Du học có thể là ước mơ của nhiều người vì mở ra những chân trời mới với rất nhiều cơ hội và trải nghiệm giá trị. Du học thực sự là một quyết định thay đổi cuộc sống và bạn nên làm điều đó nếu có thể. Tuy nhiên có rất nhiều câu hỏi về việc du học. Khi nào bạn nên đi du học? Bạn sẽ đi du học như thế nào và nên bắt đầu từ đâu? Bạn có đủ khả năng chi trả không? Bạn nên chọn quốc gia nào và nộp đơn như thế nào?
Hãy đọc tiếp để tìm hiểu làm sao để du học nhé!
LẬP KẾ HOẠCH
Chắc chắn sẽ có những thử thách nhất định để có thể du học và trong quá trình du học. Nhưng bạn đừng nản lòng bởi tất cả những “lời đồn đại” ngoài kia về du học, vì hành trình đó sẽ khác nhau giữa mỗi người. Chặng đường của bạn ngắn hay dài, đơn giản hay phức tạp sẽ phụ thuộc vào việc bạn lập kế hoạch du học như thế nào.
Hãy dành thời gian để tìm hiểu thông tin và tư duy tích cực để trả lời cho những thắc mắc:
Khi nào tôi nên đi du học?
Nếu bạn đã sẵn sàng ra nước ngoài để lấy bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, đây có thể là một quyết định dễ dàng. Du học để lấy bằng cử nhân cũng mang đến một cơ hội hoàn hảo. Tuy nhiên, bạn không cần phải đăng ký du học cho toàn bộ chương trình cấp bằng. Bạn hoàn toàn có thể đi du học trong một hoặc hai học kỳ thông qua trường đại học ở nước bạn. Nếu bạn chọn du học theo cách này, bạn cần tìm nơi du học phù hợp với lịch trình học tập và yêu cầu khóa học hiện tại của bạn.
Tùy vào trường đại học hoặc chuyên ngành mà bạn có thể có ít hoặc nhiều sự lựa chọn. Thường thì các trường ít khi cho phép sinh viên năm thứ nhất ra nước ngoài học tập trao đổi. Năm thứ ba hoặc thứ tư của chương trình cử nhân nói chung là thời gian phổ biến để du học các chương trình ngắn hạn. Bạn hãy liên hệ với phòng đào tạo của trường để hỏi thêm thông tin về các chương trình này.
Nhiều sinh viên chọn du học chương trình cử nhân ngay sau khi hoàn thành trung học phổ thông. Ưu điểm của lựa chọn này là việc học tập sẽ diễn ra liên tục và “nhịp điệu” học tập của bạn vẫn được duy trì. Thử thách của lựa chọn này là bạn cần có sự chuẩn bị từ sớm, về cả thành tích học tập, trình độ ngoại ngữ và khả năng tài chính để có thể đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của chương trình du học và điều kiện xin visa/giấy phép cư trú để du học.
Một số chương trình có thể yêu cầu bạn hoàn tất ít nhất 1 năm chương trình cử nhân trong nước. Đây cũng là thời điểm tốt để du học vì bạn đã làm quen phong cách học tập ở bậc đại học cũng như có nhiều thời gian hơn để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ hoặc các khóa học bổ sung khác (nếu cần).
Nếu muốn du học thạc sĩ, bạn có thể đi ngay sau khi có bằng cử nhân. Với những chương trình yêu cầu kinh nghiệm làm việc, bạn có thể lên kế hoạch du học 2 – 3 năm sau đó để tích lũy được vốn hiểu biết và kỹ năng công việc cần thiết.
Bạn cũng có thể du học ở độ tuổi nhỏ hơn với các chương trình trung học, du học hè hoặc học ngoại ngữ.
Tôi có đủ khả năng để đi du học không?
Hồ sơ học tập là điều bạn cần có đầu tiên khi nghĩ đến du học. Hồ sơ học tập của bạn không nhất thiết phải quá xuất sắc, tuy nhiên cần đáp ứng yêu cầu học thuật tối thiểu của chương trình. Ví dụ, nhiều chương trình cử nhân yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp THPT, điểm trung bình từ 7.0; chương trình thạc sĩ yêu cầu ứng viên có bằng cử nhân lĩnh vực tương ứng, có kinh nghiệm làm việc hoặc GRE/GMAT. Tùy vào chương trình du học mà bạn cần có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp (như IELTS 5.0 trở lên, B1 hoặc B2 tiếng Tây Ban Nha…).
