn, đồng thời, những nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá cao những người như bạn.
Một câu lạc bộ hoạt động xã hội tại Đại học Quản lý Singapore
Như vậy, trong số vô vàn những điều cần cân nhắc khi đi du học thì việc làm thêm thực sự là một con dao hai lưỡi, vừa có lợi vừa có hại, đòi hỏi một quyết định đúng đắn. Học tập, làm thêm hay những hoạt động trong trường đều nhằm giúp bạn trưởng thành hơn. Ở quãng thời gian nãy, hãy tích lũy thật nhiều kiến thức và kỹ năng để vững vàng trước những sóng gió cuộc đời sau này. Chúc bạn thành công!