Du học có thể tốn kém, đặc biệt là nếu bạn du học tự túc. Chi phí có thể là một trở ngại lớn với nhiều sinh viên, nhưng vẫn có nhiều lựa chọn du học tiết kiệm. Bạn có thể học tập ở các quốc gia có chất lượng giáo dục tốt với chi phí phải chăng (như Phần Lan, Bỉ, Đức…) hoặc chọn các chương trình liên kết đào tạo, nhận bằng gốc với thời gian học tập ngắn hơn (như Singapore, Malaysia…).
Làm thêm không phải là ưu tiên khi du học, nhưng nếu sắp xếp hợp lý, điều này có thể giúp bạn tăng tương tác xã hội và trải nghiệm, cũng như đem lại một khoản thu nhập nhỏ cho chi tiêu hàng ngày. Ngoài ra, hãy nắm bắt các cơ hội học bổng để vừa có thêm động lực học tập, vừa tiết kiệm chi phí du học nhé. Rất nhiều chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính với giá trị đa dạng dành cho sinh viên quốc tế.
Chi phí đi du học là bao nhiêu?
Chi phí du học tùy thuộc vào quốc gia bạn đến và tất nhiên, bạn ở lại bao lâu. Ngoài học phí, bạn cần xem xét vé máy bay, phương tiện đi lại, chỗ ở và chi phí sinh hoạt chung trong quá trình du học. Bạn cũng đừng quên dự kiến thêm một khoản chi bất chợt cho những chuyến đi cuối tuần hoặc giao lưu với bạn bè nhé. Nếu bạn không đủ khả năng để du học cả năm hoặc theo đuổi các chương trình cấp bằng dài hạn hơn, hãy chọn những chương trình du học hè để mang lại trải nghiệm thay đổi cuộc sống với chi phí thấp.
Tìm hiểu thêm Điều kiện du học các nước về yêu cầu chung đầu vào và chi phí du học do INEC tổng hợp nhé.
Làm sao để thuyết phục bố mẹ cho tôi đi du học?
Gia đình bạn có thể do dự khi bạn nói về du học, vì nhiều lý do. Hãy đặt mình vào vị trí của người nhà – có lẽ họ chỉ đang lo lắng, đặc biệt nếu họ luôn sống gần bạn hoặc nếu bạn chưa bao giờ ra nước ngoài trước đây. Nếu bạn cho thấy mình có thể tự mình xoay sở ổn thỏa trong thời gian du học, bạn có thể xoa dịu lo lắng của gia đình và thuyết phục họ.
Hãy chuẩn bị nhé. Gia đình sẽ có rất nhiều câu hỏi và bạn cần có câu trả lời thỏa đáng. Hãy phác thảo những lợi ích của việc du học và đảm bảo rằng bạn sẽ liên lạc với họ thường xuyên khi bạn đi xa. Hãy nói rõ về cách bạn sẽ chi trả như thế nào cho việc du học. Hãy nói về chuyên ngành bạn muốn học và cơ hội phát triển khi bạn học tập ở nước ngoài…
Nếu bạn trò chuyện với gia đình bằng thông tin rõ ràng, sự quyết tâm và đồng cảm, bạn sẽ có cơ hội thuyết phục được ngay cả những bậc phụ huynh khó tính.
TÌM KIẾM THÔNG TIN DU HỌC
Khi bạn biết đại khái khi nào bạn sẽ đi và cách bạn sẽ thanh toán chi phí đó (cũng như được cha mẹ bật đèn xanh nếu bạn cần), những điều thú vị sẽ bắt đầu. Bước tiếp theo là quyết định nơi bạn nên đi!
Tôi nên đi du học ở đâu?
Bạn có thể có một hoặc nhiều điểm đến du học “trong tầm ngắm”. Tuy nhiên, du học ở đâu là một quyết định cần nhiều sự cân nhắc vì bị chi phối bởi nhiều yếu tố, về năng lực học tập, khả năng tài chính, môi trường sống hoặc thậm chí là điều kiện khí hậu!
Nếu bạn muốn biết cách đi du học theo các chương trình ngắn hạn, trước tiên hãy tìm hiểu xem trường đại học ở nước bạn có hợp tác với các trường đại học ở nước ngoài hay không. Nếu vậy, đây có thể là con đường dễ dàng nhất cho bạn khi chuyển tín chỉ. Một số trường trong nước có quan hệ đối tác với nhiều trường đại học trên toàn thế giới, vì vậy hãy hỏi văn phòng đào tạo của trường bạn nhé. Bạn có thể tìm hiểu thông tin từ các chuyên viên tư vấn du học uy tín về các chương trình du học ngắn hạn khác.
Nếu bạn chưa biết về các quốc gia du học
Kiểm tra Top 10
Hãy tham khảo bảng xếp hạng hoặc thống kê các điểm đến du học hàng đầu trên thế giới hoặc thu hẹp phạm vi ở châu Á, châu Âu… để có cơ sở cho lựa chọn của mình. Những bảng xếp hạng này được tạo ra dựa trên sở thích của sinh viên từ cuộc khảo sát sinh viên quốc tế hàng năm cùng với dữ liệu từ các nguồn bên ngoài để tạo ra danh sách các địa điểm du học lý tưởng.
Xem xét chuyên ngành của bạn
Nếu bạn học chuyên ngành văn học Anh thì du học ở Trung Quốc có thể không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu bạn đang nghiên cứu văn hóa phương Đông, học tập tại Trung Quốc là một ý tưởng tuyệt vời. Một số quốc gia nổi tiếng về những thế mạnh đào tạo khác nhau. Mặc dù có thể có nhiều chương trình xuất sắc ở nhiều nước, nhưng việc tham khảo danh sách sẽ là điểm khởi đầu tốt nếu bạn mới bắt đầu tìm kiếm.
- 📊 Kinh doanh & Tài chính
Bạn đang muốn khởi động sự nghiệp kinh doanh của mình? Những thành phố lớn này là trung tâm kinh doanh quốc tế: London, New York, Hồng Kông, Toronto, Sydney, Singapore và Tokyo.
- 📝 Tiếng Anh & Văn Học
Nếu bạn là một con mọt sách, bạn có biết các trung tâm văn học nổi tiếng nhất thế giới bao gồm các thành phố Santiago, Oxford, Paris, Saint Petersburg, Dublin và Edinburgh?
- 💓 Y học & Sức khỏe cộng đồng
Đâu là nơi chăm sóc sức khỏe tốt nhất trên thế giới và nơi nào cần chăm sóc sức khỏe nhiều nhất? Hãy thử Thụy Điển, Đan Mạch, Nam Phi, Ghana, Thái Lan hoặc Ấn Độ.
- ⚖️ Chính trị & Pháp luật
Các điểm nóng chính trị ở châu Âu bao gồm Trụ sở EU tại Brussels Bỉ, Hội chữ thập đỏ ở Geneva (Thụy Sĩ), Trụ sở của Liên hợp quốc tại New York Mỹ.
- ⚙️ Kỹ thuật & Công nghệ
Bạn sẵn sàng cho những suy nghĩ đột phá? Hãy hướng tới một trung tâm đổi mới toàn cầu như Singapore, San Francisco, Berlin, Tel Aviv, Stockholm, Amsterdam hoặc Lisbon.
- 🎨 Nghệ thuật thị giác
Hãy thử đến một thành phố có lịch sử văn hóa phong phú về nghệ thuật thị giác và rất nhiều bảo tàng, như Florence, Paris, Barcelona, Bắc Kinh hoặc Chicago.
- 🎭 Nghệ thuật biểu diễn & Âm nhạc
Bạn sẽ tìm thấy các trung tâm âm nhạc và sân khấu sôi động ở nhiều thành phố trên thế giới. Một số nơi nổi tiếng nhất là Nashville, London, Johannesburg, Buenos Aires và Berlin.
- 🏛 Lịch sử
Những nơi như Athens, Jerusalem, Cusco, Istanbul hay Moscow rất phù hợp cho các bạn quan tâm đến khảo cổ học hay chỉ lịch sử nói chung.
- 📚 Giáo dục
Nếu bạn muốn trải nghiệm hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, hãy đến Phần Lan, Hà Lan hoặc Singapore. Nếu bạn là một giáo viên tiếng Anh đầy tham vọng, hãy tìm đến Anh, Úc hoặc Philippines.
Xem xét sở thích của bạn bên ngoài trường học
Du học không chỉ là thời gian trên giảng đường. Bạn còn có cuộc sống sinh viên sôi động ngoài kia. Hãy nghĩ đến sở thích của bạn như dành thời gian bên bãi biển, muốn đi cắm trại vào cuối tuần, ngắm bắc cực quang hay trải nghiệm văn hóa Địa Trung Hải sôi động…
- 🏕️ Bạn thích các hoạt động ngoài trời
Hãy xem xét các quốc gia như Úc, Nam Phi, New Zealand, Costa Rica, Bắc Âu hoặc Tanzania.
- 🍱 Bạn là người đam mê ẩm thực
Hãy xem xét các thành phố như Tokyo, Madrid, Singapore, Casablanca, Rio de Janeiro, Dubai và Hồng Kông.
- 👓 Bạn đam mê thiết kế
Hãy xem xét các trung tâm thời trang mang tính biểu tượng như London, Los Angeles, Madrid, Paris và New York.
- ☕ Bạn là người yêu thích cà phê hoặc trà
Hãy xem xét các thành phố có nền văn hóa cà phê tốt nhất trên thế giới, như Stockholm, Melbourne, Rome, Singapore hoặc Vienna.
Xem xét chi phí sinh hoạt
Ngân sách của bạn sẽ đóng vai trò chính trong việc ra quyết định du học. Các quốc gia có chi phí sinh hoạt cao hơn chủ yếu nằm ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Bắc Âu. Bạn sẽ tìm thấy nhiều quốc gia thân thiện với ngân sách hơn ở Nam và Đông Nam Á, Châu Mỹ Latinh và Đông Âu.
Chi phí sinh hoạt cũng khác nhau giữa các thành phố ở cùng một quốc gia. Bạn có thể tìm được những nơi học tập có giá cả phải chăng hơn ở những thị trấn hoặc thành phố nhỏ, đặc biệt là ở những quốc gia có chi phí đắt đỏ. Bạn có thể tìm thấy thông tin tổng quát về chi phí du học các nước ở đây.
Nếu bạn đã nghĩ đến một đất nước
Nếu đã biết quốc gia mình muốn du học, đến lúc bạn phải quyết định chọn trường. Khi chọn trường đại học, bạn nên cân nhắc những điều sau:
Tôi có thể chuyển tín chỉ về trường cũ của mình không?
Điều này dành cho những bạn đi du học trong một học kỳ hoặc một năm chứ không phải cho toàn bộ bằng cấp. Một số trường có thể khá nghiêm ngặt về số tín chỉ du học mà họ sẽ tính vào bằng cấp của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn được sự chấp thuận của trường bằng văn bản trước đó.
Trường đại học có cung cấp chương trình phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của tôi không?
Nếu bạn muốn lấy toàn bộ bằng cử nhân sinh học ở Anh và sau đó trở về nước để học y, bạn sẽ phải hết sức cẩn thận để đáp ứng một số yêu cầu tuyển sinh nhất định. Hãy nghiên cứu trước để chọn chương trình phù hợp. Nếu bạn đưa ra quyết định đúng đắn, du học có thể giúp thúc đẩy sự nghiệp của bạn.
Tôi nên tìm kiếm chương trình du học ở đâu?
Khi bạn đã quyết định được một địa điểm chung, giờ là lúc bạn phải nghiêm túc lập danh sách các trường đại học tiềm năng. Các “nguồn lực” sau có thể giúp bạn thu hẹp danh sách các trường cuối cùng để đăng ký.
- Công cụ tìm kiếm
Bạn có thể sử dụng Google hoặc các trang web chuyên biệt như Times Higher Education, Top University, Educations để giúp bạn khám phá và so sánh các chương trình. Bạn có thể lọc các chương trình theo quốc gia, thành phố, loại trường và danh mục môn học. Bạn cũng có thể nhắn tin trực tiếp cho các trường đại học và trò chuyện với các sinh viên hiện tại.
- Xếp hạng
Nếu bạn tập trung hơn vào việc tìm kiếm trường học phù hợp hơn là quốc gia, bạn có thể xem các trang xếp hạng như THE, QS và US News tổng hợp bảng xếp hạng hàng năm của các trường hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, đừng tin tưởng hoàn toàn vào những con số này. Những trang web này xếp hạng các trường đại học nghiên cứu lớn, lâu đời dựa trên tiêu chí xếp hạng của họ. Một trường không có trong danh sách hoặc không giữ thứ hạng cao không có nghĩa là trường đó không có chương trình tốt phù hợp với riêng bạn.
ĐĂNG KÝ VÀ NỘP ĐƠN DU HỌC
Sau khi chọn được chương trình du học mong muốn, là lúc bắt đầu quá trình đăng ký. Nếu trước đây bạn đã từng nộp đơn vào một trường đại học ở quê nhà thì quá trình này có thể sẽ khá giống nhau. Hãy đọc tiếp để biết chính xác những gì có trong đơn đăng ký du học.
Chuẩn bị và sắp xếp mọi thứ
Bạn nên lập một danh sách những điều cần có để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh cũng như các mốc thời gian trong quy trình đăng ký. Việc này đặc biệt hữu ích khi bạn lựa chọn nhiều trường và chương trình khác nhau. Đừng quên theo dõi danh sách này thường xuyên để không bỏ lỡ thời hạn và các tài liệu cần nộp nhé.
Đăng ký
Quy trình đăng ký sẽ khác nhau tùy vào mức độ bằng cấp và trường học bạn chọn. Đây là những yêu cầu cơ bản trong đơn đăng ký của bạn.
Hồ sơ học tập
Hầu hết các chương trình đều muốn xem kết quả học tập của bạn ở trường học gần nhất (trung học hoặc đại học) như thế nào. Một số trường có yêu cầu GPA tối thiểu hoặc điểm số của môn học cụ thể mà bạn phải đáp ứng để đủ điều kiện đăng ký. Tùy thuộc vào hệ thống chấm điểm của quốc gia, bạn có thể cần phải chuyển đổi điểm và dịch thuật học bạ của bạn sang ngôn ngữ khác.
Chứng chỉ học thuật hoặc ngoại ngữ
Với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, bạn cần làm bài kiểm tra để chứng minh khả năng tiếng Anh của mình. Nhiều trường chấp nhận các chứng chỉ như IETLS, TOEFL, PTE, Duolingo… Nếu chọn chương trình giảng dạy bằng ngôn ngữ khác (như tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha…), bạn cũng cần đạt chứng chỉ ngôn ngữ tương ứng. Một số trường cung cấp chương trình dự bị ngôn ngữ cho các ứng viên chưa đạt yêu cầu.
Tùy thuộc vào quốc gia bạn chọn, trường bạn đăng ký cũng có thể yêu cầu các bài kiểm tra tiêu chuẩn tổng quát hơn. Ví dụ như nhiều trường đại học Mỹ, Phần Lan, Singapore yêu cầu SAT hoặc ACT đối với sinh viên đại học. Nếu đăng ký chương trình thạc sĩ, bạn có thể cần phải thi GRE hoặc GMAT.
Thư động lực hoặc tuyên bố cá nhân
Một số trường sẽ yêu cầu bạn viết một bài luận cá nhân, giải thích lý do tại sao bạn phù hợp với chương trình. Đây là cơ hội để thể hiện cá tính, những ưu tiên của bạn khi còn là sinh viên và cách trường học sẽ giúp bạn đạt được ước mơ của mình. Các thư động lực (motivation letter) có độ dài khác nhau, trung bình khoảng 300 – 500 từ.
Thư động lực nên:
- Giải thích lý do tại sao bạn muốn học tại trường đại học mà bạn đang đăng ký. Hãy nghĩ về những gì họ có thể cung cấp cho bạn và cách bạn có thể đóng góp cho trường học.
- Giải thích lý do tại sao bạn muốn học ở đất nước của họ chứ không phải ở quê nhà.
- Chứng minh bằng chứng rằng bạn có thể xuất sắc ở nước ngoài và đặc biệt là tại trường đại học của họ.
Thư động lực không nên:
- Là một lá thư chung chung mà bạn gửi đến tất cả các trường bạn đăng ký.
- Cho thấy bạn thiếu định hướng và kế hoạch cụ thể.
- Ngụ ý rằng bạn đi du học chỉ để tiệc tùng và kết bạn.
Xem thêm Cách viết motivation letter
Thư giới thiệu
Một số trường sẽ yêu cầu một hoặc hai tài liệu tham khảo học thuật (từ giáo viên của bạn) để nộp cùng với đơn đăng ký. Thông thường họ sẽ yêu cầu giáo viên gửi thư giới thiệu trực tiếp đến trường đại học. Đôi khi bạn sẽ được yêu cầu tự đính kèm thư này.
Hãy chọn những giáo viên thực sự hiểu bạn và những người có mối quan hệ tốt với bạn. Khi nhờ giáo viên viết thư giới thiệu, bạn nên gửi cho họ xem CV của bạn và danh sách các trường/chương trình bạn đăng ký để họ có thể điều chỉnh nội dung thư. Bạn nên nhờ giáo viên trước ít nhất 1 tháng để viết thư giới thiệu cho bạn và gửi lời nhắc đến họ.
Phỏng vấn
Một số chương trình sẽ phỏng vấn ứng viên qua điện thoại hoặc trò chuyện video. Các cuộc phỏng vấn là cách tuyệt vời để thể hiện cá tính của bạn. Đây cũng là cơ hội tốt để bạn đặt câu hỏi và quyết định xem trường đó có phù hợp với bạn hay không.
Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể gặp trong một cuộc phỏng vấn du học:
- Tại sao bạn muốn đi du học?
- Tại sao bạn quan tâm đến chương trình này?
- Mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của bạn là gì?
- Bạn đã từng ra nước ngoài chưa? Bạn chọn nơi du học như thế nào?
- Bạn mong chờ gì nhất ở nước du học?
- Bạn sẽ tham gia vào trường học như thế nào?
- Bạn sẽ làm gì trong thời gian rảnh rỗi?
- Bạn có kế hoạch như thế nào sau khi học xong?
Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi của riêng mình. Hãy nghiên cứu trước và đừng đặt những câu hỏi mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên trang web của trường. Dành thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ cho người phỏng vấn thấy rằng bạn nghiêm túc với chương trình của họ và về việc du học. Thực hành phỏng vấn với bạn bè, người thân hoặc chuyên gia, người có kinh nghiệm là điều nên làm trước cuộc phỏng vấn thực sự.
Chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp bạn để lại ấn tượng tốt trong cuộc phỏng vấn du học. Và đừng quên gửi lời cảm ơn qua email sau cuộc phỏng vấn.
Hồ sơ năng lực/Portfolio
Nếu đăng ký vào chương trình thiên về nghệ thuật (như viết lách, thiết kế…), bạn có thể được yêu cầu gửi mẫu tác phẩm của mình. Đối với một chương trình văn học, điều này có thể bao gồm một bài nghiên cứu. Đối với một khóa thiết kế, đó có thể là portfolio của bạn.
XIN HỌC BỔNG
Du học là khoản đầu tư tốn kém, nhưng học bổng có thể là một cách để bù đắp phần lớn chi phí. Có nhiều nơi để tìm kiếm học bổng và học bổng sẽ khác nhau, có thể từ vài trăm USD, 20%, 50% học phí hoặc chi trả cho toàn bộ chương trình. Đừng bỏ qua những học bổng có giá trị thấp hơn. Vì bất kỳ số tiền nào cũng có thể giúp ích rất nhiều trong việc giúp bạn có thể đi du học. Bạn không chắc nên bắt đầu từ đâu? Hãy Đăng ký tư vấn để được hướng dẫn!
CHẤP NHẬN LỜI MỜI NHẬP HỌC
Khi bạn được nhận vào một trường học ở nước ngoài, niềm vui thực sự sẽ bắt đầu. Nếu bạn được nhiều trường gửi thư mời nhập học, bạn sẽ phải quyết định chọn trường nào.
Cách quyết định nơi học nếu bạn có nhiều lựa chọn
Trước tiên, hãy lập danh sách ưu và nhược điểm của từng trường mà bạn đang chọn. Có một số điều cần cân nhắc khi chọn trường đại học.
- Ưu tiên của riêng bạn: Dành thời gian suy nghĩ về những gì bạn muốn trong tương lai. Cuộc sống lý tưởng của bạn sẽ như thế nào trong vài năm tới và điều gì có thể giúp bạn đạt được điều đó?
- Các khóa học và đội ngũ giảng viên: Tìm thông tin chi tiết hơn về các khóa học trong tương lai bạn sẽ tham gia. Chúng có phục vụ cho mục tiêu nghề nghiệp của bạn không? Bạn cũng nên tìm hiểu về quy mô lớp học, sự tham gia của giảng viên và các cơ hội như thực tập, kết nối, việc làm.
- Các dịch vụ và cơ sở hỗ trợ: Thư viện và phòng tập thể dục cũng như hỗ trợ sức khỏe tâm thần, dịch vụ nghề nghiệp, tư vấn học tập và dịch vụ sinh viên quốc tế đều là một phần trong trải nghiệm tương lai của bạn. Hãy xem ngôi trường tương lai của bạn sẽ cung cấp điều gì.
- Địa điểm và cuộc sống sinh viên: Bạn có thể tìm hiểu về cuộc sống sinh viên trên trang web của trường đại học để xem họ có những nhóm thể thao, câu lạc bộ và hiệp hội nào. Sẽ có nhiều thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội của trường. Bạn cũng có thể liên hệ với (cựu) sinh viên trường để hỏi thêm.
- Chi phí sinh hoạt và học phí: Học phí là bao nhiêu? Nếu các trường bạn đang chọn nằm ở hai quốc gia khác nhau, chi phí sinh hoạt ở mỗi quốc gia là bao nhiêu? Có trường nào cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc học bổng tốt hơn không?
- Trực giác của bạn: Đừng chọn trường chỉ vì bố mẹ bạn thích. Nếu bạn định dành vài tháng hoặc vài năm ở nước ngoài, thì đó phải là nơi bạn thực sự muốn đến.
Nếu bạn không nhận được lời mời nhập học?
Bạn có thể cảm thấy thất vọng nếu không nhận được thư mời nhập học nào. Bạn đừng quá buồn nhé. Vì các chương trình du học và đặc biệt là học bổng đều có tính cạnh tranh rất cao. Trường không cho rằng bạn phù hợp vào lúc này không có nghĩa là trong tương lai cũng thế. Điều tốt là bây giờ bạn đã biết hầu như mọi thứ về câu hỏi “Làm sao để du học?”. Đừng bỏ cuộc, hãy tìm hiểu thêm trường học và chương trình nhiều hơn và đăng ký lại vào học kỳ tới nhé!
CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI ĐI DU HỌC
Xin visa, giấy phép cư trú sinh viên
Bạn có thể cần xin visa để du học tại nhiều quốc gia. Một phần của thủ tục này là chứng minh tài chính. Bạn cũng cần xin giấy phép cư trú trong thời gian học tập ở nước ngoài.
Tìm chỗ ở, tìm đường và cách thức đến trường
Các điểm đến du học hàng đầu thường thu hút lượng lớn sinh viên quốc tế. Vì vậy bạn cần tìm chỗ ở sớm để có nơi ở phù hợp và không phải hồi hộp chờ đợi. Bạn nên tìm hiểu cách thức đến trường từ sân bay hoặc sử dụng dịch vụ đón sinh viên của trường. Bạn cũng nên kết nối với (cựu) sinh viên trường và những tân sinh viên như bạn nhé!
Sắp xếp hành lý
Hành lý của bạn nên có các giấy tờ và vật dụng cần thiết. Bạn có thể không cần đem theo một số vật dụng dễ mua hoặc có giá thấp hơn ở quốc gia du học để tránh hành lý quá nặng. Đừng quên lưu các số điện thoại và thông tin liên lạc cần thiết (của đại sứ quán, lãnh sự quán, văn phòng sinh viên…) để sử dụng trong trường hợp bạn cần hỗ trợ.
Du học là hành trình đòi hỏi tìm hiểu nhiều thông tin, ra quyết định thông minh, năng lực học tập và khả năng thích nghi, quyết tâm và kiên trì. Với hơn 17 năm hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực du học ở các quốc gia, INEC sẽ đem đến cho bạn thông tin chính xác, tư vấn chọn ngành, trường và lộ trình du học phù hợp, cung cấp các dịch vụ du học toàn diện và đồng hành cùng bạn suốt quá trình du học.
Khởi đầu năm mới của bạn với kế hoạch du học cùng INEC nhé!
Công ty Du học INEC
- Tổng đài: 1900 636 990
- Email: inec@inec.vn
- Trò chuyện trực tiếp với tư vấn viên tại: m.me/tuvanduhocinec